Ông Nguyễn Thành Tài lên tiếng sau khi TTCP quy trách nhiệm vụ ‘đất vàng’ 8 – 12 Lê Duẩn
Vụ bán rẻ hàng nghìn m2 'đất vàng' trung tâm Sài Gòn: Kiến nghị xử lý nhiều cán bộ | |
5.000m2 'đất vàng' ở trung tâm Sài Gòn bị bán rẻ: Đề nghị thu hồi |
Theo Kết luận về thanh tra việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp, thương mại, dịch vụ, căn hộ cho thuê tại số 8 – 12 Lê Duẩn, quận 1, TP HCM của Thanh tra Chính phủ, khu đất rộng gần 5.000 m2 đã bị cho thuê không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định.
Khu "đất vàng" có diện tích gần 5.000m2 nằm tại số 8 - 12 Lê Duẩn, P. Bến Nghé, quận 1, TP HCM. (Ảnh: Dân trí) |
Thanh tra Chính phủ nêu, khu đất số 8 – 12 Lê Duẩn có “lợi thế đặc biệt” về thương mại do có 3 mặt tiền tiếp giáp các tuyến đường trung tâm quận 1 (đường Lê Duẩn, đường Hai Bà Trưng và đường Nguyễn Văn Chiêm), gần Dinh Độc Lập, Nhà thờ Đức Bà. Tuy nhiên, khu đất vàng đã được giao cho CTCP Đầu tư Lavenue không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất với giá rẻ hơn so với giá trị thực. Việc giao đất, cho thuê đất tại đây đã có nhiều vi phạm như không tổ chức đấu thầu để chọn nhà đầu tư có uy tín và năng lực; xác định đối tượng giao và cho thuê không đúng… Từ đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi toàn bộ khu đất số 8 – 12 đường Lê Duẩn để thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định. |
Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, trách nhiệm thuộc về Thường trực UBND TP HCM nhiệm kỳ 2011 – 2015, trách nhiệm cá nhân thuộc về ông Nguyễn Thành Tài – nguyên Phó Chủ tịch Thường trực tại thời điểm đó.
“Việc thực hiện sai trái trên nhằm chuyển dịch tài sản hai khu đất có vị trí trung tâm đang thuộc quyền quản lý sử dụng của nhà nước sang cho tư nhân với giá rẻ là không đúng quy định. Trách nhiệm này thuộc về Thường trực UBND TP; trách nhiệm cá nhân thuộc về ông Nguyễn Thành Tài – nguyên Phó Chủ tịch Thường trực, người đã ký nhiều, ký nhanh các văn bản chấp thuận cho Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm tham gia dự án”, Kết luận nêu.
Trả lời trên Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Thành Tài cho biết, cuối năm 2008 ông nhận phụ trách công việc của khối đô thị. Đồng chí Chủ tịch UBND TP HCM sau khi xem xét thì đồng ý với phương thức mới – chọn chủ đầu tư để huy động vốn thay vì đấu thầu chọn nhà đầu tư không thực hiện được.
“Ở đây không có chuyện bán tài sản hay chuyển nhượng nhà đất. Tôi muốn tiếp nối công việc và tôi nhận thức rằng việc thực hiện dự án đã có chủ trương là việc làm cần thiết. Khi đó, đồng chí Phó Giám đốc Sở Tài chính có báo với tôi là tình hình thu chi ngân sách khó lắm, tôi nghĩ nếu khởi động dự án này sớm có thể đóng góp vào nguồn thu”, ông Tài nói.
Ông cho rằng, 4 đơn vị của Bộ Công Thương là 4 đơn vị quốc doanh, chiếm 50% vốn, công ty quản lý kinh doanh nhà chiếm thêm 20% nữa, như vậy đơn vị tư nhân chỉ chiếm 30% thì không phải đơn vị nắm cổ phần chi phối…
Kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu, 4 công ty thuộc Bộ Công Thương trước đây (gồm Công ty cổ phần Thiết bị phụ tùng Sài Gòn, Công ty CP Kim khí Thành phố, Công ty CP Hóa chất vật liệu điện TP và Công ty cổ phần Vận tải xăng dầu - VITACO) kê khai không trung thực để được UBND TP chấp thuận chủ trương ưu tiên cho tham gia góp vốn dự án tại số 8 – 15 Lê Duẩn, nhưng sau đó đã chuyển nhượng cổ phần vốn góp của mình cho Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô lấy tiền chênh lệch 50 tỷ đồng/1 công ty. Còn Công ty Lavenue đã thay đổi cổ đông sáng lập có 2/3 cổ đông là Công ty TNHH đầu tư Kinh Đô và Công ty TNHH Hoa Tháng Năm, chiếm cổ phần chi phối (80% vốn góp). Việc giao đất cho thuê đất vì thế không đúng đối tượng khi Lavenue không phải là tổ chức kinh tế đang được nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm. |
Ông Nguyễn Thành Tài cũng lý giải, lúc bấy giờ TP HCM có một Chủ tịch và 5 Phó Chủ tịch, mỗi tuần lễ, mỗi Phó Chủ tịch phải tham dự tối thiểu 5 – 6 cuộc họp/tuần. Nếu vấn đề nào cũng đưa ra thường trực ủy ban xin ý kiến thì chỉ có ngồi họp thôi…
“Đến nay có thể nói doanh nghiệp có những lấp liếm chứ không trong sáng hoàn toàn. Còn cơ quan chức năng tôi chưa thấy động cơ riêng tư nào ở công trình này. Tôi không chịu sự tác động của bất cứ ai và đến giờ tôi cũng tự hào là mình không có nắm cắc bạc nào để bị chi phối cả… Nếu quy trách nhiệm tôi xin nhận!”, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực nói.
Trong khi đó, trả lời báo Pháp luật TP HCM, ông Tài nói thêm về kết luận ông và các sở, ngành có dấu hiệu cố ý làm trái trong các quyết định giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá. Ông cho rằng, dự án trên Thường trực UBND TP đã có chủ trương làm dự án khách sạn cao cấp và yêu cầu triển khai sớm. Việc giao đất khi đó là sự linh hoạt, nếu giao toàn bộ khu đất thì giá trị hơn 1.000 tỷ đồng. Vì thế, sau khi nhận tham mưu của các sở, ông Tài đã đồng ý hai hình thức giao đất và cho thuê để giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp nhằm sớm triển khai dự án.
Báo Pháp luật TP HCM đặt nghi vấn về việc Công ty Hoa Tháng Năm không có kinh nghiệm, năng lực tài chính nhưng góp vốn 30%, sau đó bà giám đốc công ty này lại làm chủ tịch Công ty Lavenue, đại diện vốn nhà nước cho công ty quản lý nhà thành phố và 4 công ty Bộ Công Thương. Trong khi thực chất, 4 công ty Bộ Công Thương đã chuyển nhượng cổ phần sau khi Lavenue có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và cổ phần nhà nước khi đó chỉ còn 20% của công ty quản lý nhà thành phố.
Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực TP HCM trình bày: "Thực sự tôi tin cậy các cơ quan tham mưu nên có thiếu sót khi ký các quyết định. Còn nói tôi có ưu ái tạo điều kiện gì để tư lợi từ các công ty này là không có. Thời điểm đó giá đất phải khác giờ, thanh tra kết luận tôi gây thất thoát hay có dấu hiệu cố ý làm trái như vậy là không thuyết phục. Giá đất của tám năm trước khác giá bây giờ (thời điểm đó thị trường bất động sản bị đóng băng). Và trong quyết định giao đất tôi có đề nghị rất rõ là khi nào có thay đổi với giá đất thì nhà đầu tư phải chấp nhận giá điều chỉnh của Nhà nước"...