|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Ông Lê Thái Sâm cho Bamboo Airways vay 7.727 tỷ đồng, muốn chuyển đổi thành cổ phiếu

09:14 | 09/05/2023
Chia sẻ
Ông Lê Thái Sâm, cổ đông đang cho Bamboo Airways vay 7.727 tỷ đồng, kiến nghị doanh nghiệp này phát hành thêm cổ phần để hoán đổi khoản nợ và tăng vốn điều lệ.

Theo tài liệu Đại hội cổ đông bất thường lần hai của CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) tổ chức sáng nay 9/5, ông Lê Thái Sâm đã có văn bản kiến nghị Bamboo Airways phát hành thêm cổ phiếu để chuyển đổi nợ vay thành cổ phiếu.

Ông Lê Thái Sâm, sinh năm 1964, sống tại TP HCM, hiện đang sở hữu 231,74 triệu cổ phần của Bamboo Airways, tương đương 12,53% vốn điều lệ công ty. Ông Sâm đang đồng thời là Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) của Tập đoàn FLC cũng như Bamboo Airways.

Ông Lê Thái Sâm (ngoài cùng bên phải) tại đại hội cổ đông bất thường của Tập đoàn FLC. (Ảnh: FLC).

Theo ông Sâm, tính đến ngày 10/4/2023, ông Sâm đã cho Bamboo Airways vay tổng số tiền gốc và lãi) là 7.727 tỷ đồng nhưng đến nay Bamboo Airways vẫn chưa có kế hoạch cụ thể để hoàn trả nợ.

Do đó, ông Sâm kiến nghị Bamboo Airways phát hành cổ phần để hoán đổi khoản nợ. Cụ thể, ông Sâm kiến nghị phát hành thêm 1,15 tỷ cổ phần với hình thức chào bán riêng lẻ cổ phần phổ thông để tăng vốn điều lệ.

Số lượng cổ phần sau phát hành (dự kiến) 3 tỷ cổ phần, tương ứng giá trị theo mệnh giá là 30.000 tỷ đồng. Trong đó, số lượng cổ phần phát hành cho các chủ nợ để hoán đổi thành cổ phần (dự kiến) là 772.000.000 cổ phần, tương ứng giá trị cổ phần phát hành theo mệnh giá là 7.720 tỷ đồng đồng.

Số lượng cổ phần phát hành cho các nhà đầu tư chiến lược (dự kiến) là 378 triệu cổ phần, tương ứng giá trị cổ phần phát hành theo mệnh giá là 3.780 tỷ đồng. Tỷ lệ số lượng cổ phần dự kiến phát hành/Tổng số cổ phần sau phát hành (dự kiến) là 38,3% và không hạn chế.

Văn bản này cũng nêu rõ đối tượng chào bán là các chủ nợ thoả mãn các tiêu chí sau: Ký Hợp đồng cho Công ty vay tiền mà không có/không yêu cầu Công ty có tài sản đảm bảo; Tổng dư nợ cho vay từ 1.000 tỷ đồng trở lên và chủ nợ có yêu cầu hoán đổi khoản nợ thành cổ phần; Các nhà đầu tư chiến lược là các tổ chức/cá nhân có tiềm lực tài chính hoặc kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh của công ty mà Hội đồng quản trị xét thấy đóng góp vào hoạt động kinh doanh hoặc mang lại lợi ích cho công ty hoặc có thể hỗ trợ Công ty trong quản trị doanh nghiệp, quản lý rủi ro tiên tiến, phát triển sản phẩm dịch vụ; và sau khi mua cổ phiếu và trở thành cổ đông sở hữu từ 5% trở lên vốn điều lệ của công ty.

Đại hội đồng cổ đông ủy quyền cho HĐQT chủ động tìm kiếm, lựa chọn và thông qua danh sách các chủ nợ và nhà đầu tư chiến lược tham gia mua cổ phần riêng lẻ và số lượng cổ phần chào bán cho từng nhà đầu tư theo các tiêu chí nêu trên và đảm bảo tổng số chủ nợ, nhà đầu tư chiến lược thuộc đối tượng chào bán trong mọi trường hợp không vượt quá 100 nhà đầu tư.

Phương án chào bán không thực hiện chào bán cổ phần cho toàn bộ cổ đông hiện hữu. Hội đồng quản trị chỉ thực hiện chào bán cho các cổ đông hiện hữu đồng thời là Chủ nợ và/hoặc Nhà đầu tư chiến lược thoả mãn tiêu chí.

Văn bản kiến nghị của ông Lê Thái Sâm. (Ảnh. Hạ An).

Lý giải về kiến nghị này, ông Sâm cho biết, phạm vi chủ nợ của doanh nghiệp có thể gồm rất nhiều đối tượng khác nhau, việc phương án chào bán cổ phần không xác định cụ thể đối tượng là chủ nợ thuộc đối tượng chào bán là không đảm bảo công khai, minh bạch cũng như đảm bảo quyền ưu tiên cho những chủ nợ lớn, sẵn sàng cho công ty vay tiền mà không yêu cầu tài sản đảm bảo trong giai đoạn, thời điểm khó khăn của công ty như trường hợp của ông.

Mặt khác, căn cứ vào các chủ trương và kế hoạch hoạt động của ban điều hành trong thời gian tới, nhu cầu vốn để thực hiện thành công chủ trương mở rộng quy mô tàu bay, mở rộng mạng lưới bay và đường bay, thanh toán công nợ cho các chủ tàu, nhà cung cấp để giảm áp lực nợ, Thành viên HĐQT Bamboo Airways Lê Thái Sâm cho rằng vốn điều lệ công ty cần thiết phải được đảm bảo ở con số tối thiểu là 30.000 tỷ.

Trong khi đó, theo phương án tăng vốn hiện tại mà HĐQT trình ĐHĐCĐ, quy mô vốn điều lệ sau tăng chỉ là 28.070 tỷ đồng. Trong đó có đến 7.720 tỷ đồng là tiền đối trừ công nợ (không có tiền mặt thu về cho Công ty sau chào bán) và chỉ có 1.850 tỷ đồng là tiền mặt được huy động để sử dụng cho các hoạt động, kế hoạch đầu tư của Công ty. Số tiền này bị cho là không đảm bảo cho các hoạt động, kế hoạch của Bamboo Airways.

Ngày 8/5, HĐQT Tập đoàn FLC đã thông qua toàn văn dự thảo hợp đồng nguyên tắc về việc chuyển nhượng cổ phần Bamboo Airways mà FLC đang nắm giữ cho ông Lê Thái Sâm, đồng thời ủy quyền toàn bộ và không hủy ngang trong mọi trường hợp quyền cổ đông của Tập đoàn FLC tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông Bamboo Airways cho ông Lê Thái Sâm, tương ứng với toàn bộ số cổ phần BAV mà FLC đang sở hữu. 

Tính đến tháng 3 năm nay, FLC đang nắm giữ 401,5 triệu cổ phiếu BAV, tương đương 21,7% vốn điều lệ 18.500 tỷ đồng của Bamboo Airways. 

Trong một cuộc phỏng vấn hồi giữa tháng 3, Tổng Giám đốc Nguyễn Mạnh Quân cho biết Bamboo Airways đã kêu gọi được sự hỗ trợ từ một số nhà đầu tư lớn chung tay giúp hãng vượt qua khủng hoảng, điển hình như Công ty cổ phần Him Lam đã cho Bamboo Airways vay 8.000 tỷ đồng. 

Hạ An

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).