Phát hành tăng vốn - lằn ranh giữa “thực” và “ảo”
Theo các quy định hiện hành, việc tăng vốn điều lệ của Công ty cổ phần (CTCP) chia thành 2 trường hợp: chưa đại chúng và đại chúng. Trong đó, đối với CTCP chưa đại chúng, việc tăng vốn điều lệ chỉ đơn thuần áp dụng theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Còn đối với công ty đại chúng, ngoài việc phải tuân thủ Luật Doanh nghiệp, thì phải tuân thủ theo quy định của Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
Đối với các công ty đại chúng, trước và sau khi niêm yết, việc tăng vốn điều lệ không có sự khác biệt đáng kể xét theo các quy định pháp luật trực tiếp điều chỉnh về nội dung và thủ tục tiến hành tăng vốn. Tuy nhiên, liên quan đến việc quản trị DN, nghĩa vụ công bố thông tin, đặc biệt về chế độ kế toán, kiểm toán... thì có một số khác biệt theo hướng công ty niêm yết sẽ phải công khai, minh bạch hơn, chịu sự kiểm soát chặt chẽ hơn từ các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan giám sát thị trường như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán. Ngoài ra, khi niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch, giá cổ phiếu luôn biến động và cập nhật.
Do đó, để giảm thiểu độ phức tạp, đã có khá nhiều công ty đã tranh thủ tăng vốn điều lệ trước khi cổ phiếu được niêm yết, kể cả trong trường hợp họ mới chỉ có kế hoạch dài hạn, mà chưa có nhu cầu trực tiếp sử dụng nguồn vốn trong ngắn hạn. Khi đó, theo quy định tại tại Nghị định 58/2012/NĐ-CP và Nghị định 60/2015/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 58), thủ tục DN cần làm chỉ đơn giản là hoàn thiện hồ sơ tăng vốn điều lệ và nộp một lần tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế nơi công ty đăng ký trụ sở hoạt động. Và trong vòng 90 ngày, các DN sẽ hoàn tất trách nhiệm góp đủ vốn điều lệ theo đúng quy định.
Về mặt kỹ thuật, nếu các cổ đông hoặc nhà đầu tư bổ sung vốn bằng tiền thực của mình, sẽ không có nhiều điều đáng nói khi đây là một hoạt động tăng vốn thông thường của một DN. Tuy nhiên, điều đáng nói là bằng các thủ thuật nghiệp vụ kế toán và tài chính, một DN có thể tự “tăng vốn” mà không cần cổ đông phải góp thêm bất cứ một đồng tiền thật nào.
Thủ thuật đơn giản nhất là nhà đầu tư góp vốn vào DN bằng một lệnh chuyển tiền đến, nhưng tương ứng với mỗi lệnh chuyển tiền đến thì có một lệnh chuyển tiền đi trong một khoảng thời gian nhất định dưới hình thức DN ủy thác đầu tư cho cá nhân và tổ chức trong cùng hệ thống. Sau đó, các cá nhân, tổ chức này tiếp tục ủy thác cho các bên thứ ba, thứ tư… tùy theo tham vọng nhân rộng tài sản lên hàng chục lần hay hàng nghìn lần của ông chủ DN. Tiền chảy lòng vòng nhiều lần, nhưng thực tế chỉ loanh quanh khoản tiền gốc và một vài nhân vật trụ cột.
Một thủ thuật khác là các cổ đông nội bộ sẽ vay mượn trước một khoản tiền của bên thứ ba, hoặc thậm chí bên thứ ba kia có thể ứng trước. Các cổ đông này mua vào cổ phiếu phát hành ra, đương nhiên, công ty sẽ nhận một khoản tiền lớn và vốn điều lệ được tăng lên. Tuy nhiên, có thể ngay sau đó, công ty lại chuyển tiền ra theo các hình thức ủy thác, hợp tác kinh doanh, hay thậm chí lập công ty con... rồi cuối cùng tiền lại chạy về túi các cổ đông nội bộ này.
Về tính hợp pháp, việc góp vốn, ủy thác đầu tư giữa nhà đầu tư và DN không có giới hạn nào khống chế và thực tế việc góp vốn đều thông qua chuyển tiền trong hệ thống ngân hàng, các khoản vào ra đều bằng… tiền thật. Tuy nhiên, điểm nhà đầu tư sẽ dễ nhận thấy ở những DN “chơi game” tạo vốn là các báo cáo tài chính xuất hiện nhiều khoản “phải thu” rất lớn từ các cá nhân, tổ chức nhận ủy thác.
Sau một thời gian, để giảm những khoản “phải thu” này, các cổ đông góp vốn sẽ công bố bán ra và chuyển ngược lại cho các cá nhân, tổ chức nhận ủy thác nêu trên bằng các hình thức “lòng vòng” tương tự. Khi đó, dòng tiền mua cổ phiếu từ các nhà đầu tư bên ngoài hệ thống chính là số vốn thực mà các DN “chơi game” này huy động được trên thị trường.
Trong nhiều trường hợp xảy ra trên thực tế, các DN “lách” qua các quy định của pháp luật để đẩy vốn thông qua hình thức “ủy thác đầu tư” đối với các cá nhân, tổ chức do các cổ đông nội bộ chỉ định và kiểm soát.
Chỉ khi sự việc vỡ lở và hậu quả đã phát sinh thì các cơ quan chức năng mới vào cuộc. Khi đó, cá nhân, DN vi phạm dĩ nhiên phải gánh chịu trách nhiệm, nhưng nhà đầu tư chưa kịp “thoát hàng” sẽ chịu mất mát khi không nhận ra bản chất của việc tăng vốn theo hình thức gián tiếp, hoặc có nhận ra, nhưng sẵn sàng mua đuổi, bán đuổi, chấp nhận cuộc chơi không ít rủi ro này.
Với nhà đầu tư giá trị, khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường trong hoạt động của các DN, đặc biệt khi có sự tăng trưởng bất thường về huy động vốn, dấu hiệu bất thường về sử dụng vốn, nhất là những trường hợp “lách luật”, nhà đầu tư cần cẩn trọng theo dõi hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như các báo cáo tài chính của DN. Bên cạnh đó, cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia, cũng như thông tin từ các cơ quan quản lý, các cơ quan bảo vệ pháp luật, để từ đó đưa ra các quyết định đúng đắn trong hoạt động đầu tư của mình.
Sau hiện tượng một số DN lên sàn với chu trình tăng vốn ấn tượng, nghiệp vụ ủy thác đầu tư của DN đối với các cá nhân, tổ chức đang là đề tài nóng hổi, gây nhiều tranh cãi của dư luận. Các bên trực tiếp tham gia giao dịch cho rằng, họ đang “làm những gì mà pháp luật không cấm” và chỉ khi có việc thất thoát tài sản, hay có dấu hiệu chiếm đoạt thì các cơ quan bảo vệ pháp luật mới vào cuộc. Tuy nhiên, “đồng tiền liền khúc ruột”, việc nhận diện rõ hiện trạng pháp lý, cũng như xác định rõ khả năng chấp nhận rủi ro là điều nhà đầu tư luôn cần lưu ý trên thương trường.
Theo Luật gia Đoàn Thành Nhân
Đầu tư chứng khoán