Ông Đinh La Thăng đối mặt án phạt cao nhất tới 20 năm tù
Ngày 26/12, VKSND Tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố ông Đinh La Thăng về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (điều 165 Bộ luật Hình sự).
Ông Trịnh Xuân Thanh và 20 người cùng vụ án bị truy tố về các tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản (điều 278). Vụ án sẽ được xét xử tại TAND Hà Nội.
Các sai phạm bị cáo buộc xảy ra trong thời gian ông Thăng làm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Ông Thăng bị VKSND truy tố theo khoản 3, Điều 165 với khung hình phạt cao nhất tới 20 năm tù. Cho rằng ông Thăng đã thừa nhận sai phạm, từng có nhiều thành tích trong công tác nên VKSND đề nghị cơ quan xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Ông Đinh La Thăng sau khi rời PVN đã làm Bộ trưởng Giao thông Vận tải, Bí thư Thành uỷ TP HCM. Ảnh: Xuân Hoa.
Có vai trò thứ hai trong vụ án, ông Trịnh Xuân Thanh bị cáo buộc phạm cả hai tội danh theo điều 165 và 278. Với tội Tham ô tài sản, khung hình phạt truy tố lên tới án tử hình, tội còn lại có khung hình phạt cao nhất là 20 năm.
VKS cho rằng ông Thanh trong quá trình điều tra đã không thành khẩn, khai báo quanh co, chối tội. Sau khi phạm tội, ông bỏ trốn gây khó khăn, cản trở quá trình điều tra. VKS đề nghị áp dụng hình phạt nghiêm khắc với ông Thanh.
11 người khác bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng với cùng khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù. Chín người còn lại bị đề nghị truy tố về tội Tham ô tài sản, cùng khung hình phạt cao nhất tới án tử hình.
Theo luật sư Ngô Minh Long (Hà Nội), việc ra cáo trạng chỉ trong 7 ngày từ khi công an ra kết luận điều tra (ngày 19/12) là bình thường. Theo luật, nếu VKSND Tối cao khi thẩm định hồ sơ thấy không có gì cần bổ sung thì sẽ ra cáo trạng. Mặt khác, đây là vụ án được Đảng, Chính phủ và người dân quan tâm nên cơ quan công tố phải bắt tay vào làm "hết công suất".
Theo các cơ quan tố tụng, với ý định xây dựng Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) thành đơn vị xây lắp chuyên ngành dầu khí hàng đầu Việt Nam, tháng 12/2007, ông Thăng đưa ông Thanh từ Tổng công ty Sông Hồng về làm Tổng giám đốc PVC, sau là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc.
Ông Thăng đồng thời tạo nhiều thuận lợi cho PVC hoạt động, như bố trí việc làm, tạo nguồn vốn…, kể cả chấp thuận miễn bảo lãnh thực hiện hợp đồng và bảo lãnh tiền tạm ứng đối với các công trình/dự án được Tập đoàn chỉ định cho PVC thực hiện.
Chưa có đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của PVC, chưa làm các thủ tục liên quan đến việc lựa chọn nhà thầu, ngày 18/6/2010, ông Thăng đã thay mặt HĐQT PVN ký nghị quyết đồng ý chủ trương giao PVC thực hiện gói thầu EPC dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 theo hình thức chỉ định thầu.
Trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, ông Thăng đã chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC của dự án và chỉ đạo các cá nhân, đơn vị cấp dưới ký hợp đồng số 33 trái quy định. Sau đó, ông Thăng chỉ đạo PVN căn cứ hợp đồng này tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng cho PVC.
Qua giám định kết luận, PVC không đảm bảo các yêu cầu về kinh nghiệm, năng lực tài chính để thực hiện gói thầu EPC dự án. Việc lựa chọn PVC là nhà thầu EPC trái quy định theo Luật Đấu thầu.
Cơ quan chức năng cho rằng, việc tạm ứng số tiền này là trái với quy định. Hành vi của ông Thăng và các bị can khiến thiệt hại hơn 119 tỷ đồng...
Cơ quan điều tra nhận định, các bị can trong vụ án hầu hết là người giữ vị trí chủ chốt trong những đơn vị kinh tế quan trọng, được Chính phủ và nhân dân tin tưởng giao quản lý vốn và thực hiện những dự án, công trình lớn của quốc gia. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vì những động cơ khác nhau mà các bị can đã cố ý làm trái quy định của Nhà nước, gây thiệt hại đặc biệt lớn.