‘Ông lớn’ lại muốn Chính phủ vay tiền nước ngoài
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) mới đây đã kiến nghị lên các bộ, ngành xin cơ chế vốn vay bảo lãnh Chính phủ cho dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất ở Quảng Ngãi. Dự án này do Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) quản lý, vận hành.
Món nợ khổng lồ chưa trả
Theo đó, tổng mức đầu tư dự án ước tính khoảng 1,8 tỉ USD với cơ cấu vốn chủ sở hữu trên vốn vay là 30%/70%. Như vậy khoản vay dự kiến lên đến 1,2 tỉ USD.
PVN cho rằng để đảm bảo khả năng thu xếp vốn cho dự án cần thiết phải có một số cơ chế đặc thù, ưu đãi về thuế đối với sản phẩm xăng dầu của nhà máy, trong đó có việc bảo lãnh vay vốn của Chính phủ.
“Nếu không có bảo lãnh vay vốn của Chính phủ, dự án sẽ rất khó tiếp cận được nguồn vốn vay nước ngoài và vay thương mại. Công tác thu xếp vốn đang bị chậm nhiều so với kế hoạch có thể gây ảnh hưởng đến tiến độ lựa chọn nhà thầu EPC và tiến độ triển khai dự án” - PVN cho biết.
Trước đó, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cũng đã đề nghị Chính phủ đứng ra trả nợ thay cho Đạm Ninh Bình khoản vay 125 triệu USD, tương đương khoảng 2.750 tỉ đồng từ Ngân hàng China Eximbank của Trung Quốc. Nói cách khác, Vinachem muốn Chính phủ ứng tiền để trả nợ cho phía Trung Quốc thay cho Vinachem với số tiền trên 2.700 tỉ đồng.
Thực tế cho thấy chuyện những dự án của các “ông lớn” nhà nước được vay bảo lãnh, sau đó lại đòi Chính phủ đứng ra trả nợ thay như hai trường hợp trên không phải ít. Theo Bộ Tài chính, riêng trong giai đoạn 2011-2015 đã cấp bảo lãnh vay trong và ngoài nước cho 35 chương trình dự án với tổng số vốn khoảng 15,6 tỉ USD, trong đó vay nước ngoài lên đến 14 tỉ USD.
Vốn bảo lãnh chủ yếu tập trung vào các dự án thuộc lĩnh vực điện lực, dầu khí, hàng không và một số dự án xi măng, giấy.
“Hiện nay, quỹ tích lũy trả nợ định kỳ đang phải trả nợ thay cho nhiều dự án, doanh nghiệp (DN) nhà nước gặp khó khăn. Đơn cử như Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) với khoản nợ dự kiến phải trả có thể lên đến 63.000 tỉ đồng gồm nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ Chính phủ vay về cho vay lại” - đại diện Bộ Tài chính cho biết.
Nợ nước ngoài của các doanh nghiệp đã lên đến hơn 41 tỉ USD. Trong ảnh: Dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất muốn vay thêm 1,2 tỉ USD nước ngoài. Ảnh: TP
Tiếp tục bảo lãnh sẽ mạo hiểm
Ông Hoàng Hải, Cục phó Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại Bộ Tài chính, cho biết quan điểm của Chính phủ là khuyến khích DN tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về khoản vay của mình. Có điều không phải dự án nào đáp ứng điều kiện cũng được bảo lãnh. Bộ Tài chính chỉ xem xét cấp bảo lãnh đối với dự án được Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư; dự án ứng dụng công nghệ cao…
Tuy nhiên, PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cho rằng Chính phủ không nên tiếp tục đứng ra bảo lãnh vay vốn cho các dự án như dự án mở rộng, nâng cấp lọc dầu Dung Quất. Bởi trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã có nhiều chính sách ưu đãi từ Chính phủ nhưng chưa thực sự hiệu quả.
Nếu Chính phủ tiếp tục đứng ra bảo lãnh vay vốn sẽ rất mạo hiểm, tạo ra lỗ hổng đối với ngân sách, đẩy nợ công tăng cao. Không thể cứ gặp khó khăn lại xin Chính phủ vay và tìm mọi cách “đá bóng” nghĩa vụ trả nợ cho Chính phủ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo về việc quản lý, giám sát các dự án được Chính phủ bảo lãnh. Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo từ năm 2017, tạm dừng phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh cho các dự án mới để đảm bảo an toàn nợ công. Trường hợp đặc biệt cấp thiết, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cấp bảo lãnh Chính phủ đối với từng trường hợp cụ thể
“Nếu DN nào cũng đòi ưu đãi, cơ chế đặc thù sẽ vô cùng nguy hiểm. Chính phủ cần xem xét thận trọng, xem dự án đó có hiệu quả hay không bởi nếu dự án có hiệu quả thì các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước sẵn sàng cho vay mà không cần Chính phủ đứng ra bảo lãnh. Tư duy vay vốn nhờ sự bảo lãnh Chính phủ là một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ công tăng” - ông Long bày tỏ quan điểm.
Đồng quan điểm, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nhìn nhận thời gian qua hầu hết dự án mà Chính phủ bảo lãnh đều là những dự án của DN nhà nước. Rất nhiều dự án hiệu quả kinh tế thấp, thua lỗ lớn. Thay vì nỗ lực tìm cách nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tìm phương án trả nợ với tư cách là người vay, các DN này lại đòi Chính phủ trả nợ, tạo gánh nặng tài chính quá lớn trong bối cảnh ngân sách đang gặp khó khăn.
Nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng Chính phủ không cần hoặc giảm đến mức tối đa việc bảo lãnh vay cho DN. Đặc biệt không nên kéo dài tình trạng các DN nhà nước được Chính phủ bảo lãnh vay, khi làm ăn thua lỗ lại đẩy cục nợ “khủng” cho Chính phủ. Nguồn lực quốc gia là để đầu tư vào những DN kinh doanh hiệu quả chứ không phải để ưu ái hay giải cứu những đơn vị thua lỗ. Làm được như vậy thì người dân mới không phải è lưng gánh những món nợ khổng lồ.
Lo ngại về các khoản vay bảo lãnhBản tin nợ công số 5 vừa được Bộ Tài chính công bố đã cập nhật số liệu mới nhất về nghĩa vụ trả nợ của nền kinh tế đến hết năm 2015. Đáng chú ý, bản tin nợ công lần này thống kê các khoản nợ vay nước ngoài của cả Chính phủ và DN. Theo đó, tính đến hết năm 2015, tổng dư nợ vay nước ngoài của Việt Nam lên đến 1,759 triệu tỉ đồng, tương ứng 80,84 tỉ USD. Trong đó, nợ nước ngoài của Chính phủ lên đến 39,6 tỉ USD, nợ nước ngoài của DN đạt 41,22 tỉ USD. Trước đó, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Chính phủ bày tỏ sự lo ngại về các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh. Bởi đây chủ yếu là các khoản vay nước ngoài. “Nợ công và nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh, áp lực trả nợ ngắn hạn lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ” - Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nhận định. |
[Infographic] Bao nhiêu lãnh đạo ở PVN đã xộ khám? Đến thời điểm này, tổng cộng có 18 lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các đơn vị thành ... |