PV Power ở đâu trong ‘bản đồ’ ngành điện Việt Nam?
[Infographic] So găng 2 ông Tổng ngành điện sắp IPO: EVNGenco 3 và PV Power | |
PV Power sẽ niêm yết cổ phiếu trong năm 2018 | |
Đấu giá hơn 468 triệu cổ phiếu PV Power vào ngày 31/1/2018 |
Theo bản công bố thông tin, năm 2015, tổng công suất lắp máy của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) đạt 4.208 MW, trong 38.800 MW của toàn bộ các nhà máy điện tại Việt Nam. Trong khi đó, công suất lắp đặt của EVN và Genco 1,2,3 trực thuộc là 23.580 MW, của Vinacomin Power 1.550 MW.
PV Power là đơn vị đứng thứ 2 về công suất lắp đặt, chiếm khoảng 11% tổng công suất của các nhà máy điện Việt Nam. (Nguồn: Số liệu CBTT của PV Power) |
Xếp thứ 2 về sản lượng phát điện
PV Power sở hữu 8 công ty/nhà máy điện với tổng công suất 4.208 MW, bao gồm: Vũng Áng 1, Cà Mau 1 và 2, Nhơn Trạch 1 và 2, Hủa Na, Dakrinh, Nậm Cát. Trong đó, thủy điện chiếm khoảng 7,3%, nhiệt điện than chiếm 28,5%, nhiệt điện khí chiếm 64,2% công suất.
Nhà máy điện khí như Cà Mau và Nhơn Trạch chiếm khoảng 64% tổng công suất của tất cả cá nhà máy thuộc PV Power. Các nhà máy này thường có vòng đời hoạt động ngắn hơn (vòng đời các dự án điện khí khoảng 25 năm, nhiệt điện than khoảng 30 năm, thủy điện khoảng 40 năm). Giá thành nhiên liệu, trữ lượng và mức độ khai thác khí không thuận lợi bằng than. Tuy nhiên, khí lại ít gây ô nhiễm môi trường và trong tương lai các quốc gia sẽ giảm dần tỷ trọng than trong sản xuất điện bằng cách tập trung nguồn năng lượng tái tạo.
Nhà máy của PV Power. |
Tính đến 31/12/2016, tổng giá trị đầu tư ra ngoài doanh nghiệp của PV Power đạt khoảng 5.735 tỷ đồng (chưa trừ khoản trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư). PV Power chủ yếu góp vốn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh điện (chiếm 95%), 5% vốn đầu tư còn lại cho các đơn vị tư vấn và một số lĩnh vực khác.
Nguồn: NH tổng hợp (Click vào ảnh để xem chi tiết) |
Theo báo cáo ngành điện của EVN, tập đoàn cung ứng 159,4 tỷ kWh trong năm 2016. Trong 5 doanh nghiệp phát điện lớn nhất Việt Nam, PV Power xếp thứ 2 về sản lượng phát điện, chiếm khoảng 12% thị phần, sau EVN Genco 3. Công suất phát điện của PV Power đạt 4.280 MW.
Bên cạnh đó, năm 2021 – 2022, Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 dự kiến được đưa vào vận hành với tổng công suất tăng thêm là 1.500 MW.
Tỷ lệ nợ vay thấp nhất
Nguồn: NH tổng hợp (Click vào ảnh để xem chi tiết) |
Về cơ cấu nguồn vốn, nhờ Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng đã hoạt động từ năm 2015 nên công ty sử dụng nợ vay thấp nhất so với các doanh nghiệp lớn cùng ngành, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu vào khoảng 60/40. Trong khi Genco 3 có rủi ro tài chính cao hơn, tỷ lệ nợ/VCSH khoảng 90/10 do Genco đang triển khai đầu tư nhiều dự án. Hệ số này ở Genco 1 và Genco 2 lần lượt khoảng 85/15 và 70/30.
Kinh doanh điện chiếm trên 85% doanh thu và 95% cơ cấu lợi nhuận gộp
Nguồn: NH tổng hợp (Click vào ảnh để xem chi tiết) |
Giai đoạn 2014 - 6 tháng 2017, doanh thu bán điện của PV Power luôn vượt mức 21.000 tỷ đồng/năm, chiếm trung bình trên 95% tổng doanh thu. Năm 2013, 2014 doanh thu giảm mạnh do sản lượng điện và giá khí đầu vào của các nhà máy giảm mạnh (Nhà máy điện Cà Mau, Nhơn Trạch 1). Năm 2016, nhờ dự án điện Vũng Áng, doanh thu PV Power đạt hơn 18.248 tỷ đồng.
Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nhà máy điện Cà Mau 1 và Cà Mau 2 hết khấu hao lần lượt trong năm 2019 và 2020. Bên cạnh đó, giá bán điện hợp đồng với EVN vẫn sẽ không bị điều chỉnh sau khi hết khấu hao.
VDSC ước tính, mức chi phí khấu hao hàng năm khoảng 515 – 550 tỷ đồng/nhà máy sẽ được chuyển thành lợi nhuận trước thuế của PV Power và mang về 2.581 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, trong đó Nhơn Trạch 2 đóng góp cao nhất với 847 tỷ đồng vào năm 2018. 3 năm sau, trụ cột chính đóng góp lợi nhuận cho PV Power sẽ chuyển sang Nhà máy Vũng Áng 1, Nhà máy Cà Mau 1 và 2, dự kiến trên 3.700 tỷ đồng vào 2021.
Nguồn: NH tổng hợp (Click vào ảnh để xem chi tiết) |
Doanh thu bán điện năm 2016 của PV Power đạt mức cao nhất nhưng lợi nhuận gộp từ mảng này chỉ xếp thứ 3. Trong năm 2015, lợi nhuận gộp của công ty cao hơn năm 2014 do thu được hơn 1.044 tỷ đồng từ khoản hồi tố nhà máy Nhơn Trạch 1. Sang 2016, lợi nhuận gộp giảm do Nhà máy điện Vũng Áng 1 trong giai đoạn đầu vận hành còn chưa ổn định dẫn đến lỗ hơn 800 tỷ đồng.
Mảng sản xuất và kinh doanh điện là nguồn lợi nhuận gộp chủ yếu và doanh thu của PV Power (trên 95%). Các lĩnh vực khác như cung cấp dịch vụ, bán hàng hóa, xây lắp, bất động sản chỉ đóng góp phần nhỏ.
Do hoạt động chính về ngành điện nên chi phí bán hàng chỉ ở mức rất thấp. Tuy nhiên, giá vốn thường chiếm 85%/tổng doanh thu. Năm 2015, giá vốn chiếm hơn 77% do chi phí nhiên liệu giảm mạnh và Nhơn Trạch 1 ghi nhận thêm doanh thu hồi tố hơn 1.044 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí tài chính cũng tiêu tốn khá nhiều tiền của công ty. Giai đoạn 2014 – 6 tháng 2017, khoản mục này ghi nhận trung bình hơn 1.600 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là chi phí lãi vay và lỗ chênh lệch tỷ giá.
Theo đề xuất của Bộ Công Thương, trong kế hoạch cổ phần hóa PV Power, PVN vẫn giữ 51% vốn đến năm 2019. Mức giá khởi điểm khi IPO là 14.400 đồng/cp. Tỷ lệ cổ phần bán đấu giá công khai là 20%, cổ phần ưu đãi theo chế độ người lao động của PV Power đăng ký mua là 0,1% và chào bán cho nhà đầu tư chiến lược còn 28,8%. Được biết, tổng diện tích đất PV Power đang quản lý và sử dụng là 1.920,8 m2. Trong đó, Công ty Điện lực Dầu khí Cà Mau 605.318 m2; Công ty Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 335.653 m2; Công ty Điện lực Dầu khí Hà Tĩnh 979.906 m2. |