|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Phụ nữ Việt đứng đâu trong bản đồ ngành ngân hàng Châu Á?

06:26 | 11/03/2017
Chia sẻ
Phụ nữ Việt Nam trong chiếm 46,6% tổng lao động ngành ngân hàng và chiếm 30,6% trong đội ngũ lãnh đạo ngành, khảo sát mới đây của Bloomberg chỉ ra.

Hội thảo về Nữ lãnh đạo trong lĩnh vực ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức mới đây cho hay, gần 60% lao động ngành ngân hàng là nữ.

Trong một khảo sát khác của Bloomberg từ 413 doanh nghiệp cũng cho thấy lao động trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam chiếm khá cao với gần 47%, đội ngũ lãnh đạo ngành cũng có đến 30% là nữ giới.

phu nu viet dung dau trong ban do nganh ngan hang chau a
Phụ nữ Việt Nam trong chiếm 46,6% tổng lao động ngành ngân hàng và chiếm 30,6% trong đội ngũ lãnh đạo ngành. (Nguồn: Bloomberg).

Đây là tỷ lệ cao nhất ở khu vực Châu Á, vốn vẫn bị xem là nơi khó khăn đối với phụ nữ làm ngân hàng, đặc biệt với những người từ 50 đến 60 tuổi.

Ở Việt Nam, tài chính - ngân hàng là được xem một lĩnh vực có tính đặc thù nghề nghiệp và đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn đối với lao động nữ.

Điều này cũng khá giống với Pháp và Hàn Quốc – những quốc gia giàu có và là thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Sự tham gia của phụ nữ trong ngành ngân hàng và tài chính của họ được xem là điều cốt yếu.

Tại công ty dịch vụ tài chính lớn nhất châu Âu - Societe Generale SA có nữ giới chiếm đa số trong 13 thành viên Hội đồng quản trị.

Hay ở Ấn Độ, có nữ làm giám đốc điều hành Ngân hàng Trung ương, Ngân hàng ICICI, Ngân hàng Axis và Ngân hàng Standard Chartered chi nhánh sở tại. Bên cạnh đó, tại LIC Housing Finance Ltd, một công ty cho vay thế chấp trực thuộc công ty bảo hiểm nhân thọ lớn nhất Ấn Độ, 30% thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban giám đốc là phụ nữ.

Tuy nhiên, phụ nữ châu Á nói chung lại bị đánh giá thấp trong giới ngân hàng, tài chính và bảo hiểm, cuộc khảo sát của Bloomberg dựa trên dữ liệu từ 413 doanh nghiệp cho hay.

Trong số 23 doanh nghiệp Hàn Quốc mà Bloomberg khảo sát về thành phần của Hội đồng quản trị và nhân viên, Công ty thẻ tín dụng Samsung (Samsung Card Co) có đại diện nữ cao nhất trong những cấp bậc cấp cao. Một trong sáu giám đốc ở đây là phụ nữ. Nhưng Samsung Card Co là một công ty trị giá 4 tỷ đôla, trong khi Tập đoàn Tài chính Shinhan (Shinhan Financial Group Co.) có trị giá 19 tỷ đôla lại không có một người nữ nào làm lãnh đạo.

Không riêng gì Hàn Quốc, Singapore mặc dù có 55% lực lượng lao động trong ngành tài chính là nữ giới nhưng lại không có đủ ai trong đó làm lãnh đạo. Hồng Kông, Nhật Bản, Trung Quốc và Đài Loan cũng tương tự.

Quay trở lại Việt Nam, Bloomberg chỉ ra tại Ngân hàng Vietcombank có 29% giám đốc là phụ nữ, so với 10% tại Ngân hàng Singapore's Oversea-Chinese.

Không những thế, khá nhiều ngân hàng lớn tại Việt Nam tên tuổi gắn liền với những “nữ tướng”. Ngay cả cơ quan điều hành là Ngân hàng Nhà nước cũng có Phó Thống đốc là nữ - bà Nguyễn Thị Hồng.

Ngân hàng Nam Á được biết đến bởi quyền lực và sự gầy dựng của Bà Tư Hường (tên đầy đủ là Nguyễn Thị Hường). Hay bà Nguyễn Thị Nga, chủ tịch Ngân hàng Đông Nam Á và cũng từng là Chủ tịch Ngân hàng Techcombank.

HDBank cũng gắn liền với tên tuổi của bà Chủ tịch Lê Thị Băng Tâm và Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Phương Thảo – người phụ nữ giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam và là nữ tỷ phú USD duy nhất Đông Nam Á.

Bên cạnh đó còn có bà Trần Hải Anh – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Quốc Dân, bà Thái Hương – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng Bắc Á, bà Nguyễn Thanh Phượng và bà Nguyễn Thị Thu Hà cùng là Thành viên HĐQT Ngân hàng Bản Việt.

Lãnh đạo NHNN cho hay, với tỷ lệ và vị trí ngày càng đáng kể như vậy của nữ giới trong ngân hàng, có thể nói phụ nữ hiện nay đóng vai trò rất quan trọng trong định hình và vận hành hệ thống ngân hàng.

Tiến Vũ