'Quân đội làm kinh tế không chỉ là chính sách mà còn là triết lý quốc phòng'
Giáo sư Đặng Hùng Võ. |
Ông Đặng Hùng Võ viết:
"Quân đội làm kinh tế hay không làm kinh tế không chỉ là chính sách lớn, mà còn là triết lý quốc phòng lớn, cách thức vận dụng còn phụ thuộc vào tình hình cụ thể từng giai đoạn phát triển của đất nước.
Ở Việt Nam hay ở nhiều nước châu Á khác, triết lý quân đội phát triển sản xuất trong thời bình để tự lo hậu cần cho thời chiến đã được áp dụng suốt chiều dài lịch sử nhà nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát triết lý này thành một triết lý lớn hơn: mỗi người dân là một người lính bảo vệ đất nước, mỗi người lính cũng là một người dân trong sản xuất. Nền quốc phòng toàn dân được xây dựng dựa trên triết lý này.
Từ đây, cơ chế doanh nghiệp quốc phòng tham gia hoạt động kinh tế sinh lợi được hình thành và phát triển.
Khảo cứu kinh nghiệm nước ngoài cũng có thể cho thấy một số chính sách khác nhau được áp dụng. Nhà nước Trung Hoa trong thời gian vài chục năm qua cũng đã có những thay đổi mạnh mẽ trong cách nhìn về chính sách quân đội có làm kinh tế hay không.
Dưới thời Tổng bí thư Giang Trạch Dân, số lượng các đơn vị vũ trang làm kinh tế đã được thu hẹp. Tháng 3/2016, Tổng bí thư Tập Cận Bình đã có thông báo dừng toàn bộ các hoạt động dịch vụ sinh lời của các đơn vị quân đội và cảnh sát vũ trang.
Ở đây, chúng ta cần lưu ý thuật ngữ “dịch vụ sinh lời” được sử dụng để thay thế thuật ngữ “làm kinh tế”. Cốt lõi của vấn đề chính là cơ chế “sinh lời”, là nguyên nhân làm sao nhãng nhiệm vụ chính của quân đội là bảo vệ đất nước.
Những chính sách như vậy từng bước đã đưa Trung Hoa từ một nước có nền quốc phòng không mạnh trở thành đất nước có lực lượng quân sự hiện đại trên thế giới.
Tại các nước công nghiệp phát triển như Mỹ, Anh, Pháp... kinh tế quốc phòng là một lĩnh vực phát triển rất mạnh, sinh lợi cao nhưng không do lực lượng vũ trang thực hiện, mà do kinh tế tư nhân thực hiện như các ngành kinh tế khác.
Ví dụ như ở Pháp, doanh nghiệp tư nhân EADS bảo đảm sản xuất mọi loại vũ khí, máy bay quân sự, tên lửa sử dụng vào mục đích quốc phòng. Hay ở Mỹ, Tập đoàn tư nhân Lockheed Martin cũng chế tạo những vũ khí hàng không, vũ trụ cho mục đích quốc phòng.
Quân đội không làm kinh tế, mà chỉ tập trung vào nhiệm vụ luyện tập để trở thành những đội quân tinh nhuệ, sức chiến đấu cao.
Tại Việt Nam, kinh tế quốc phòng là lĩnh vực khu vực dân sự không được thực hiện, mà phải do lực lượng vũ trang thực hiện. Nếu không cho quân đội làm kinh tế quốc phòng thì sẽ không phát triển được công nghệ và kinh tế quốc phòng.
Vấn đề được đặt ra là quân đội làm kinh tế theo cơ chế nào và hạn chế trong phạm vi nào thì phù hợp. Hơn nữa, cần tìm lộ trình hợp lý để thực hiện, tạo nên hướng đi mạch lạc trong nhiệm vụ hiện đại hóa quân đội ta và sử dụng đất quốc phòng đúng mục đích, hiệu quả cao.
Việc thứ nhất có thể làm là quân đội không tham gia các hoạt động dịch vụ kinh doanh “sinh lời” trong phạm vi khối kinh tế dân sự đang làm. Các doanh nghiệp quân đội sẽ được cổ phần hóa để trở thành các doanh nghiệp dân sự thông thường và đất quốc phòng đang sử dụng cũng được trả về cho địa phương quản lý.
Việc tiếp theo là các doanh nghiệp quốc phòng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế quốc phòng theo một cơ chế đặc thù, không lấy tiêu chí “sinh lời” riêng làm trọng tâm".