|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Phụ thuộc nguồn nguyên liệu NK: Thách thức lớn của ngành sản xuất, chế biến thực phẩm

17:14 | 16/11/2017
Chia sẻ
Đó là nhận định của ông Bùi Trường Thắng, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương tại hội thảo Xúc tiến đầu tư công nghiệp chế biến thực phẩm tổ chức tại TP.HCM chiều 15/11.
phu thuoc nguon nguyen lieu nk thach thuc lon cua nganh san xuat che bien thuc pham
Rất đông doanh nghiệp nước ngoài tham dự Triển lãm Vietnam Foodexpo 2017 nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư. Ảnh: N.Hiền.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Chương trình Xúc tiến đầu tư quốc gia năm 2017, do Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương phối hợp với Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các đơn vị hữu quan tổ chức. Hội thảo là một trong những hoạt động quan trọng trong chuỗi các sự kiện của Triển lãm công nghiệp thực phẩm Vietnam Foodexpo 2017.

Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam đang có xu hướng tăng trưởng mạnh, từng bước cung ứng nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh cao, chiếm lĩnh thị trường nội địa và gia tăng xuất khẩu. Lượng tiêu thụ thực phẩm hàng năm của Việt Nam ước tính chiếm khoảng 15% GDP, và trong 9 tháng đầu năm 2017 đã tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, mức tăng của sản lượng sản xuất ngành chế biến thực phẩm mới chỉ tăng 9%, hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường nội địa.

Phát biểu tại hội thảo, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam có sự tăng trưởng đều đặn với mức tăng của chỉ số sản xuất công nghiệp trung bình từ 2012-2016 đạt 6,94%/năm đối với thực phẩm chế biến và 9,48% với đồ uống. Tuy vậy, thị trường thực phẩm – đồ uống Việt Nam được đánh giá còn rất nhiều tiềm năng. Thực tế sự tăng trưởng liên tục trong thời gian qua cho thấy vẫn còn rất nhiều dư địa để các DN tận dụng.

Một báo cáo gần đây của tổ chức Business Monitor International đã dự báo tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống Việt Nam sẽ duy trì mức tăng trưởng kép hàng năm là 10,9% cho giai đoạn 2017-2019 nhờ thu nhập cải thiện và xu hướng tiêu dùng sản phẩm giá trị cao hơn. Đặc biệt, Business Monitor Internetional còn dự báo tăng trưởng của ngành sữa dự kiến khoảng 10%, đồ uống có cồn là 11,1% và nhu cầu tiêu dùng sẽ tập trung vào nhóm hàng thực phẩm và đồ dùng thiết yếu.

Ông Hải nhận định, bên cạnh việc đầu tư để khai thác thị trường nội địa, tiềm năng khai thác và chế biến thực phẩm của Việt Nam để xuất khẩu ra nước ngoài cũng rất đáng kể. Hiện nay, Việt Nam luôn là một trong những nước xuất khẩu gạo, cà phê, hạt điều lớn nhất thế giới. Xuất khẩu nhóm hàng nông sản trong năm 2016 đạt hơn 15 tỷ USD, tăng 7,7% so với năm 2015. Trong đó có nhiều nhóm hàng có mức tăng trưởng tốt và ổn định như hàng rau quả, hạt tiêu, hạt điều, cà phê…

Các mặt hàng nông sản Việt Nam đã được xuất khẩu sang hơn 100 nước trên thế giới với chất lượng nguyên liệu thực phẩm đáp ứng được các yêu cầu của nhiều quốc gia. Điển hình như mặt hàng cà phê, hiện nay Starbucks đang sử dụng cà phê Arabica có xuất xứ từ Đà Lạt tại hơn 21.500 cửa hàng tại 56 quốc gia trên toàn thế giới. Trong khi chỉ có 3% cà phê trên thế giới đáp ứng tiêu chuẩn của Starbucks.

“Điều đó chứng tỏ rằng nguồn nguyên liệu thực phẩm của Việt Nam hiện nay có thế đáp ứng được yêu cầu chất lượng của các hãng thực phẩm và đồ uống uy tín nhất trên thế giới” – ông Hải nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Bùi Trường Thắng, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho rằng, bên cạnh những cơ hội và tiềm năng, ngành sản xuất, chế biến thực phẩm đang đối mặt với những thách thức rất lớn. Cụ thể, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm mang tính cạnh tranh cao và ngày càng gay gắt. Hiện nay, mặc dù các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm và đồ uống trong nước đã xây dựng được chỗ đứng nhất định trong thị trường nội địa. Tuy nhiên, hầu hết các hãng sản xuất thực phẩm và đồ uống nổi tiếng trên thế giới đã có mặt tại Việt Nam, mang theo những sức ép cạnh tranh không nhỏ.

Việc Việt Nam tham gia vào các FTA, việc giảm thuế nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm và đồ uống theo cam kết sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức cạnh tranh của các sản phẩm trong nước đối với sản phẩm ngoại nhập. Ngoài ra, những yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm, cách thức đóng gói, nhãn mác cũng là rào cản đáng kể khi doanh nghiệp trong ngành muốn thâm nhập vào thị trường các nước.

Đặc biệt, ông Thắng nhấn mạnh về tình trạng nguồn nguyên liệu cho sản xuất trong nước còn thiếu và không ổn định, nguyên liệu nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn. Điều này dẫn đến các DN không chủ động được số lượng, chất lượng, giá nguyên liệu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ví dụ như sữa tươi nguyên liệu hiện mới đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu sản xuất và tiêu thụ trong nước, còn lại phải nhập khẩu. Kim ngạch nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa hàng năm trên dưới 1 tỷ USD. Trong các nguyên liệu sản xuất bia, trừ gạo được sử dụng với số lượng nhỏ được sản xuất trong nước, còn lại hoa bia và đại mạch là hoàn toàn phải nhập khẩu.

Việt Nam cũng chưa phát triển được cây nguyên liệu có dầu nên hàng năm các DN phải nhập khẩu trên 90% nguyên liệu dầu thô các loại để tinh luyện thành dầu ăn tiêu thụ trong nước và phục vụ xuất khẩu. Nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất bánh kẹo là bột mỳ, hương liệu và chất phụ gia phần lớn cũng phải nhập khẩu.

Tại hội thảo, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp trong và ngoài nước đã cùng trao đổi, thảo luận về các cơ hội đầu tư to lớn vào Việt Nam về vùng nguyên liệu, thị trường tiêu thụ nội địa rộng lớn và tiềm năng, xu hướng gia tăng các sản phẩm chế biến tiện lợi và các hỗ trợ về chính sách của Nhà nước. Cùng với đó, các chuyên gia cũng chỉ ra các xu hướng đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm, việc áp dụng các công nghệ mới, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm thực phẩm chế biến, việc phát triển mặt hàng mới trong công nghiệp thực phẩm Việt Nam…

Nguyễn Hiền