|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Quảng Nam quyết đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu

14:20 | 09/05/2017
Chia sẻ
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam khẳng định sẽ không xem xét việc cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản tại mỏ vàng Bồng Miêu và yêu cầu chủ đầu tư đóng cửa mỏ khoáng sản này.

Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam vừa có văn bản thông báo kết luận của ông Huỳnh Khánh Toàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - liên quan đến kiến nghị của Tập đoàn Bersa đối với hoạt động khai thác vàng tại mỏ Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, Phú Ninh, Quảng Nam).

quang nam quyet dong cua mo vang bong mieu

Mỏ vàng Bồng Miêu đã đóng cửa từ năm 2016

Trước đó ngày 27/4, tỉnh Quảng Nam tổ chức cuộc họp bàn giải quyết đề nghị của Tập đoàn Besra liên quan đến hoạt động của Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu.

Theo kết luận của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, giấy phép khai thác khoáng sản vàng tại mỏ Bồng Miêu mà Bộ Công nghiệp nặng (nay là Bộ Công Thương) cấp cho Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu đã hết hiệu lực kể từ ngày 5/3/2016.

quang nam quyet dong cua mo vang bong mieu

Sau khi đóng cửa mỏ, vàng tặc lộng hành ở mỏ vàng Bồng Miêu gây tình trạng mất an ninh trật tự

Công ty đã nộp đơn đề nghị gia hạn giấy phép khai thác cho Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, nhưng do không có đủ căn cứ, cơ sở xem xét việc gia hạn giấy phép nên Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cũng đã có văn bản thông báo cho Công ty biết.

Trước những khó khăn của Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu, UBND tỉnh đã làm việc và ban hành nhiều văn bản hỗ trợ Công ty tái cơ cấu lại doanh nghiệp nhằm khôi phục sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho người lao động, có nguồn thu để trả nợ thuế, phí cho Nhà nước và thanh toán nợ cho các nhà cung cấp dịch vụ, vật tư, hàng hóa…

“Mặc dù đã có sự chỉ đạo cụ thể, quyết liệt nhưng Công ty vẫn thiếu thiện chí hợp tác, chậm xây dựng phương án tái cơ cấu doanh nghiệp, không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ trả nợ, không chấp hành dừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND tỉnh”, văn bản của UBND tỉnh Quảng Nam kết luận.

quang nam quyet dong cua mo vang bong mieu

Lực lượng chức năng liên tục ra quân để lập lại trật tự ở mỏ vàng Bồng Miêu

Do đó, ngày 1/9/2016, UBND tỉnh Quảng Nam có công văn thông báo cho Công ty việc tỉnh không xem xét đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản vàng tại mỏ vàng Bồng Miêu, đồng thời yêu cầu Công ty dừng hoạt động khai thác vàng, khẩn trương thực hiện đóng cửa mỏ theo quy định, bàn giao khu vực mỏ cho địa phương quản lý và chủ động xây dựng lại phương án tổ chức hoạt động của doanh nghiệp sau khi không được cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định.

Ngày 19/7/2016, Bộ TN-MT có công văn yêu cầu Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu chấm dứt toàn bộ hoạt động khai thác khoáng sản trong diện tích 358 ha; tổ chức quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong diện tích khu vực khai thác, thực hiện nghĩa vụ khác như đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường và đất đai…

Mặc dù vậy, đến nay công ty vẫn chưa thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, trách nhiệm khi giấy phép khoáng sản hết hiệu lực như chưa trình đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu cho Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam; quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong diện tích khu vực khai thác chưa chặt chẽ…

“Từ tình hình nêu trên, UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định lại quan điểm là không xem xét đề nghị Bộ TN-MT cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản vàng tại mỏ vàng Bồng Miêu cho Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu”, thông báo của tỉnh Quảng Nam nêu rõ.

Thông báo cũng nhấn mạnh: “UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu, Tập đoàn Besra Gold Inc thực hiện đúng, đầy đủ các nghĩa vụ, trách nhiệm khi giấy phép khai thác khoáng sản hết hiệu lực theo quy định của pháp luật khoáng sản hiện hành, như tổ chức quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong diện tích khu vực khai thác; khẩn trương thực hiện nghĩa vụ đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường và đất đai”.

Công Bính

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.