|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Ổn định lạm phát cơ bản khoảng 1,6%

16:19 | 01/07/2017
Chia sẻ
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh điều hành giá năm 2017 phải bám sát và hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng, tránh tạo ra lạm phát kỳ vọng hay tạo ra “độ trễ” của lạm phát trong những năm sau, với một trong những mục tiêu là ổn định lạm phát cơ bản khoảng 1,6%.

Sáng 1/7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá đã chủ trì buổi làm việc của Ban chỉ đạo, đánh giá việc thực hiện công tác điều hành giá cả trong 6 tháng đầu năm và đề ra phương án cho 6 tháng cuối năm.

pho thu tuong vuong dinh hue on dinh lam phat co ban khoang 16
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải báo cáo việc điều chỉnh giá dịch vụ BOT của các trạm thu phí đã quyết toán trong năm 2017 theo hướng giảm giá hơn giảm thời gian thu. - Ảnh: VGP/Thành Chung

Theo đó, CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2017 tăng 4,15% so với cùng kỳ năm 2016, trong khi lần lượt 5 tháng trước đó CPI bình quân có mức tăng là 5,22%, 5,12%, 4,96%, 4,80% và 4,47%. Tuy nhiên, so với tháng 12/2016 thì CPI chỉ tăng 0,2%. Lạm phát cơ bản tăng thấp với mức tăng bình quân 1,52% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng kế hoạch từ 1,6- 1,8%.Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính Nguyễn Anh Tuấn cho biết, theo diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm 2017, mặt bằng giá cả thị trường các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong nước biến động theo xu hướng giảm dần, tạo dư địa cho điều hành trong 6 tháng cuối năm.

Nguyên nhân tăng CPI, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết ngoài yếu tố tác động từ cung, cầu thị trường một số mặt hàng trong dịp lễ, tết theo quy luật hằng năm thì yếu tố kéo CPI tăng do Nhà nước điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục theo lộ trình thị trường và biến động giá xăng dầu. Ngoài ra, việc tăng mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho người lao động ở doanh nghiệp từ đầu năm cũng tác động làm tăng giá một số loại dịch vụ liên quan.

Tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm cũng xuất hiện các nguyên nhân góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI là giá thịt lợn giảm mạnh cùng với việc tăng cường quản lý, điều hành giá của Chính phủ, phối hợp thực hiện của các bộ, ngành và địa phương.

Trong 6 tháng cuối năm, Bộ Tài chính cũng đưa ra dự báo các sức ép lên mặt bằng giá. Việc điều chỉnh giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý theo lộ trình thị trường, tăng lương cơ sở từ hôm nay (1/7), các rủi ro thiên tai, thời tiết bất lợi và giá thịt lợn có thể phục hồi về mức giá ban đầu sẽ tác động lên mức tăng CPI bình quân. Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng xác định các kịch bản điều hành giá, với các mức tăng CPI bảo đảm dưới chỉ tiêu tăng 4% mà Quốc hội cho phép.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng Cơ quan Thường trực của Ban chỉ đạo điều hành giá đã tính toán và dự báo các số liệu cụ thể phục vụ cho điều hành giá cả trong thời gian tới. Đồng thời đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, chủ động trong điều hành giá của các bộ, ngành trong 6 tháng đầu năm.

Căn cứ vào số liệu của Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê và báo cáo của các bộ, ngành, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định: “Kiểm soát lạm phát bình quân dưới 4% trong năm nay hoàn toàn có thể thực hiện được”, đồng thời nhấn mạnh điều hành giá năm 2017 phải bám sát và hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng, tránh tạo ra lạm phát kỳ vọng hay tạo ra “độ trễ” của lạm phát trong những năm sau.

Định hướng điều hành giá được Trưởng Ban chỉ đạo nêu ra là bám sát quy luật cung cầu của thị trường, không áp đặt thủ tục hành chính đồng thời gắn với việc chuyển các giá dịch vụ công thiết yếu theo lộ trình giá thị trường.

Chú ý giảm giá thu BOT hơn giảm thời gian thu

Phó Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, bảo đảm kiểm soát lạm phát; điều hành tăng trưởng tín dụng ở mức phù hợp để ổn định lạm phát cơ bản khoảng 1,6%; thực hiện đồng bộ biện pháp ổn định tỷ giá, thị trường ngoại tệ. Dựa trên mức tăng lạm phát thực tế, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu xây dựng kế hoạch lãi suất cho vay theo diễn biến thị trường, hỗ trợ cho tăng trưởng.

Đối với việc điều hành giá với các mặt hàng thiết yếu, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, sử dụng hợp lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Bộ Công Thương điều hành giá điện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm hài hòa mục tiêu khuyến khích đầu tư sản xuất điện và tác động chi phí đẩy tới sản xuất, tiêu dùng và đời sống nhân dân, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017.

Bộ Giao thông vận tải báo cáo việc điều chỉnh giá dịch vụ BOT của các trạm thu phí đã quyết toán trong năm 2017 theo hướng giảm giá hơn giảm thời gian thu; phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện giá dịch vụ tại cảng biển theo quy định của Bộ luật Hàng hải và pháp luật liên quan.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bộ, địa phương đánh giá việc điều chỉnh học phí của giáo dục đại học, dạy nghề so với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ, bảo đảm kiểm soát lạm phát, an sinh xã hội. Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thực hiện đấu thầu thuốc tập trung quốc gia và đấu thầu thuốc thuộc danh sách chi trả của Bảo hiểm Xã hội để kéo giảm giá thuốc từ 10- 15%. Các bộ ngành đánh giá việc tạm dừng khai thác cát để bảo đảm nguồn cung cát cho các công trình dự án, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế,…

Thành Chung