|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ông Tập kể công trong cuộc chiến xóa nghèo ở Trung Quốc

15:58 | 25/02/2021
Chia sẻ
Chủ tịch Tập Cận Bình nêu bật nỗ lực của Bắc Kinh nhằm chấm dứt tình trạng nghèo cùng cực, tuyên bố rằng dưới sự lãnh đạo của ông, mỗi năm Trung Quốc có 10 triệu người thoát nghèo.
Ông Tập nhấn mạnh công lao bản thân trong cuộc chiến xóa nghèo ở Trung Quốc - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Reuters cho biết trong buổi lễ tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh ngày 25/2, ông Tập khẳng định Trung Quốc đã "chiến thắng hoàn toàn" trong công cuộc xóa nghèo ở nông thôn. Theo ông Tập, trong 8 năm ông cầm quyền, mỗi năm Trung Quốc có khoảng 10 triệu người thoát nghèo, với chi phí gần 1.600 tỷ nhân dân tệ (248 tỷ USD).

Trong giai đoạn 20 năm từ 2000 đến 2019, tỷ lệ người nghèo của Trung Quốc giảm từ gần 50% xuống còn 0,6%.

Ông Tập nhấn mạnh công lao bản thân trong cuộc chiến xóa nghèo ở Trung Quốc - Ảnh 2.

Sự kiện ngày 25/2 bao gồm lễ trao giải cho những người có đóng góp quan trọng trong chiến dịch xóa nghèo, được truyền hình trực tiếp trên toàn quốc.

Buổi lễ nêu bật vai trò cá nhân của ông Tập trong cuộc chiến, tôn vinh một thị trấn ở miền tây bắc mà ông đã từng làm việc cùng các quan chức ở đó và nhắc đến các chuyến thăm của ông đến những khu vực nghèo khó.

Ông Tập nói trong bài phát biểu kéo dài hơn một tiếng: "Tôi nhấn mạnh vào việc nhìn vào cái nghèo thực sự, hiểu được nỗ lực để giảm nghèo, giúp đỡ người nghèo và thực sự đạt được mục tiêu giảm nghèo".

Ông Tập coi giảm nghèo là mục tiêu trọng tâm kể từ khi trở thành lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc vào cuối năm 2012. Dự kiến Trung Quốc sẽ tuyên bố thắng lợi trong công cuộc xây dựng xã hội "thịnh vượng vừa phải" trước lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng cầm quyền (23/7/2021).

Ông Tập đã ghi nhận thành công chống nghèo của Trung Quốc là "thần kỳ" và nhấn mạnh Trung Quốc đạt được thành tựu to lớn này bất chấp "các cuộc xâm lược của cường quốc phương Tây" trong nhiều thế kỷ qua.

Những nhận xét trên của ông Tập thể hiện thách thức rõ ràng tới nỗ lực của Tổng thống Joe Biden trong việc củng cố vị thế của Mỹ và xây dựng liên minh quốc tế để chống lại ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Bloomberg cho biết ông Tập cũng là tâm điểm của sự kiện ca ngợi thành công của Trung Quốc trong cuộc chiến chống COVID-19 tổ chức hồi tháng 9 năm ngoái. Nhiệm kỳ thứ hai của ông Tập sẽ hết vào cuối năm sau, nhưng giới quan sát dự đoán ông sẽ tiếp tục năm quyền sau khi Trung Quốc sửa đổi hiến pháp vào năm 2018, cho phép chủ tịch nước phục vụ ba nhiệm kỳ liên tiếp.

Hôm 24/2, tờ Nhân dân Nhật báo (People's Daily) đăng bài viết dài 3 trang, 22.000 ký tự tóm tắt các mệnh lệnh xóa nghèo mà ông Tập đã ban hành kể từ khi nhậm chức. Tờ báo ca ngợi nỗ lực của ông đã "đạt được thành công vĩ đại và đóng góp to lớn vào tiến bộ toàn cầu"

Ông Tập cho biết Trung Quốc sẽ tiến hành đánh giá và củng cố những tiến bộ đã đạt được trong mặt trận xóa nghèo nhằm đảm bảo sẽ không có bước lùi lớn trong quá trình này.

Năm ngoái, Trung Quốc đã nâng chuẩn nghèo chính thức để bao gồm những người có thu nhập 4.000 nhân dân tệ (620 USD) một năm, cao hơn đáng kể ngưỡng 2.625 nhân dân tệ (407 USD) hồi năm 2012.

Mặc dù con số này cao hơn chuẩn nghèo tuyệt đối của Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) định nghĩa bất kỳ ai có thu nhập thấp hơn một nửa mức trung bình đều là người nghèo. Theo tiêu chuẩn này, người dân ở nông thôn Trung Quốc phải kiếm được trên 7.500 nhân dân tệ (1.162 USD) một năm mới được coi là thoát nghèo.

Giang

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).