|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Ông Đinh La Thăng còn có dấu hiệu của động cơ cá nhân, tình tiết tăng nặng

15:24 | 21/12/2017
Chia sẻ
Bên cạnh việc làm khiến PVN mất 800 tỷ đồng tại OceanBank, để xảy ra hành vi nhận tiền ngoài lãi suất tiền gửi OceanBank trong nhiều năm tại PVN, ông Đinh La Thăng có dấu hiệu của động cơ cá nhân và tình tiết tăng nặng của hành vi làm trái.
ong dinh la thang con co dau hieu cua dong co ca nhan tinh tiet tang nang Ông Đinh La Thăng khiến PVN mất trắng 800 tỷ đồng tại OceanBank ra sao?
ong dinh la thang con co dau hieu cua dong co ca nhan tinh tiet tang nang Lời khai của ông Đinh La Thăng về việc gây cản trở điều tra

Lần góp vốn thứ nhất 400 tỷ đồng để nắm giữ 20% vốn điều lệ của Oceanbank

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ công an công bố kết luận vụ án "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN).

Kết quả xác minh tại PVN cho thấy, ông Đinh La Thăng không báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương góp vốn vào Oceanbank, đến khi ra nghị quyết để thực hiện góp 400 tỷ đồng ông Thăng cũng không chờ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Tài chính có công văn gửi Văn phòng Chính phủ và PVN về việc góp vốn mua cổ phần của PVN, trong đó nêu yêu cầu báo cáo rõ tình hình hoạt động của Oceanbank, đặc biệt là các danh mục cho vay, chứng khoán đầu tư, các khoản trích lập dự phòng, xác định giá trị cổ phiếu Oceanbank tránh rủi ro đầu tư. Tuy nhiên PVN không thực hiện báo cáo theo đúng yêu cầu, trước khi quyết định đầu tư góp vốn vào Oceanbank. Tuy nhiên khi nhận được công văn này, ông Thăng cũng không chỉ đạo PVN thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ Tài chính.

Theo lời khai của ông Hoàng Xuân Phùng, Trần Ngọc Cảnh và Phan Thị Hòa (thành viên HĐQT PVN năm 2008). Đến ngày 30/9/2008, HĐQT PVN có tổ chức cuộc họp do ông Đinh La Thăng chủ trì, tại đây ông Thăng có trao đổi về việc PVN góp vốn mua cổ phần Oceanbank, từ đây những thành viên này mới biết được chủ trương của PVN góp vốn vào OceanBank.

Các thủ tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, Ngành đều do ông Thăng ký mà không thông qua HĐQT.

Ông Nguyễn Ngọc Sự - Nguyên Phó TGĐ PVN khai với cơ quan điều tra rằng, ông là người ký nháy các văn bản xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài Chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc đầu tư vào OceanBank. Tuy nhiên khi chưa có ý kiến đồng ý của Chính phủ thì ông Đinh La Thăng đã ký nghị quyết để PVN thực hiện.

Phớt lờ chỉ đạo của Chính phủ, tăng vốn tại Oceanbank thêm 300 tỷ đồng

Tại phương án tăng vốn lần 2, khi chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ông Đinh La Thăng đã đồng ý để PVN ra nghị quyết chấp thuận tăng vốn thêm 300 tỷ đồng. Trước khi ra nghị quyết, không có bất kỳ tài liệu nào thể hiện ông Đinh La Thăng chỉ đạo giám sát đánh giá lại tình hình hoạt động của Oceanbank, mục đích tăng vốn điều lệ, hiệu quả đầu tư của nguồn vốn ban đầu.

ong dinh la thang con co dau hieu cua dong co ca nhan tinh tiet tang nang
Ông Đinh La Thăng

Bị can Đinh La Thăng khai việc ký nghị quyết trước khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ là để thống nhất trong HĐQT để ban hành chủ trương, sau khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ và được đồng ý bằng văn bản thì mới chuyển tiền mua cổ phần. Đến thời điểm thực hiện chuyển tiền góp vốn ngày 25/10/2008 thì đã có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ nên không vi phạm.

Góp vốn thêm 100 tỷ đồng, ông Thăng đi công tác nên vô can?

Việc góp vốn bổ sung số tiền 100 tỷ đồng, nâng tổng số vốn góp tại Oceanbank lên 800 tỷ đồng, duy trì tỷ lệ nắm giữ 20%. Ông Đinh La Thăng nhận thấy việc góp vốn trái với quy định của khoản 2 điều 55 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010.

Tuy nhiên do bận đi công tác tiếp xúc cử trị tại Thanh Hóa, nên ông Thăng đã ủy quyền điều hành HĐTV từ ngày 16/5/2011 đến ngày 18/5/2011 cho ông Nguyễn Xuân Thắng, thành viên HĐTV. Do vậy, ông Thăng cho rằng, ông không liên quan đến việc ban hành nghị quyết ngày 16/5/2011.

Tuy nhiên dựa trên lời khai của bị can Nguyễn Xuân Thắng, sau khi ông Đinh La Thăng đi công tác về, ông Thắng đã báo cáo ông Thăng về nghị quyết góp bổ sung 100 tỷ đồng vào Oceanbank, nhưng ông Thăng không có chỉ đạo mà đồng ý để thực hiện.

Tài liệu thu thập được tại PVN cũng thể hiện bộ phận thư ký HĐTV PVN đã gửi bản chính nghị quyết ngày 16/5/2011, có bút phê nội dung “b/cáo a. Thăng (R) 18/5)” để báo cáo cho ông Đinh La Thăng biết.

Kết quả điều tra xác định, mặc dù ông Đinh La Thăng không ký nghị quyết góp vốn lần 3 nhưng sau khi đi công tác về, ông Thăng đã được ông Nguyễn Xuân Thắng và thư ký HĐTV báo cáo lại việc ban hành nghị quyết góp vốn, nhưng ông Thăng không có chỉ đạo gì.

Mặt khác, cùng ngày 10/5/2011, ký ủy quyền cho ông Nguyễn Xuân Thắng, ông Đinh La Thăng còn ký quyết định phân công bà Vũ Thị Thanh Hương làm người đại diện 20% vốn góp của PVN tại OceanBank, vi phạm khoản 2, Điều 55, Luật các tổ chức tín dụng 2010.

Khi luật các tổ chức tín dụng năm 2010 có hiệu lực từ 1/1/2011, ông Đinh La Thăng không có chỉ đạo để PVN thoái vốn theo mức tỷ lệ theo quy định là cơ sở để cho các thành viên HĐQT tiếp tục tăng vốn thêm 100 tỷ đồng.

Hành vi có dấu hiệu của động cơ cá nhân và tình tiết tăng nặng

Xuyên suốt từ khi ký thỏa thuân tham gia góp vốn với Hà Văn Thắm để PVN góp vốn vào Oceanbank, ông Đinh La Thăng không thông qua HĐQT, đồng ý chủ trương, ký ban hành thực hiện vốn góp, bổ sung vốn góp khi chưa có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Ký quyết định phân công người đại diện 20% vốn góp của PVN tại OceanBank trong giai đoạn 2008 – 2011. Hành vi vi phạm của ông Đinh La Thăng gây thiệt hai cho PVN 800 tỷ đồng.

Hành vị của ông Đinh La Thăng đã phạm vào tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, kết luận điều tra nêu.

Ngoài ra, sau khi PVN góp 20% vốn điều lệ của OceanBank để trở thành cổ đông chiến lược. Ông Đinh La Thăng với vai trò chủ tịch HĐQT PVN đã ký văn bản mang tính chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị thành viên của PVN và các nhà thầu dầu khí mở tài khoản, sử dụng dịch vụ của ngân hàng OceanBank.

Thực hiện chỉ đạo của ông Đinh La Thăng, trong thời gian từ 2009 – 2014, có 165 đơn vị thành viên của PVN thực hiện gửi tiền vào OceanBank, với doanh số tiền gửi không kỳ hạn trung bình 2.453 tỷ đồng/tháng và 74 triệu USD/tháng, doanh số tiền gửi có kỳ hạn từ khoảng 16.000 – 18.000 tỷ đồng và 100 triệu USD.

Đây chính là một trong những nguyên nhân để xảy ra hành vi nhận tiền ngoài lãi suất tiền gửi trong nhiều năm, trong đó 145 đơn vị của PVN số tiền hơn 318 tỷ đồng, chưa kể số tiền 246 tỷ đồng riêng Nguyễn Xuân Sơn nhận.

Sau khi ký các văn bản chỉ đạo, ông Đinh La Thăng không yêu cầu các đơn vị báo cáo kết quả thực hiện, không có biện pháp kiểm tra, đánh giá, chấn chỉnh kịp thời là có dấu hiệu của động cơ cá nhân và tình tiết tăng nặng của hành vi làm trái nêu trên.

Bạch Mộc