Ông Đinh La Thăng đề nghị tòa tuyên vô tội
Ông Đinh La Thăng tự bào chữa tại tòa - Ảnh: GIANG LONG
Chiều 22-6, phiên xét xử bị cáo Đinh La Thăng - cựu chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và đồng phạm về tội cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản tiếp tục với phần tranh luận.
Đầu tư vào OceanBank có hiệu quả?
Khi được tự bào chữa, ông Đinh La Thăng cho biết đồng tình quan điểm của các luật sư bào chữa cho mình và không đồng ý với quan điểm của đại diện Viện kiểm sát (VKS).
Bởi theo ông Thăng, phần lớn nội dung VKS kết luận trong phiên làm việc buổi sáng đã nêu tại tòa sơ thẩm. "Những nhận định đó hoàn toàn thiếu căn cứ, mang tính suy luận có tội", ông Thăng nói.
Đồng thời cựu chủ tịch PVN cho rằng những quy buộc đó mang tính quy chụp, không công bằng, không công tâm, không khách quan và "không có lương tâm" với mình.
Bị cáo đề nghị xem xét, đánh giá vụ án này phải đặt trong bối cảnh cách đây 10 năm, không thể tách rời và cắt lát ra để tìm ra những lỗi mang tính thủ tục, hoàn toàn không có căn cứ.
Theo lời ông Thăng, thời điểm đó PVN được đầu tư tài chính ngân hàng nhưng do chính sách thay đổi. Do đó, để giải quyết hệ lụy việc thành lập Ngân hàng Hồng Việt, PVN mới đầu tư góp vốn vào OceanBank.
Việc đầu tư này theo lời ông Thăng có hiệu quả, trước hết là đã xử giải quyết được việc làm cho đội ngũ cán bộ nhân viên ban trù bị thành lập ngân hàng, đem lại lợi nhuận cho PVN, lợi ích cho đất nước vì PVN là tập đoàn 100% vốn nhà nước, 5 năm liền được chia cổ tức.
"VKS nói tiền ảo, tôi không đồng tình. Tiền ảo mới xuất hiện ở Việt Nam gần đây. Đây là tiền thật vào tài khoản của PVN", ông Thăng nói. Ông Thăng đề nghị VKS giải thích nếu tiền cổ tức là tiền ảo thì "vốn điều lệ của OceanBank mới sau khi Ngân hàng Nhà nước mua 0 đồng là tiền thật hay ảo".
"Trước khi tôi rời PVN mọi chuyện đều tốt đẹp"
Cũng theo lời ông Thăng, trong nền kinh tế thị trường cần biết chớp cơ hội, giải quyết hệ lụy thành lập ngân hàng, lẽ ra phải được đánh giá cao thì lại là căn cứ để buộc tội bị cáo.
Do đó, bị cáo đề nghị VKS trả lời cho mình nếu không xử lý được bao nhiêu con người, chi phí chuẩn bị cho việc thành lập ngân hàng thì ai chịu trách nhiệm. "Thế có nghĩa không làm, cứ vứt số tiền đó đi thì là không có tội mà làm tránh mất mát của nhà nước thì là có tội", ông Thăng nói.
Trước đó, ông Thăng liên tục khẳng định việc PVN đầu tư vào OceanBank là đúng chủ trương, đúng pháp luật, được sự đồng ý của Thủ tướng bằng văn bản trước khi thực hiện.
Ông Đinh La Thăng và các bị cáo tại tòa - Ảnh: GIANG LONG
Ông Thăng trình bày tháng 8-2011, khi ông chuyển công tác mọi chuyện đều tốt đẹp. "Năm 2011, Ngân hàng Nhà nước vẫn đánh giá OceanBank là ngân hàng loại A, năm 2012 và 2013 là loại B. Đánh giá này là thật, không có gì ảo ở đây cả", bị cáo Thăng nói.
Về nguyên nhân mất vốn, theo ông Thăng là do Ngân hàng Nhà nước mua Oceanbank với giá 0 đồng, còn theo VKS ngân hàng này mất vốn chỉ là vấn đề thời gian.
"Không có bất kỳ cơ quan nhà nước nào cảnh báo OceanBank tháng sau mất vốn. Nếu đại diện VKS mà là thống đốc, nêu được cảnh báo trước được như thế thì hoạt động ngân hàng rất mạnh", ông Thăng nói và cho rằng việc nêu quan điểm OceanBank "mất vốn chỉ là vấn đề thời gian" là không đúng.
"VKS nói tôi chỉ đạo cấp dưới làm trái, tôi không chỉ đạo bất cứ ai làm trái cả. Quy định không phải xin phép, tôi vẫn xin phép thủ tướng", ông Thăng nói.
Cựu chủ tịch PVN nghị HĐXX, VKS xem xét tuyên mình không có tội.
Bởi theo bị cáo, thực tế ông không cố ý làm trái, không vi phạm pháp luật, đầu tư đúng chủ trương, hiệu quả. Việc OceanBank bị mua 0 đồng, PVN mất vốn không phải là trách nhiệm của ông vì thời điểm 2015, ông đã chuyển công tác được vài năm.
Trước đó, trong phiên xử buổi sáng, đại diện VKS đề nghị HĐXX giữ nguyên án sơ thẩm tuyên ông Thăng 18 năm tù.