|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

QNS: Thành bại tại sữa đậu nành Vinasoy và mía đường

20:00 | 28/11/2016
Chia sẻ
Sữa đậu nành và mía đường là 2 mảng kinh doanh trọng yếu quyết định đến hiệu quả kinh doanh của QNS khi chiếm đến khoảng 75% tổng doanh thu và 70% lợi nhuận trước thuế của Công ty. 

CTCP Đường Quảng Ngãi (QNS) tiền thân là Công ty Đường Quảng Ngãi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Công ty tiến hành cổ phần hóa năm 2005 và chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2006.

Theo thông tin mới đây, Đường Quảng Ngãi đã có thông báo về việc chốt danh sách cổ đông để lập sổ đăng ký chứng khoán phục vụ việc nộp hồ sơ đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn Upcom với mã chứng khoán QNS.

Hoạt động của QNS bao gồm 5 mảng hoạt động kinh doanh chính gồm (1) Sữa đậu nành, (2) Mía đường, (3) Bia, (4) Bánh kẹo và (5) Nước khoáng. Trong đó, Sữa đậu nành (chiếm gần 85% thị phần) và mía đường là 2 mảng kinh doanh trọng yếu tác động đến hiệu quả kinh doanh của QNS khi chiếm đến khoảng 75% tổng doanh thu và 70% lợi nhuận trước thuế của Công ty.

qns thanh bai tai sua dau nanh vinasoy va mia duong

Nguồn: BSC, QNS

Sữa đậu nành Vinasoy

Bộ phận phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC Research) cho biết, hiện tại QNS có 2 nhà máy đang sản xuất sữa đậu nành, một nhà máy Vinasoy Quảng Nam có công suất 120 tr lít/năm và một nhà máy Vinasoy tại Bắc Ninh (Có công suất 180 triệu lít/năm, trước đó là 90 triệu lít/năm, tháng 5/2015 chính thức tăng công suất thêm 90 triệu lít/năm).

Theo BSC, hai nhà máy này hiện đang hoạt động hết 100% công suất thiết kế, sản lượng 2016 ước tính là 300 triệu lít. Ngày 28/11/2016, QNS sẽ đưa vào hoạt động nhà máy Vinasoy Bình Dương, công suất giai đoạn 1 là 90 triệu lít/năm (vốn đầu tư 898 tỷ đồng). Nếu thị trường thuận lợi, năm 2018 sẽ thực hiện nâng công suất lên 180 triệu lít/năm.

Điểm tích cực theo BSC đánh giá là sữa đậu nành Vinasoy là sản phẩm có giá cả và chất lượng ở mức tốt hơn so với các sản phẩm cùng loại khác.

qns thanh bai tai sua dau nanh vinasoy va mia duong

Vinasoy đang chiếm đến gần 85% thị phần sữa đậu nành

Mặc dù việc xây dựng nhà máy tại Bình Dương sẽ giúp Vinasoy giảm được chi phí vận chuyển nhưng BSC cũng cẩn trọng rằng thị trường miền Nam là thị trường cạnh tranh khốc liệt nhất cả nước với các đối thủ mạnh trong ngành sữa đậu nành hộp giấy như Nutrifood, Vinamilk. Hiện thị trường miền Bắc đang là thị trường chủ lực của Vinasoy với tỷ lệ 40% doanh thu, 25% cho miền Trung và 35% tại thị trường miền Nam.

Về kết quả kinh doanh 9 tháng 2016, doanh thu sữa đậu nành giảm một phần do sản lượng tiêu thụ không tăng trưởng nhiều. Mặt khác, BSC cho rằng giá sữa bột giảm, dẫn tới giá bán của QNS cũng bị giảm theo mặc dù sản xuất từ hạt đậu nành. Ngoài ra, năm 2016 Vinasoy phải đẩy mạnh chi phí quảng cáo, khuyến mại để chuẩn bị thị trường khi nhà máy Bình Dương đi vào hoạt động nên biên lãi gộp thấp hơn so với cùng kỳ.

Mở rộng năng lực sản xuất Mía đường

Theo BSC, sản phẩm đường hiện nay của QNS toàn bộ là đường RS (chưa luyện đường RE như đường Lam Sơn hay Biên Hòa). Hiện tại QNS chỉ sản xuất đường từ cây mía, chưa sản xuất đường từ đường thô (do liên quan đến hạn ngạch nhập khẩu). Vụ ép mía từ T11 năm trước – T5 năm sau, do đó thời gian còn lại trong năm sẽ nghỉ và bảo dưỡng máy móc. Diện tích trồng mía hiện tại là 12,000 ha.

QNS đang đầu tư vào 2 dự án lớn. Trong tháng 11/2016, QNS sẽ hoàn thành dự án nâng công suất nhà máy đường An Khê lên 18,000 TMN (tổng vốn đầu tư ước tính 1,600 tỷ đồng).

Ngoài ra, dự án đầu tư Nhà máy Nhiệt điện sinh khối An Khê sản xuất điện từ bã mía có công suất thiết kế 110 MW cũng sẽ đi vào hoạt động cùng với nhà máy mía An Khê. Dự án có giá trị đầu tư 1.700 – 1.800 tỷ và dự kiến vào tháng 01/2017 sẽ chạy được theo CSTK, giá bán điện đang được xem xét. Khoảng hơn 50% lượng điện sản xuất sẽ được bán vào lưới điện quốc gia, phần còn lại sử dụng nội bộ.

BSC cho biết, vụ 2016 – 2017 (từ tháng 11/2016 – 05/2017), QNS sẽ ép 1,5 triệu – 1,7 triệu tấn mía, do đó dự kiến sản lượng đường vụ 2016 – 2017 sẽ là 170 nghìn tấn, chiếm trên 10% tổng cung của cả nước. Trong đó, nhà máy An Khê sản xuất khoảng 150,000 tấn và nhà máy Phổ Phong khoảng 20.000 tấn. Toàn bộ đường sản xuất tại nhà máy Phổ Phong sẽ dùng cho nội bộ bao gồm Sữa đậu nành, bánh kẹo (khoảng 20.000 tấn/năm) còn lại 150.000 tấn sẽ bán buôn thương mại.

Trong 9 tháng 2016, doanh thu ngành đường của QNS giảm tới 27% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do ảnh hưởng của Elnino khiến sản lượng giảm tới hơn 20%. Ngoài ra, BSC dẫn lời QNS tự đánh giá rằng nguồn nguyên liệu mía bị cạnh tranh lớn do có một số đơn vị sản xuất lân cận cạnh tranh mua mía, điều này một phần khiến lợi nhuận của QNS sụt giảm trong 9 tháng đầu năm.

Hoàng Trung