|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Phá băng nợ xấu

08:11 | 25/06/2017
Chia sẻ
Cơ quan quản lý cần kiểm soát và có giải pháp để tránh nguy cơ phát sinh bong bóng bất động sản những năm tới khi xử lý nợ xấu

Quốc hội vừa thông qua nghị quyết thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Nghị quyết được kỳ vọng sẽ đem lại "làn gió mới" trong quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, giải phóng tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu mà phần lớn là bất động sản (BĐS).

Làn gió mới

Theo Ngân hàng (NH) Nhà nước, việc nghị quyết xử lý nợ xấu được Quốc hội thông qua sẽ là cơ sở pháp lý rất quan trọng để Chính phủ có khuôn khổ tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu.

pha bang no xau

Nghị quyết xử lý nợ xấu được kỳ vọng sẽ đem lại làn gió mới trong quá trình giải phóng các dự án bất động sản trùm mền trong thời gian dài - Ảnh: Hoàng Triều

Điểm mới trong nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu là các tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài, tổ chức mua bán xử lý nợ xấu được bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu công khai, minh bạch theo giá thị trường có thể cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ, đồng thời tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được bán nợ xấu cho pháp nhân, cá nhân bao gồm cả pháp nhân, cá nhân không có chức năng kinh doanh mua bán nợ.

Tổng giám đốc một NH thương mại cổ phần hội sở tại TP HCM cho rằng "cái được" lớn nhất của nghị quyết là vấn đề xử lý nợ xấu không còn dừng lại của riêng ngành NH mà được Quốc hội quan tâm, đưa ra bàn luận và ban hành riêng một nghị quyết để thúc đẩy nhanh quá trình xử lý. Đây là bước đột phá cần thiết nhằm xử lý dứt điểm nợ xấu sau giai đoạn khủng hoảng kinh tế kéo dài những năm qua. Đặc biệt, những nội dung cụ thể được nghị quyết quy định rõ như cho phép mua bán nợ xấu theo giá thị trường, kể cả thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ. Các quy định về thuế, lãi dự thu khi xử lý nợ xấu… cũng được nêu rõ giúp NH thương mại có cơ sở trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, xử lý nợ xấu.

Tuy nhiên, lãnh đạo một số NH thương mại nhìn nhận việc "cục máu đông" nợ xấu có được phá nhanh hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng là Chính phủ tạo cơ chế, khuôn khổ pháp lý tiếp theo sau nghị quyết để các NH triển khai. Tốc độ xử lý nợ xấu nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào thị trường mua bán nợ có nhiều nhà đầu tư sẵn sàng tham gia hay không và việc mua bán các tài sản bảo đảm là nợ xấu có dễ dàng, thuận lợi…

Hồi sinh dự án đóng băng?

Một trong những kỳ vọng của thị trường khi nghị quyết về xử lý nợ xấu của Quốc hội được thông qua sẽ góp phần giảm lãi suất cho vay, hồi sinh các dự án BĐS đang đóng băng.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM, cho rằng nợ xấu phát sinh thời gian qua có liên quan mật thiết đến thị trường BĐS và các ngành có liên quan đến BĐS. Nợ xấu cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến có nhiều dự án BĐS "trùm mền", dở dang. Riêng tại TP HCM hiện có khoảng 500 dự án ngừng triển khai. Nợ xấu thường được bảo đảm bằng tài sản thế chấp là BĐS, dự án nhà ở đã hoàn thành, nhà ở hình thành trong tương lai. Nhưng những tài sản bảo đảm này không xấu vì thông thường BĐS khi thế chấp để vay vốn chỉ được tổ chức tín dụng định giá phổ biến ở mức trên dưới 60% giá trị thực...

"Nghị quyết về xử lý nợ xấu có hiệu lực từ ngày 15-8 sẽ góp phần làm lành mạnh hoạt động tín dụng, xử lý hiệu quả tài sản bảo đảm mà phần lớn là BĐS và tạo thêm nguồn lực cho nền kinh tế. Quá trình xử lý nợ xấu cũng sẽ giúp tái khởi động các dự án BĐS đã bị thế chấp, bị ngừng triển khai trong nhiều năm qua" - ông Châu nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, cho biết điều ông lo lắng nhất trong việc áp dụng nghị quyết xử lý nợ xấu là nợ xấu của NH có bị bán rẻ? Bởi trước đây, tài sản bảo đảm là BĐS thường bị định giá sai so với giá trị thật, giờ bán giá sao cho hợp lý? Trên thế giới hiện các nước như Thái Lan, Malaysia..., nợ xấu thường được mua khoảng 30%-40% giá trị món nợ. Đó là nợ thực. Còn ở Việt Nam, nhiều khoản nợ ban đầu đã định giá sai nhiều lần, giờ chỉ còn khoảng 10% nếu bán theo giá hiện tại sẽ thất thoát kinh khủng liệu các NH thương mại có chịu nổi?

Ý KIẾN TS LÊ ĐẠT CHÍ, Phó trưởng Khoa Tài chính, Trường ĐH Kinh tế TP HCM:

Hạn chế nợ xấu mới phát sinh

Vấn đề lớn nhất trong quá trình xử lý nợ xấu tại các NH thương mại và Công ty Quản lý tài sản (VAMC) liên quan đến xử lý tài sản thế chấp gắn liền với khoản nợ nay đã được Quốc hội trao quyền cho Chính phủ xử lý bằng nghị quyết. Về lâu dài, Quốc hội sẽ gấp rút chỉnh sửa luật để có tính pháp lý cao nhất. Tiếp đó, Chính phủ sẽ có những quy định hướng dẫn cụ thể để việc xử lý tài sản, chuyển giao quyền sở hữu tài sản thế chấp gắn liền nợ xấu được thuận lợi hơn nhằm thúc đẩy việc xử lý nợ xấu. Một vấn đề quan trọng hơn, theo tôi, sau nghị quyết sẽ là vấn đề quản lý tín dụng tại các NH thương mại như thế nào để giảm nợ xấu mới phát sinh? Bởi từ khi các NH chuyển nợ xấu qua cho VAMC thì nợ xấu NH vẫn không giảm mà còn tăng. Do đó, NHNN cần ban hành các văn bản quản lý hoạt động tín dụng nhằm giám sát chặt hoạt động tín dụng tại các NH thương mại để hạn chế nợ xấu mới phát sinh, tránh tình trạng khoanh nợ, giãn nợ để rồi việc thống kê nợ xấu của NH công bố khác và thấp hơn con số của thanh tra NH. Đồng thời, phải giám sát chặt quy trình quản trị rủi ro và quy trách nhiệm cho các đối tượng liên quan khi gây ra nợ xấu. Xử lý được nợ xấu sẽ giúp dư địa tăng tín dụng thời gian tới nhiều hơn. Thế nhưng, nợ xấu phần lớn được gắn với tín dụng BĐS nên nợ xấu BĐS giảm thì dư địa tín dụng BĐS càng lớn. Vì vậy, Chính phủ và NHNN cần lưu ý điều này để định hình lại dòng vốn vào nền kinh tế, tránh nợ xấu mới phát sinh khi NH thương mại chạy đua tăng trưởng tín dụng hoặc đổ vốn vào BĐS.

Ông LÊ VĂN QUYẾT, Tổng Giám đốc NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank):

Kỳ vọng lãi vay sẽ giảm

Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu được các NH thương mại kỳ vọng sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ xử lý "cục máu đông" nợ xấu, tăng thêm niềm tin cho thị trường và tăng quyền cho các NH trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm, nợ xấu. Có điều tốc độ xử lý nợ xấu còn phụ thuộc rất lớn vào quá trình triển khai của từng NH, từng món nợ và cơ chế pháp lý đi kèm nghị quyết. Đồng thời, có nghị quyết rồi nhưng còn hướng dẫn từ NHNN và sự hỗ trợ, đồng hành của các cơ quan liên quan như tòa án, thi hành án, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm… Việc xử lý nợ xấu lâu nay bị nghẽn vì quyền NH không có, NH nhận tài sản thế chấp nhưng khi phát sinh nợ xấu lại không được toàn quyền xử lý mà phải qua quá trình tố tụng, tòa án vốn gặp nhiều khó khăn và tốn kém thời gian. Nay, NH thương mại sẽ được giao quyền chủ động nhiều hơn trong quá trình xử lý nợ xấu nhưng để đẩy nhanh thì cần sự hỗ trợ của các bên liên quan. Đặc biệt, khi nợ xấu được giải quyết, lãi suất cho vay sẽ giảm do khoảng 10% dư nợ tín dụng đang nằm trong các khoản nợ xấu khiến NH phải tốn chi phí để trích lập dự phòng và tốn chi phí xử lý. Nay khơi thông được nợ xấu sẽ giúp dòng vốn không bị ứ đọng, từ đó kéo giảm chi phí vốn và giúp giảm lãi suất cho vay…

Ông LÊ HỮU NGHĨA, Tổng Giám đốc Công ty BĐS Lê Thành:

Lo dư cung bất động sản thời gian tới

Khi nợ xấu được giải quyết thuận lợi sẽ tốt cho nền kinh tế, các NH nhẹ gánh và doanh nghiệp BĐS, nhà đầu tư nước ngoài đang cần tìm mua dự án có thêm cơ hội mua vào, dự án dở dang được "sống lại". Tuy nhiên, xét về thị trường chung trong 2 năm tới, nguồn cung BĐS sẽ rất lớn. Thời điểm này, thị trường BĐS đã có dấu hiệu khó khăn, tôi cho rằng trong khoảng vài năm tới, nguồn cung BĐS từ căn hộ của các dự án dở dang đến nhà phố đều ồ ạt bung ra, thời điểm này trùng với việc chính sách tín dụng thắt chặt (tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn chỉ còn 40% từ đầu năm 2018) sẽ khiến cung vượt cầu vì không có đủ lượng tiền để hấp thu. Do đó, xử lý nợ xấu, nhất là các tài sản bảo đảm gắn với nợ xấu, là tốt nhưng cơ quan quản lý cần kiểm soát và có giải pháp để BĐS không quá dư cung, tránh nguy cơ phát sinh "bong bóng" BĐS những năm tới.

P.Đình - L.Anh ghi

Thái Phương - Sơn Nhung

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.