OECD giữ nguyên dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2017 và 2018
OECD dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng 3,3% trong năm 2017 và 3,6% trong năm 2018, không đổi so với các con số được tổ chức này đưa ra hồi tháng 11/2016.
OECD cho rằng cần phải có cam kết chính trị lớn hơn đối với cải cách mang tính cơ cấu để đảm bảo cho kinh tế toàn cầu thoát khỏi “bẫy tăng trưởng thấp” một cách lâu dài.
OECD cảnh báo: nguy cơ biến động thị trường, các mắt xích yếu trong hệ thống tài chính và bất ổn chính trị có thể khiến xu hướng hồi phục còn "khiêm tốn" của nền kinh tế đi trệch đường ray.
Tuy vậy, OECD đã điều chỉnh nâng dự báo về sức tăng trưởng trong năm 2017 đối của cả ba nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc (do chính sách hỗ trợ tài khóa), cùng Nhật Bản (do sản suất công nghiệp và xuất khẩu tăng).
Nhờ đồng yen hạ giá, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới là Nhật Bản hiện được dự đoán tăng trưởng 1,2% trong năm 2017, so với con số dự báo 1% được OECD đưa ra hồi tháng 11/2016. Năm 2018, nền kinh tế “xứ sở hoa anh đào” được dự đoán tăng trưởng 0,8%, không đổi so với dự báo trước.
OECD hiện dự báo kinh tế Mỹ - nền kinh tế lớn số 1 thế giới – sẽ tiến 2,4% trong năm 2017, so với mức dự báo cũ là 2,3%. Kinh tế Mỹ năm 2018 được cho là sẽ tăng trưởng 2,8% thay vì dự đoán trước là 3%.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 6,5% trong năm 2017 (mức dự báo cũ là 6,4%) và 6,3% trong năm 2018 (dự báo trước là 6,1%).
OECD nhận định tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ bị tổn hại nếu các thỏa thuận thương mại quốc tế bị cắt bớt. OECD cũng cho rằng hiện hướng đi tương lai của chính sách thương mại trên toàn cầu là chưa rõ ràng.
Sự "cởi mở" trong hoạt động thương mại nếu giảm đi sẽ phải trả giá đắt, khi một lượng lớn việc làm tại nhiều nước có sự gắn kết với các chuỗi giá trị toàn cầu.