'Cần có luật chơi rõ ràng từ đầu để tránh xung đột vợ - chồng như kiểu Trung Nguyên'
Cuộc chiến pháp lý giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo, hai người lãnh đạo cao nhất của tập đoàn cà phê Trung Nguyên, đang là một trong những đề tài thu hút sự chú ý của dư luận trong những ngày qua. Một bộ phận dư luận ủng hộ ông Vũ, và một bộ phân khác cảm thông với bà Thảo. Với nhiều doanh nhân, tranh chấp ở tập đoàn Trung Nguyên khiến họ nghĩ tới việc đề ra luật chơi rõ ràng, kín kẽ giữa những người cùng điều hành doanh nghiệp.
Hoàng Tùng - ông chủ hàng loạt cơ sở kinh doanh như tiệm bánh Pizza Home, xưởng tranh phẳng Mopi, Lẩu tại nhà ĐTQ - phát biểu rằng anh không muốn bình luận về vụ tranh chấp ở Trung Nguyên, nhưng có thể cung cấp kinh nghiệm về quản trị xung đột giữa những người cùng điều hành công ty. Theo anh, cơ chế quản trị xung đột trong ban lãnh đạo doanh nghiệp phải bắt đầu từ khi công ty mới chỉ là ý tưởng trong tâm trí người sáng lập.
Ông chủ Pizza Home chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh trong một cuộc gặp với những người khởi nghiệp ở Hà Nội. Ảnh: Hoàng Tùng |
Vị doanh nhân 8X nhắc lại rằng, 3 "chân kiềng" quan trọng nhất của doanh nghiệp là sản phẩm, tiếp thị và vận hành. Dù khởi nghiệp với bạn đời, người thân hay bạn bè, mọi doanh nhân đều cần xây dựng chắc chắn 3 yếu tố ấy. Nhiều doanh nhân có thể đảm nhiệm hai trong ba "chân kiềng" nên chỉ cần thêm một người có sở trường với yếu tố còn lại. Khi đó nhóm sáng lập chỉ gồm hai người.
"Rất ít người trên thế giới có thể am hiểu cả 3 yếu tố. Vì thế những người khởi nghiệp như chúng tôi luôn nhớ một câu: Thế giới không cần những người có tâm, mà cần những người có team (đội nhóm)", Tùng nói.
Nguyên tắc chọn người đồng hành trong khởi nghiệp của Tùng là không bao giờ chọn người giống bản thân anh, mà phải chọn người có những điểm khác để nhóm sáng lập công ty có thể bổ sung, hỗ trợ nhau.
Nếu vợ và chồng cùng khởi nghiệp hoặc điều hành công ty, giống như ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo của tập đoàn cà phê Trung Nguyên, họ sẽ tạo nên nhóm sáng lập hoặc nhóm lãnh đạo doanh nghiệp đặc biệt. Ngoài yếu tố lợi ích, quan hệ của họ còn hàm chứa yếu tố hôn phối. Vì thế, nếu tranh chấp phát sinh, quá trình giải quyết sẽ phức tạp hơn nhiều so với những trường hợp khác.Tùng cho rằng, nếu một cặp vợ chồng cùng điều hành công ty, họ nên đặt ra những quy tắc cụ thể ngay từ đầu để tránh xung đột, hoặc giải quyết xung đột một cách nhanh chóng.
"Bên cạnh tranh chấp trực tiếp giữa vợ và chồng, doanh nghiệp còn có thể gặp phải những tình huống trớ trêu khác liên quan tới vợ và chồng của người sáng lập. Ví dụ, 3 cô gái cùng tham gia điều hành một công việc kinh doanh. Sau một thời gian, một cô muốn chồng góp vốn hoặc cùng điều hành, nhưng hai cô kia phản đối. Khi đó tranh chấp, hoặc khả năng hai cô kia rút vốn, có thể xảy ra. Vì thế, mọi người nên đề ra luật chơi ngay từ đầu và chấp hành nghiêm chỉnh", Tùng bình luận.
Hoàng Tùng từng khởi nghiệp nhiều lần và đang sở hữu hàng loạt công ty như bánh Pizza Home, tranh phẳng Mopi, lẩu tại nhà ĐTQ. Ảnh: Hoàng Tùng |
Cách xử lý của Tùng khi chồng hoặc vợ của đối tác muốn tham gia công việc kinh doanh là xếp người đó vào vị trí hợp lý.
"Giả sử chồng của một trong ba cô gái muốn gia nhập công ty nhưng chỉ đủ năng lực để làm nhân viên thì hãy để anh ta làm nhân viên, chứ không nhất thiết phải đảm nhận vị trí quản lý. Trong quá trình làm việc, nếu anh ta có năng lực, nhóm lãnh đạo sẽ thăng cấp, còn trong trường hợp ngược lại, hãy cứ để anh ta ở vị trí nhân viên hoặc thậm chí chấm dứt hợp tác", Tùng nói.
Mặc dù vậy, Tùng thừa nhận phần lớn doanh nhân Việt không áp dụng triệt để các nguyên tắc cần thiết để phân định rạch ròi giữa tình cảm riêng tư và công việc khi kinh doanh cùng bạn đời hoặc bạn tình.
"Những tranh chấp vợ - chồng trong những tập đoàn lớn sẽ kéo dài rất lâu nếu luật chơi không rõ ràng", Tùng nhận xét.