|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ông Tập kêu gọi từ bỏ tư duy Chiến tranh Lạnh, Mỹ có thể xem xét lại các chính sách cứng rắn

08:34 | 26/01/2021
Chia sẻ
Chủ tịch Tập Cận Bình cảnh báo đối đầu sẽ gây hại cho các quốc gia và kêu gọi những nước lớn từ bỏ tư duy Chiến tranh Lạnh. Nhà Trắng hồi đáp rằng chính quyền Joe Biden có thể xem xét lại các chính sách cứng rắn từ thời ông Trump về thuế quan và hủy niêm yết cổ phiếu Trung Quốc.
Ông Tập kêu gọi đoàn kết, Mỹ có thể xem xét lại các chính sách cứng rắn - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu qua đường link video. (Ảnh: SCMP).

Trong bài phát biểu gửi tới Diễn đàn Kinh tế Thế giới ngày 25/1, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cảnh báo rằng những nỗ lực khởi động Chiến tranh Lạnh sẽ chỉ gây hại cho thế giới, nhưng không nói rõ tên quốc gia hay nguyên thủ nào:

"Xây dựng các phe phái hoặc khơi mào Chiến tranh Lạnh nhằm hù dọa hay bắt nạt những nước khác, cố tình áp đặt sự tách rời, làm gián đoạn nguồn cung hoặc trừng phạt và tạo ra sự cô lập hay bất hòa sẽ đẩy thế giới vào chia rẽ và thậm chí là đối đầu".

"Chúng ta không thể giải quyết thách thức chung trong một thế giới bị chia rẽ và đối đầu sẽ chỉ dẫn đến ngõ cụt", CNBC dẫn lời ông Tập. 

Ông nói thêm: "Lịch sử và thực tế đã nhiều lần chứng minh rằng cách tiếp cận sai lầm về đối lập và đối đầu, dù là ở hình thức chiến tranh lạnh, chiến tranh nóng, chiến tranh thương mại hay công nghệ sẽ làm tổn hại đến lợi ích của mọi quốc gia và suy yếu sự thịnh vượng của người dân".

Theo South China Morning Post (SCMP), trong bài phát biểu 20 phút, ông Tập cũng mô tả các hệ thống chính trị khác nhau là một hình thức đa dạng mà các nền văn minh nhân loại không thể sống thiếu.

Bài phát biểu của ông Tập được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Biden đang bận rộn hàn gắn quan hệ với các đồng minh Mỹ sau 4 năm ông Trump làm tổng thống. Cũng trong ngày 25/1, Ngoại trưởng Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh muốn làm việc với chính quyền Mỹ mới để đưa quan hệ song phương "quay trở lại bình thường".

Kể từ khi thắng cử, ông Biden đã nói chuyện với những đồng minh chính bao gồm Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga. Hầu như mọi cuộc đối thoại đều đề cập đến chiến lược phối hợp đối với Trung Quốc hoặc khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Ông Biden vẫn chưa điện đàm với ông Tập còn phía Bắc Kinh vẫn đang cẩn trọng với thông điệp muốn truyền tải đến chính quyền mới.

Không nhắc đến tên của cựu Tổng thống Trump, ông Tập nói rằng các quốc gia nên tôn trọng khác biệt của nhau và các nước tiên tiến nên từ bỏ tư duy Chiến tranh Lạnh và không cố gắng áp đặt ý chí lên các quốc gia nhỏ hơn.

"Chúng ta phải ủng hộ sự cạnh tranh trên cơ sở công bằng như các môn điền kinh, chứ không phải cuộc chiến sinh tử của các võ sĩ giác đấu", ông Tập nói.

Ông Tập kêu gọi các quốc gia đoàn kết để giải quyết khó khăn chung như đại dịch và biến đổi khí hậu: "Tất cả chúng ta hãy chung tay và để chủ nghĩa đa phương soi đường hướng tới một cộng đồng với tương lai chung cho nhân loại".

Bình luận của ông Tập đưa ra chưa đầy một tuần sau lễ nhậm chức của Tổng thống Joe Biden. Giới quan sát đang theo dõi chặt chẽ việc thay đổi lãnh đạo Mỹ sẽ tác động như thế nào đến mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Phản ứng của Nhà Trắng

Theo Reuters, nữ phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki cho biết lời kêu gọi của ông Tập sẽ không thay đổi cách tiếp cận chiến lược của chính quyền Biden đối với Trung Quốc.

Bà Psaki cho biết: "Trong vài năm qua Trung Quốc ngày càng mạnh bạo hơn ở nước ngoài và Bắc Kinh đang thách thức an ninh, thịnh vượng và giá trị của chúng ta theo những cách lớn. Thực tế này đòi hỏi cách tiếp cận mới từ Mỹ".

"Chính quyền Biden muốn tiếp cận mối quan hệ với Trung Quốc bằng sự kiên nhẫn chiến lược".

Bà Psaki nói thêm rằng chính quyền Biden có kế hoạch xem xét lại các chính sách cứng rắn do Tổng thống Trump ban hành như thuế quan thương mại và hủy niêm yết một số cổ phiếu Trung Quốc. Những bình luận này cho thấy chính quyền Biden có thể sẵn lòng thay đổi các hành động của ông Trump, Bloomberg nhận xét. 

Tuy nhiên, ông Biden có vẻ sẽ không nhanh chóng hủy bỏ các hạn chế đối với gã khổng lồ công nghệ Huawei. Bà Psaki nói rằng quan điểm của ông Biden là Mỹ phải bắt Trung Quốc chịu trách nhiệm về các hành vi không công bằng và bất hợp pháp, đảm bảo công nghệ của Mỹ không hỗ trợ quân đội Trung Quốc.

Giang