Phá bỏ nhà tái định cư vì không có người ở?
Nghịch lý thừa hàng nghìn nhà tái định cư, dân vẫn không đồng ý ở | |
TP.HCM lãng phí hàng nghìn tỷ đồng vì xây thừa nhà tái định cư | |
Nghịch lý bài toán nhà tái định cư |
Ba tòa nhà tái định cư ở Q.Long Biên bị đề xuất phá bỏ đang xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Lê Quân |
10 năm bỏ hoang
Sau 10 năm hoàn thành nhưng không có người ở, Công ty CP xây dựng số 3 Hà Nội (Hanco3) đã đề xuất TP.Hà Nội cho phép phá bỏ toàn bộ 3 tòa nhà tái định cư cao 6 tầng với 150 căn hộ ở khu đô thị mới Sài Đồng (Q.Long Biên, TP.Hà Nội).
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, 3 tòa nhà này được xây dựng từ năm 2001 - 2006 để phục vụ nhu cầu tái định cư tại chỗ của người dân sau khi thực hiện dự án giải phóng mặt bằng tuyến phố Sài Đồng - khu đô thị Sài Đồng. Tuy nhiên, người dân không chấp nhận thỏa thuận về tái định cư tại đây nên toàn bộ quỹ nhà này bị bỏ hoang từ đó đến nay. Dự án mở rộng tuyến phố Sài Đồng vì thế cũng án binh bất động, chưa thực hiện được.
Cũng vì bỏ hoang, 3 tòa nhà bị bong tróc; chân tường nứt nẻ, cỏ mọc hoang hóa nhiều diện tích xung quanh nhà; khóa cửa, chấn song sắt hoen gỉ, một số khu vực trong khuôn viên được tận dụng để vật liệu xây dựng, xe thu rác...
Tương tự, dù có vị trí "đẹp như mơ" khi nằm giáp đường Đại Cồ Việt, được mệnh danh là khu “đất vàng” thuộc P.Bách Khoa (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội), tòa nhà tái định cư 4A Tạ Quang Bửu dù đã hoàn thiện từ năm 2015, với 154 căn hộ khang trang nhưng vẫn bị bỏ hoang. Theo thông tin từ UBND Q.Hai Bà Trưng, Công ty CP tu tạo và phát triển nhà (chủ đầu tư tòa nhà nêu trên) có dự án ở địa bàn, tòa nhà 4A được xây dựng để giải quyết tái định cư tại chỗ nhưng do chưa thỏa thuận được với người dân nên nhiều năm nay, tòa nhà vẫn không có người ở.
Tình trạng bỏ không căn hộ tái định cư cũng khá phổ ở nhiều nơi khác, gây lãng phí nguồn lực của xã hội.
Không đồng ý đập bỏ
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Chí Dũng, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết đã nhận được đề xuất phá dỡ 3 tòa nhà của Hanco3. “Chúng tôi chưa đồng ý để họ phá dỡ 3 tòa nhà và đã hướng dẫn họ xây dựng các phương án đề xuất cải tạo, sửa chữa để tiếp tục làm quỹ nhà tái định cư hoặc phá bỏ để xây nhà ở mới. Nhưng đến nay, họ chưa gửi lại phương án đề xuất cho Sở Xây dựng nên chưa báo cáo lãnh đạo TP.Hà Nội để ra quyết định”, ông Dũng cho biết.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng bày tỏ không ủng hộ việc phá bỏ 3 tòa nhà tái định cư này mà có thể chuyển đổi mục đích sử dụng để phát huy hiệu quả. Theo ông Hùng, khâu phê duyệt dự án đầu tư phải nghiên cứu kỹ hơn, đặc biệt về địa điểm, mục đích xây dựng để tránh lãng phí nguồn lực.
Ông Dũng cũng cho hay, TP.Hà Nội không bị thừa nhà tái định cư. Tình trạng nhiều khu nhà tái định cư được xây dựng hoàn thành nhưng không có người ở là do người dân chưa về ở. “Công tác giải phóng mặt bằng để làm dự án thường rất phức tạp, khiếu kiện nhiều nên cần có thời gian vận động, giải thích cho người dân hiểu, khi đó, họ mới đồng thuận chuyển về nhà tái định cư ở. Thậm chí, có nhiều trường hợp phải cưỡng chế. Do đó dẫn đến tình trạng nhà tái định cư không có người ở tại một số nơi”, ông Dũng nói.
TS Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng, cho rằng nguyên nhân của tình trạng nhà tái định cư bị bỏ hoang không người ở là do chủ trương chưa gắn liền với thực tế, như chất lượng xây dựng thấp, các dịch vụ về giao thông, điện, nước, cơ sở giáo dục... chưa đồng bộ. Ngoài ra, còn có những lý do khác như vướng về thủ tục pháp lý, tiêu chuẩn được giao nhà... Đặc biệt là các khu nhà tái định cư hiện nay mới chủ yếu giải quyết được nhu cầu ăn ở, chứ chưa gắn với sinh kế của các hộ dân tái định cư.
“Cơ quan chức năng mới chỉ quan tâm nhiều đến việc hoàn thành công trình, giao nhà, “cốt được việc của mình” chứ chưa thực sự tính toán kỹ đến nhu cầu chính đáng của người dân. Để hạn chế tình trạng nhà tái định cư bỏ hoang, cần hạn chế xây loại nhà này và có cơ chế giải phóng mặt bằng linh hoạt bằng tiền thỏa đáng để người dân tự tìm mua nhà”, TS Liêm nói.