Ông Nguyễn Đức Hưởng phủ nhận tin đồn sáp nhập Sacombank với LienVietPostBank
Qua những dịch chuyển người đứng đầu giữa LienVietPostBank và Sacombank, thị trường đang có một số đồn đoán rằng sẽ có cuộc mua bán sáp nhập giữa 2 ngân hàng này. Là Chủ tịch LienVietPostBank, xin ông cho biết thực hư lời đồn đoán này thế nào?
Đó là tin đồn! Họ đồn gì là quyền của họ.
Còn trên thực tế, nếu có chủ trương mua bán sáp nhập các ngân hàng cổ phần để trở thành một số ngân hàng lớn thì Sacombank không phải là đối tượng sáp nhập của LienVietPostBank. Vì chúng tôi chỉ đi mua những cái chúng tôi cần, trong khi cái chúng tôi cần thì Sacombank không có và cái Sacombank có thì LienVietPostBank không cần!
Ông có thể nói rõ hơn cái cần của LienVietPostBank và cái thiếu của Sacombank ở đây là gì?
Chẳng hạn bất cứ một ngân hàng nào cũng rất cần mạng lưới bán lẻ rộng khắp để thực hiện chiến lược bán lẻ và mở rộng dịch vụ dễ dàng. Về yếu tố này, LienVietPostBank có mạng lưới chi nhánh và điểm giao dịch lớn nhất nước, cái cần thiết nhất của chúng tôi là công nghệ và dịch vụ hiện đại thì đối tượng cung ứng được chắc chắn để ngân hàng cần đến phải là tổ chức nước ngoài.
Về mặt này, Sacombank không phải là đối tượng để LienVietPostBank cần cho yếu tố này.
Cái cần thiết thứ hai của LienVietPostBank là quản trị điều hành hướng tới chuẩn mực quốc tế, nên chúng tôi cần liên kết với một tổ chức tài chính có đội ngũ nhân sự bổ sung cho một số lĩnh vực chủ chốt có trình độ quốc tế, là người nước ngoài hoặc người Việt Nam (VN) đã được đào tạo, có kinh nghiệm và thương hiệu ở nước ngoài. Điều kiện này Sacombank cũng không thể có được.
TS.Nguyễn Đức Hưởng - Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank |
Vì vậy, LienVietPostBank lại phải sáp nhập với Sacombank làm gì để không giải quyết được cái mình cần? Thực tế chúng tôi không có nhu cầu này và Sacombank không bao giờ là đối tượng mua bán sáp nhập của LienVietPostbank. Ngược lại, Sacombank cũng vậy!
Họ đang tập trung xử lý nợ xấu là chính. Nếu tái cơ cấu thành công, Sacombank đủ lớn và đi sâu vào hiện đại hóa để không phải bán mình cho bất cứ ai!
Nếu thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước mở rộng điều kiện và room cho nhà đầu tư nước ngoài thì chắc chắn LienVietPostBank sẽ là đối tượng được săn lùng đắt hàng nhất, bởi hội tụ đủ "hai to một nhỏ".
Đó là yếu tố mạng lưới lớn mạnh nhất VN (trên 10.000 điểm giao dịch - tức to), nhưng vốn điều lệ lại rất hấp dẫn với quy mô vừa (6.500 tỷ - tức nhỏ) so với giá trị mạng lưới và quy mô tổng tài sản; tiềm năng khai thác và cơ hội phát triển lớn (to), chưa kể cổ phiếu LienVietPostBank đang hoàn tất thủ tục lên sàn chứng khoán.
Đề cập tới việc lên sàn, ngay khi ông nhậm chức Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, giá cổ phiếu ngân hàng tăng đến 60%, vậy ông có thể cho biết mong muốn của ông về giá cổ phiếu ngân hàng mình trong thời gian tới?
Tôi không hề mong muốn giá cổ phiếu LienVietPostBank tăng lên nhanh và tôi nghiêm cấm bộ phận PR có hành động đánh bóng thương hiệu bằng xảo thuật trống rỗng. Vì PR chân thực mới là PR vĩnh cửu nhất! Vì vậy, tôi chỉ tập trung vào đổi mới hoạt động ngân hàng phát triển bền vững, hiện đại hóa và tập trung phát triển dịch vụ ngân hàng trên ngón tay cái, ngón tay trỏ của khách hàng - hiện đại tiện ích. Đây là yêu cầu quan trọng nhất, cố gắng bước từng bước chắc chắn đến từng vị trí cao hơn để khẳng định thương hiệu.
Vì "giá cả xoay quanh giá trị thực", nếu có mong muốn thì tôi mong muốn giá cổ phiếu LienVietPostBank thời điểm này ở mức hơi thấp để cán bộ, nhân viên và nhà đầu tư nhỏ có thể mua được dễ dàng hơn. Tôi muốn tạo điều kiện cho 100% cán bộ nhân viên ngân hàng có sở hữu cổ phiếu để hàng ngày luôn có hành động chăm chút cho nồi cơm chung và cũng chính là nồi cơm nhà mình, gìn giữ thương hiệu LienVietPostBank bằng những hành động cụ thể tự giác và có ích.
Nhiều nhà đầu tư nhỏ sở hữu cổ phiếu của một ngân hàng thì ngân hàng ấy sẽ được nhiều người bảo vệ, giám sát và đặc biệt tiết kiệm được chi phí PR quảng cáo. Nếu vài tháng nữa lên sàn thì cán bộ nhân viên LienVietPostBank khó mà mua được cổ phiếu của chính ngân hàng nhà mình.
Hiện nay có rất nhiều đối tác là tổ chức tài chính lớn mạnh của nước ngoài muốn đặt vấn đề mua cổ phần của LienVietPostBank, nhưng thời điểm này chúng tôi đang quan tâm tự củng cố hoạt động vững chắc và đến thời điểm phù hợp sẽ mua những cái mình cần và chỉ bán những cái khách hàng rất cần ở LienVietPostBank!
Đề cập tới hệ thống ngân hàng Việt Nam; việc nhóm ngân hàng nhỏ và yếu kém có nên sáp nhập lại với nhau để tạo nên một hệ thống ngân hàng mạnh có sức cạnh tranh với các ngân hàng trong khu vực, TS.Nguyễn Đức Hưởng cho hay:
Theo tôi cần có chủ trương tái cơ cấu số lượng ngân hàng TMCP ở VN nếu muốn hệ thống ngân hàng TMCP thực sự mạnh thì số lượng ngân hàng ở VN chỉ nên tồn tại từ 10-15 ngân hàng, thay vì 36 ngân hàng như hiện nay. Với quy mô nền kinh tế hay quy mô dân số thì số lượng ngân hàng TMCP ở VN đang nhiều hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Còn so sánh quy mô tổng tải sản của một ngân hàng thì cả hệ thống NHTM VN cộng lại chưa bằng quy mô tổng tài sản của một NHTM cổ phần lớn của Trung Quốc.
Thế nên, các ngân hàng TMCP của chúng ta rất khó khăn khi "mang chuông đi đánh xứ người". Còn trong nước, hoạt động kinh doanh ngân hàng là một ngành kinh doanh đặc biệt, có điều kiện và rất nhạy cảm với nền kinh tế - xã hội. Nên một ngân hàng có vấn đề không những ảnh hưởng đến toàn hệ thống ngân hàng thương mại mà còn ảnh hưởng cả nền kinh tế vì rất dễ xảy ra tình trạng domino đổ bể hàng loạt, nếu một ngân hàng thương mại đổ bể. Ngân hàng dễ đổ bể nhất vẫn là các ngân hàng có quy mô nhỏ ở VN, thực tế thời gian qua đã chứng minh điều này.
Bên cạnh đó cần có cơ chế trải thảm đỏ mời các nhà đầu tư nước ngoài đem vốn vào VN tham gia tái cơ cấu các ngân hàng thương mại đang gặp khó khăn và nâng cao quy mô hoạt động chung cho các ngân hàng TMCP trong nước.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!