|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Phó Thủ tướng: Rà soát khả năng thanh toán của các tổ chức phát hành có TPDN đáo hạn năm 2024

20:35 | 27/12/2023
Chia sẻ
Phó Thủ tướng yêu cầu trong năm 2024 cần rà soát khả năng thanh toán của các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Chủ động xây dựng kịch bản, có phương án, biện pháp để xử lý, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

Hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024 của ngành tài chính chiều 27/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết kinh tế vĩ mô năm 2023 tiếp tục được duy trì ổn định. GDP cả năm ước tăng khoảng 5%, đây là mức tăng trưởng cao so với khu vực và thế giới.

Bên cạnh đó, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) ước tăng khoảng 3,5%. Thặng dư thương mại ở mức kỷ lục ước xuất siêu cao kỷ lục, cả năm khoảng 26 tỷ USD. Thu ngân sách nhà nước vượt 3% - 4% so với dự toán.

Điều đáng phấn khởi nữa là, đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 11 tháng đạt gần 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% so cùng kỳ năm 2022. Số doanh nghiệp được thành lập mới và tái gia nhập thị trường 11 tháng là 201,5 nghìn, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2022. Tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam được nâng từ mức BB lên BB+, triển vọng "ổn định".

Với lĩnh vực tài chính, năm qua Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua 1 Luật, 5 Nghị quyết; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 2 Nghị quyết; trình Chính phủ 35 Nghị định (đã ban hành 19 Nghị định); trình Thủ tướng Chính phủ 6 Quyết định (đã ban hành 4 quyết định).

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã ban hành theo thẩm quyền 64 thông tư trong lĩnh vực quản lý tài chính - ngân sách nhà nước.

Bộ Tài chính đã chủ động tham mưu, kịp thời trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp thẩm quyền ban hành các giải pháp chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, kiểm soát lạm phát ổn định vĩ mô, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Thủ tướng cho biết, kết quả thu ngân sách nhà nước đến hết ngày 25/12/2023 đạt 1.693,5 nghìn tỷ đồng, tăng 4,5% trong đó ngân sách trung ương tăng 4,6%, số ngân sách địa phương tăng 4,4%) so dự toán. Đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất khoảng 193,4 nghìn tỷ đồng (miễn, giảm khoảng 78,4 nghìn tỷ đồng; gia hạn khoảng 115 nghìn tỷ đồng).

Tổng chi ngân sách nhà nước ước đến hết ngày 31/12/2023 đạt khoảng 1.730 nghìn tỷ đồng, bằng 83% dự toán. Trong đó chi đầu tư phát triển ước tăng so với cùng kỳ năm 2022 cả về quy mô vốn (tăng 144 nghìn tỷ đồng) và tỷ lệ giải ngân (đạt 81,9% kế hoạch so với 75,1% năm 2022), phấn đấu cả năm (đến hết ngày 31/01/2024) đạt 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Trong nhiều năm giải ngân vốn đầu tư công thường chậm so với mong muốn. Tuy nhiên, năm nay tình hình đã cải thiện rất nhiều cả về con số tuyệt đối và tương đối, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.

Bộ Tài chính cũng đã tham mưu kịp thời cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tăng cường công tác công khai, thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước.

Cũng như, triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp chấn chỉnh, tăng cường quản lý nhà nước để ổn định, phát triển đồng bộ, lành mạnh, an toàn thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bảo hiểm (như việc triển khai Sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ), đặc biệt là trong bối cảnh rất khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro của năm 2023.

Rà soát kỹ TPDN đáo hạn năm 2024

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái. (Ảnh: VGP).

Phó Thủ tướng yêu cầu năm 2024 Bộ Tài chính cần tăng cường quản lý, giám sát thị trường, có giải pháp dự báo và kiểm soát tốt dòng tiền, đảm bảo phát triển ổn định, bền vững thị trường, không để xảy ra rủi ro, mất an toàn.

Đồng thời, nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường, hiệu quả hoạt động của các thành viên thị trường, đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, hướng tới các nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư có tổ chức.

Rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu đến hạn trong năm 2024. Chủ động xây dựng kịch bản, đánh giá tác động, có phương án, biện pháp cụ thể, hiệu quả để xử lý, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, các chủ thể liên quan.

Qua đó, góp phần bảo đảm an toàn, an ninh thị trường tài chính, tiền tệ, củng cố, khôi phục, tăng cường niềm tin của nhà đầu tư, thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển an toàn, minh bạch, lành mạnh, bền vững, phát huy vai trò kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế.

Hạ An