|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

[Phần 1] Ý nghĩa thời điểm cuộc gặp lịch sử giữa Mỹ và Triều Tiên

19:30 | 12/03/2018
Chia sẻ
Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến cả thế giới ngạc nhiên khi đồng ý gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, mở ra viễn cảnh về cuộc gặp lịch sử giữa hai quốc gia vốn luôn đe dọa tấn công lẫn nhau.
phan 1 y nghia thoi diem cuoc gap lich su giua my va trieu tien Chặng đường đàm phán chông gai giữa Mỹ và Triều Tiên
phan 1 y nghia thoi diem cuoc gap lich su giua my va trieu tien Tổng thống Trump - Chủ tịch Tập điện đàm: Vẫn trừng phạt Triều Tiên

Khó có thể dự đoán trước kết quả cuộc gặp này. Tuy nhiên, tờ Nikkei Asian Review đưa ra 5 nhận định ban đầu về cuộc gặp lịch sử này. Trong phần 1, chúng tôi giới thiệu các nhận định xoay quanh ý nghĩa mang tính thời điểm, địa điểm và phản ứng của các nước liên quan.

phan 1 y nghia thoi diem cuoc gap lich su giua my va trieu tien
Liệu Mỹ và Triều Tiên có hiện thực hóa cuộc gặp lịch sử này? Nguồn: CNN.

Vì sao lại là thời điểm này?

Lý do khiến Bình Nhưỡng đề nghị gặp gỡ là, quan điểm cứng rắn của chính phủ Tổng thống Donald Trump cuối cùng cũng khiến Triều Tiên lo ngại phương án sử dụng vũ lực của Washington có thể trở thành hiện thực.

Việc Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence “ngó lơ” phái đoàn Triều Tiên tại Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang vừa qua càng củng cố thêm mối quan ngại của Triều Tiên.

phan 1 y nghia thoi diem cuoc gap lich su giua my va trieu tien
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và phu nhân (hàng đầu) và bà Kim Yo Jong, em gái ông Kim Jong Un (hàng sau, bên trái) cùng tham dự lễ khai mạc Thế vận hội PyeongChang 2018. Nguồn: Matthias Hangst/Getty Images.

Triều Tiên dường như có hai mục tiêu khác. Thứ nhất là nới lỏng các biện pháp trừng phạt của Mỹ và các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, trong đó có Trung Quốc. Các đòn trừng phạt này đang “bóp nghẹt” Triều Tiên và việc nới lỏng trừng phạt trở thành một vấn đề vô cùng cấp bách với nước này. Thứ hai, Triều Tiên có thể đang kéo dài thời gian để tiếp tục xây dựng kho vũ khí hạt nhân trong khi vòng đàm phán diễn ra. Một số chuyên gia cho rằng Triều Tiên cần thêm một ít thời gian để hoàn thiện chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân của mình.

Tuy nhiên, nước Mỹ dường như đang nghĩ điều ngược lại. Cường quốc này tìm cách chặn đứng chương trình hạt nhân của Triều Tiên càng sớm càng tốt trước khi chính quyền của ông Kim Jong Un đạt đến công nghệ chín muồi và có khả năng tấn công Mỹ bằng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.

Theo một quan chức Mỹ yêu cầu được giấu tên, Mỹ cho rằng “ông Kim Jong Un là người có khả năng ra quyết định dưới chế độ độc tài và hệ thống chuyên chế”. Nước Mỹ dường như đang tin rằng thuyết phục ông Kim Jong Un là cách tối ưu khả dĩ để tác động đến tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Cuộc gặp sẽ diễn ra ở đâu?

Những lời bàn tán đang ngày càng sôi nổi về địa điểm tổ chức cuộc gặp lịch sử này. Phía Mỹ chỉ cho biết cuộc gặp sẽ được tổ chức “vào thời gian và địa điểm được quyết định sau”.

Ông Nam Sung-wook, giáo sư Đại học Hàn Quốc tại Sejong, cho rằng Hàn Quốc là ứng cử viên sáng giá trong cuộc đua tổ chức cuộc gặp này vì cả ông Trump và ông Kim đều sẽ ngần ngại đến nước đối tác vì lý do an ninh.

“Lựa chọn đầu tiên sẽ là làng đình chiến Panmunjom vì họ sẽ không cần ngủ lại đó”, ông Nam cho biết. Làng Panmunjom nằm trong vùng Phi Quân sự giữa hai miền Triều Tiên, vì thế sau cuộc gặp, ông Kim có thể quay về Triều Tiên còn ông Trump có thể ở lại Seoul. “Địa điểm khác có thể là Đảo Jeju”, ông Nam cho biết. Jeju là hòn đảo du lịch nổi tiếng của Hàn Quốc, thường là nơi tổ chức nhiều hội nghị quốc tế.

Để tránh tỏ ra quá nhượng bộ, Mỹ và Triều Tiên cũng có thể chọn một nước thứ ba để gặp gỡ như Singapore hay Thụy Sỹ.

phan 1 y nghia thoi diem cuoc gap lich su giua my va trieu tien
Làng đình chiến Panmunjom tại khu Phi Quân sự giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Nguồn: AP Photo.

Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc phản ứng ra sao?

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bày tỏ sự ủng hộ với quyết định gặp gỡ của Mỹ và Triều Tiên. “Nếu hai lãnh đạo gặp nhau, theo sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều, việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên sẽ đi đúng hướng”, ông Moon cho biết.

Trong khi đó, Nhật Bản vẫn bày tỏ lo lắng. Thủ tướng Shinzo Abe đánh giá cao thay đổi nhận thức của Bình Nhưỡng, nhưng cho biết chính phủ của ông “sẽ duy trì áp lực tối đa cho đến khi Triều Tiên có bước đi (phi hạt nhân hóa) vững chắc”. Ông Abe có kế hoạch thăm Mỹ vào tháng 4 để gặp Tổng thống Donald Trump. Đối với Nhật Bản, việc Bình Nhưỡng có đồng ý phi hạt nhân hóa hay chỉ tạm dừng chương trình hạt nhân là vấn đề sống còn.

Theo một số chuyên gia, việc tạm dừng chương trình hạt nhân chỉ làm giảm năng lực hạt nhân của Triều Tiên nhưng nước này vẫn có thể tấn công Nhật Bản và Hàn Quốc.

Trung Quốc hoan nghênh các tín hiệu tích cực từ Mỹ và Triều Tiên. “Chúng tôi hy vọng các bên sẽ cho thấy bản lĩnh chính trị”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Geng Shuang hôm 9/3 cho biết. Trung Quốc hy vọng các bên “nỗ lực tối đa để tái khởi động đối thoại và đàm phán để giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên một cách hòa bình”, ông nói thêm.

Tuy nhiên, đây có thể chỉ là những phát biểu mang tính ngoại giao. Một số chuyên gia nhận thấy Trung Quốc trở nên thận trọng hơn khi Mỹ và Triều Tiên xích lại gần nhau. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới từng giữ một trong những vai trò chủ đạo trong giải quyết cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên. Vai trò này cho Trung Quốc lợi thế ngăn Mỹ trở nên “hung hăng” trong quan hệ Mỹ - Trung, đặc biệt là vấn đề thương mại. Nếu căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên hạ nhiệt, Trung Quốc sẽ mất đi con “át chủ bài” này.

Trường Giang

'Tăng trưởng GDP 2025 đạt 8%, 2026 - 2030 đạt 10%, Việt Nam sẽ thoát bẫy thu nhập trung bình'
Theo TS. Cấn Văn Lực, năm 2025 phải phấn đấu để đạt mức tăng trưởng ít nhất 8% và giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng hai con số khoảng 10% thì Việt Nam mới có thể vượt bẫy thu nhập trung bình, đạt mục tiêu đến 2045 trở thành nước thu nhập cao và có nền tảng công nghiệp hiện tại.