|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Quốc hội bắt đầu 3 ngày thảo luận về kinh tế - xã hội

07:38 | 31/10/2017
Chia sẻ
Sáng nay (31/10), Quốc hội bắt đầu thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước; kế hoạch tài chính giai đoạn 2018-2020. Nội dung này sẽ được Quốc hội bàn thảo trong 3 ngày.

Sự bứt phá mạnh mẽ trong quý III cho thấy cố gắng vượt bậc của cả nền kinh tế

quoc hoi bat dau 3 ngay thao luan ve kinh te xa hoi
Ảnh: Nam Nguyễn

Trong điều kiện tình hình quốc tế và trong nước có nhiều biến động, Chính phủ đã chỉ đạo theo dõi sát, điều hành chủ độn, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.

Giá tiêu dùng bình quân 9 tháng tăng 3,79%, ước cả năm khoảng 4%, lạm phát cơ bản khoảng 1,6%. Đã thực hiện lộ trình giá thị trường đối với dịch vụ y tế tại tất cả các địa phương. Tín dụng 9 tháng tăng 12%, cơ cấu chuyển dịch tích cực, chất lượng được nâng lên; thanh khoản, an toàn hệ thống được bảo đảm.

Mặt bằng lãi suất giảm, trong đó các lĩnh vực ưu tiên giảm 0,5 - 1%. Tỷ giá, thị trường vàng, ngoại tệ, giá trị đồng tiền Việt Nam ổn định, đã mua thêm hơn 6 tỷ USD, nâng mức dự trữ ngoại hối lên trên 45 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Tập trung chống thất thu NSNN, chuyển giá, giảm nợ đọng thuế; tăng cường kiểm soát, triệt để tiết kiệm chi; ước cả năm tổng thu NSNN tăng 2,3% so với dự toán và tăng 10,1% so với năm 2016; bội chi 3,5% GDP, bằng mức Quốc hội thông qua. Kỷ luật tài chính - NSNN được tăng cường; từng bước chấn chỉnh sai phạm trong sử dụng tài sản công…

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới, bổ sung và mua cổ phần trong 9 tháng đạt 25,5 tỷ USD, tăng 34,3%; vốn FDI thực hiện đạt kỷ lục 12,5 tỷ USD, tăng 13,4%...

Tính đến hết tháng 9, xuất khẩu tăng 20%. 9 tháng có gần 94 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 15,4%; tổng vốn đăng ký tăng 43,5%; có trên 21 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại. Tổng vốn đăng ký mới và bổ sung đạt 2,1 triệu tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, tăng trưởng GDP quý III đã tăng trưởng vượt bậc, đạt 7,46%, tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,41%; ước cả năm đạt 6,7%.

Quyết liệt xử lý 12 dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ, thất thoát

Báo cáo cũng cho thấy, năm 2017 đã tập trung chỉ đạo thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, ưu tiên các dự án, công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, nhất là giao thông, thủy lợi, năng lượng, y tế. Triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu; trình Bộ Chính trị cho ý kiến và tổ chức thực hiện Phương án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém; Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu và Đề án tổng thể cơ cấu lại DNNN đến năm 2020. Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền Đề án thành lập Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Thực hiện tổng kiểm kê nguồn lực quốc gia.

Đặc biệt, thời gian qua đã quyết liệt xử lý 12 dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ, thất thoát và đạt được kết quả bước đầu; đồng thời chỉ đạo các ngành, các cấp tiếp tục rà soát, chấn chỉnh trong toàn bộ hệ thống DNNN.

Cả 13 chỉ tiêu trong Nghị quyết của Quốc hội đều dự kiến đạt

Trong phiên thảo luận ở tổ sáng 24/10 về nội dung này, nhiều đại biểu ghi nhận về cơ bản, các giải pháp điều hành chính sách kinh tế vĩ mô đã được thực thi đúng hướng và phù hợp với diễn biến thị trường, nền kinh tế duy trì được ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, thiết lập nền tảng cho tăng trưởng kinh tế.

Cả 13 chỉ tiêu trong Nghị quyết của Quốc hội đều dự kiến đạt và vượt so với kế hoạch, đây là kết quả đáng ghi nhận, thể hiện sự quyết tâm, cố gắng rất lớn trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, góp phần củng cố niềm tin, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội.

Các đại biểu cho rằng, năm 2017 đã có chuyển biến rõ nét trong công tác phối hợp giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, giúp giải quyết tích cực nhiều vấn đề còn yếu kém, trì trệ trước đây trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính và phòng, chống tham nhũng.

Đặc biệt, nhiều đại biểu đánh giá cao việc lần đầu tiên Chính phủ giữ được bội chi ngân sách Nhà nước (NSNN) theo kế hoạch và có thể thấp hơn.

Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến băn khoăn việc thực hiện nội dung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế vẫn còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra.

Quá trình cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp, giải quyết yếu kém của một số doanh nghiệp Nhà nước còn chậm; việc cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém, xử lý nợ xấu còn hạn chế; chất lượng đầu tư công chưa cao. Chất lượng tăng trưởng cũng chưa được cải thiện, chỉ số thu nhập quốc dân ngày càng giảm, tăng xuất khẩu vẫn phụ thuộc phần lớn vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, thiếu tính bền vững; tăng trưởng của năng suất lao động chủ yếu dựa vào quá trình chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ; chất lượng cuộc sống người dân có cải thiện nhưng chưa rõ ràng...

Sáng nay, Quốc hội bắt đầu thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước; kế hoạch tài chính giai đoạn 2018-2020. Nội dung này sẽ được Quốc hội nghị sự trong 3 ngày.

Trong quá trình thảo luận, các thành viên Chính phủ phát sẽ biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Hà Giang