|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

OPEC+ đánh cược giá dầu thô không quá đắt để khiến nhu cầu giảm

11:12 | 06/10/2023
Chia sẻ
Có một số dấu hiệu ban đầu cho thấy nhu cầu bắt đầu giảm do giá bán lẻ xăng dầu cao. Điều này gia tăng nỗi lo lạm phát và làm giảm chi tiêu, niềm tin của người tiêu dùng.

Theo Reuters, Arab Saudi và Nga, đã gia hạn thoả thuận cắt giảm sản lượng tự nguyện đến ít nhất là vào cuối năm nay, một động thái tạo ra sự cân bằng mong manh. 

Bằng cách giảm sản lượng khoảng 1,3 triệu thùng mỗi ngày, Saudi và Nga đã thắt chặt thị trường toàn cầu và đẩy giá lên cao.

Hôm 4/10, Arab Saudi cho biết họ sẽ duy trì mức cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng /ngày cho đến cuối năm 2023, trong khi Nga cho biết riêng họ sẽ duy trì mức cắt giảm 300.000 thùng/ngày cho đến cuối tháng 12.

Thông báo của hai nhà xuất khẩu lớn nhất trong OPEC+ được đưa ra trước cuộc họp cấp bộ trưởng của nhóm. Các bộ trưởng thống nhất không thay đổi nào đối chính sách sản lượng, đáp ứng kỳ vọng của thị trường về một kết quả ổn định.

Câu hỏi đặt ra cho Arab Saudi và Nga là liệu nền kinh tế toàn cầu có thể chịu được giá dầu gần 100 USD/thùng so với mức 70 USD phổ biến vào giữa năm 2023 hay không.

 Nguồn: Investing (H.Mĩ tổng hợp)

Còn quá sớm để đưa ra nhận định về điều này, nhưng có một số dấu hiệu ban đầu cho thấy nhu cầu có thể bắt đầu giảm do giá bán lẻ xăng dầu cao. Điều này gia tăng nỗi lo lạm phát và  làm giảm chi tiêu, niềm tin của người tiêu dùng.

Giá dầu thô Brent kết thúc phiên giao dịch hôm 4/10 giảm 5,6% ở mức 85,81 USD/thùng. Đà giảm này tiếp tục kéo dài đến ngày hôm sau xuống mức thấp nhất hơn một tháng. 

Sự sụt giảm này không liên quan đến những tin tức từ OPEC+ mà là bởi những dấu hiệu nhu cầu xăng của Mỹ yếu.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết lượng xăng thành phẩm giảm trong tuần trước xuống khoảng 8 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay.

Các nhà phân tích tại JP Morgan lưu ý rằng mức tiêu thụ xăng theo mùa của Mỹ đang ở mức thấp nhất trong 22 năm.

Ông Bob Yawger, lãnh đạo của ngân hàng Mizuho, cho biết một phần nhu cầu sụt giảm có thể do những trận mưa xối xả gây lũ lụt ở New York vào thứ Sáu tuần trước và cơn bão hậu nhiệt đới Ophelia đã gây ra mưa lớn ở vùng Đông Bắc vào cuối tháng 9/2023.

Cũng có những lo ngại rằng nhu cầu yếu có thể bắt đầu xuất hiện ở châu Á, khu vực nhập khẩu hàng đầu, đặc biệt là Trung Quốc - thị trường nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. 

Theo dữ liệu do LSEG tổng hợp, nhập khẩu dầu thô của châu Á giảm xuống 25 triệu thùng/ngày trong tháng 9, mức thấp nhất trong năm nay; giảm từ 25,2 triệu thùng/ngày trong tháng 8 và 27,92 triệu thùng/ngày trong tháng 7.

Đó là một mức giảm tương đối nhỏ, nhưng cần lưu ý rằng động lực của đợt tăng giá từ tháng 7 đến từ các hợp đồng nhập khẩu tương lai được hiện từ tháng 10 trở đi. 

Giá nhiên liệu bán lẻ được kiểm soát ở nhiều nước lớn ở châu Á, nhưng điều này không ngăn được sức mạnh của dầu thô.

Giá xăng bán lẻ của Trung Quốc đã tăng từ 8 nhân dân tệ/lít (1,15 USD) vào cuối tháng 6 lên 9 nhân dân tệ/lít hiện nay, tương ứng với mức tăng 12%.

Tại Australia, giá xăng bán lẻ tăng 21,4% kể từ đầu tháng 7 lên mức trung bình 1,34 USD/lít trong tuần tính đến ngày 1/10.

Trường hợp ngoại lệ là Ấn Độ, nơi giá bán lẻ được giữ ổn định. Trên thực tế, thị trường bán lẻ của Ấn Độ bị chi phối bởi các nhà máy lọc dầu do nhà nước kiểm soát.

Giá xăng bán lẻ ở thủ đô New Delhi hiện là 96,76 rupee (1,16 USD)/lít, mức này đã duy trì kể từ tháng 4 năm ngoái.

Nhìn chung, rủi ro đối với Saudi và Nga là việc cắt giảm sản lượng bổ sung của họ giữ giá đủ cao để giảm nhu cầu, buộc họ phải cắt giảm thêm hoặc chấp nhận giá dầu thô yếu hơn.

H.Mĩ