Ông Nguyễn Thiện Nhân nói về 4 giải pháp để xây dựng đô thị thông minh
Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành uỷ thành phố Hải Phòng về tình hình phát triển kinh tế, xã hội và việc xây dựng đô thị thông minh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, cho rằng: việc quản lý đô thị lớn không thể bằng kinh nghiệm thông thường mà phải là quản lý có dự báo. Dự báo để thấy trước vấn đề và không để xảy ra vấn đề, thấy trước tiềm năng, thời cơ để chuẩn bị biến nó thành hiện thực một cách sớm nhất.
Bí thư thành uỷ Hải Phòng Lê Văn Thành báo cáo về xây dựng đô thị thông minh tại Hải Phòng |
Sau hơn một năm kể từ khi Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế về xây dựng đô thị thông minh, đến nay đã có 10 tỉnh, thành phố, trong đó có Hải Phòng, bước đầu xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh, coi phương thức phát triển đô thị thông minh là nền tảng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình trong giai đoạn 10 năm tới.
Thực tế, phát triển đô thị hiện nay cho thấy, sự phát triển của đô thị ở Việt Nam đa số mới dừng lại ở việc cung cấp cho người dân những dịch vụ và điều kiện thông thường như điện, nước, giao thông và công nghệ thông tin như mạng internet, cáp, truyền hình ở mức đơn giản.
Theo Bí thư thành uỷ Hải Phòng Lê Văn Thành, hiện nay, để phát triển đô thị thông minh, Hải Phòng còn rất nhiều vấn đề chưa đạt được yêu cầu. Ngay như so với đô thị loại một cấp quốc gia còn chưa đạt như tỉ lệ cây xanh, giao thông và nhất là quy hoạch đô thị còn rất nhiều bất cập. Tuy nhiên, việc xây dựng đô thị thông minh là việc phải làm. Đến nay, Hải Phòng đã ban hành Nghị quyết số 10 về phát triển viễn thông và công nghệ thông tin thành phố Hải Phòng đến năm 2020. Kế hoạch đặt ra mục tiêu xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố mạnh về viễn thông và công nghệ thông tin, ứng dụng hiệu quả vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh – quốc phòng, từng bước xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố thông minh.Với tinh thần này, Hải Phòng vừa công bố đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng Cát Hải thành “Đảo thông minh”.
Dành tâm huyết thuyết trình dành riêng cho thành phồ cảng, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: đô thị thông minh là xu hướng tất yếu của các đô thị và quyết tâm vào cuộc của mỗi địa phương. Muốn thực hiện được đô thị thông minh phải có ứng dụng của công nghệ thông tin để giải quyết 4 vấn đề phát sinh trong quá trình đô thị hóa một cách hiệu quả hơn. Đó là: dân số đô thị tăng, hạ tầng; cạnh tranh kinh tế giữa các đô thị và chất lượng cuộc sống. Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, việc quản lý thành phố lớn không thể bằng kinh nghiệm thông thường mà phải là quản lý có dự báo.
Ông Nguyễn Thiện Nhân làm việc với thành phố Hải Phòng về xây dựng đô thị thông minh |
Ông Nguyễn Thiện Nhân nói: “Các thành phố muốn phát triển không thể quản lý bằng kinh nghiệm thông thường mà phải theo dõi diễn biến của cuộc sống đô thị để phát hiện những hạn chế, bất cập. Quản lý đô thị thông minh theo khái quát nhất là quản lý có dự báo, quản lý không để xảy ra tình huống khó khăn rồi đưa ra hướng giải quyết mà phải ngăn chặn tình huống khó khăn. Quản lý đô thị thông minh là thấy trước vấn đề và không để xảy ra vấn đề, thấy trước tiềm năng, thời cơ để chuẩn bị biến nó thành hiện thực một cách sớm nhất”.
Trên cơ sở các mục tiêu, thuận lợi và thách thức, ông Nguyễn Thiện Nhân đề xuất Hải Phòng phát triển chiến lược 2 cánh là: Quy hoạch thông minh thành phố phát triển bền vững, bao gồm hai nhiệm vụ là xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung và quy hoạch thông minh, giám sát các tiêu chí phát triển bền vững. Cánh 2 là Quản lý ngành thông minh – Công dân thông minh – Doanh nghiệp thông minh.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng nhấn mạnh đến 4 giải pháp nền tảng của đô thị thông minh. Đó là: chính quyền muốn hoạch định tương lai thì phải dự báo phát triển, tránh ách tắc, khủng hoảng và đảm bảo phát triển bền vững; Chính quyền hỗ trợ quyết định tối ưu của 4 chủ thể là công dân, doanh nghiệp, quản lý nhà nước và tổ chức xã hội; Phải coi không gian mạng như một không gian sống bắt buộc của mỗi cá nhân, doanh nghiệp, đơn vị, xã hội trong giao dịch; đồng thời cần tham gia vào việc đánh giá sự hài lòng của người dân.