|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

O2O tăng sức mạnh bán lẻ

09:15 | 04/09/2017
Chia sẻ
Thông qua mô hình tiếp thị O2O (Online-to-Offline và Offline-to-Online), các nhà bán lẻ sẽ gia tăng sức mạnh khi đầu tư vào hệ thống bán hàng đa kênh. Đó là nhận định của một số chuyên gia truyền thông - tiếp thị số tại Diễn đàn tiếp thị trực tuyến (Vietnam Marketing Forum) 2017 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức hồi giữa tháng 8-2017.
o2o tang suc manh ban le
O2O tăng sức mạnh bán lẻ (Ảnh minh hoạ)

Tăng doanh thu với mô hình mới

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch VECOM, nhận xét rằng không chỉ có hoạt động tiếp thị tại chuỗi cửa hàng bán lẻ trực tiếp (offline) có thể tác động tới doanh số của hệ thống kinh doanh trực tuyến (online), mà ở chiều ngược lại, các sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT), các trang web bán hàng trực tuyến... cũng có thể giúp các cửa hàng offline gia tăng sức mua. Trên thực tế, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể tận dụng công cụ kinh doanh online để gia tăng doanh số cho các cửa hàng offline bằng cách phát hành các phiếu quà tặng (voucher), mã giảm giá (code)... để sử dụng tại các cửa hàng. Người tiêu dùng khi lướt web, chọn mua sản phẩm trên mạng... có thể nhận được các phiếu mua hàng ưu đãi để đi mua hàng trực tiếp tại các cửa hàng.

Theo ông Nguyễn Tiến Huy, Tổng giám đốc Công ty Truyền thông số DigiPencil MVV, doanh nghiệp nên phát triển nhiều giải pháp tiếp thị online lẫn offline. Các hoạt động này sẽ hỗ trợ cho cả hai hệ thống kinh doanh vì hiện tại, những trải nghiệm offline cộng với công nghệ mới vẫn chưa được áp dụng nhiều ở Việt Nam và các doanh nghiệp có thể tận dụng điều đó. Mặt khác, một vài doanh nghiệp TMĐT cũng đã phối hợp giữa bán hàng trực tuyến với các cửa hàng bán lẻ trực tiếp.

Chẳng hạn trước đây, Zalora Việt Nam đã có một số cửa hàng trưng bày sản phẩm nhằm hỗ trợ hoạt động bán hàng trực tuyến, hoặc sàn TMĐT Zanado.com đã phát triển mô hình Online-to-Offline qua việc mở các cửa hàng giới thiệu quần áo thời trang để khách hàng chọn lựa và thử sản phẩm tại chỗ. Theo xu thế, các nhà bán lẻ quy mô lớn như Thế Giới Di Động, FPT Shop, LotteMart... cũng đang hướng tới việc phát triển mảng kinh doanh trực tuyến, còn các doanh nghiệp TMĐT lại hướng tới mở các cửa hàng bán lẻ kinh doanh sản phẩm trực tiếp.

Xu hướng người tiêu dùng di chuyển liên tục giữa kênh mua sắm offline và online đồng nghĩa với việc thói quen mua hàng đang thay đổi. Các nhà bán lẻ truyền thống đang mở rộng sự hiện diện của họ trên các kênh trực tuyến, trong khi các nhà bán lẻ trực tuyến cũng đang mở các cửa hàng vật lý (offline). Các khái niệm kết nối được mang một ý nghĩa mới, đó là qua áp dụng các công nghệ kỹ thuật số, các nhà bán lẻ đang thay đổi những trải nghiệm mua sắm trở nên phù hợp hơn với lối sống của người tiêu dùng.

VECOM cũng đưa ra nhận định là ranh giới giữa bán hàng online và offline đang bị xóa nhòa. Trước đây, người tiêu dùng thường có thói quen ra các cửa hàng bán lẻ để xem, dọ giá sản phẩm... rồi mua hàng; còn giờ đây, không chỉ ra cửa hàng trải nghiệm sản phẩm, họ còn lên mạng so sánh giá, tìm kiếm những chương trình ưu đãi/giảm giá..., sau đó mới đưa ra quyết định. Do đó, các nhà bán lẻ dù đang kinh doanh theo hình thức online hay offline đều phải chú ý tới sự thay đổi hành vi tiêu dùng này, theo đó, các chiến dịch truyền thông sản phẩm sẽ phải quan tâm tới cả hai hệ thống kinh doanh này.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Giám đốc tiếp thị và TMĐT của thương hiệu giày Juno, cho rằng khi đưa các giải pháp online vào bán lẻ, điều quan trọng là ngay từ đầu phải rõ ràng với khách hàng về chương trình bán hàng ưu đãi, khuyến mãi...; thông điệp gửi tới người tiêu dùng nhất định phải minh bạch.

Cũng vậy, các nhà cung cấp giải pháp kinh doanh trực tuyến cũng cho rằng các doanh nghiệp bán lẻ, các chủ cửa hàng kinh doanh online... cần quan tâm đến việc đầu tư cho cả hệ thống offline. Cần xây dựng, tạo nội dung cho trang web kinh doanh trực tuyến thật tốt, giúp khách hàng truy cập nhanh, trả lời khách hàng kịp thời... Nếu tích cực đầu tư, gia tăng tương tác qua lại giữa hai hệ thống kinh doanh online và offline, doanh nghiệp sẽ tạo cảm giác trải nghiệm sản phẩm ở cả hai hình thức kinh doanh tốt như nhau.

Mô hình kinh doanh O2O có thể bao gồm các dịch vụ trực tuyến, thông qua nhiều kênh truyền thông khác nhau (trang web, mạng xã hội...) nhằm thu hút một lượng khách truy cập trang web bán hàng hoặc tăng doanh thu tại cửa hàng bán lẻ (online to offline). Hoặc đó là các hoạt động bán hàng trong thực tế (tại cửa hàng) để tạo ra lưu lượng truy cập trên trang web bán lẻ của doanh nghiệp hoặc phát sinh doanh thu trực tuyến (offline to online).

Mô hình này cho phép doanh nghiệp kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa hai thế giới online và offline, đưa ra một hình thức thương mại tạo sự thu hút, tăng cường trải nghiệm một cách tốt nhất cho người tiêu dùng.

Tăng cường truyền thông online

Theo nhận định của ông Huỳnh Lâm Hồ, Giám đốc điều hành Công ty Haravan (đơn vị cung cấp nền tảng kinh doanh trực tuyến), các doanh nghiệp có thể kết hợp nhiều giải pháp online vào hoạt động bán hàng để thúc đẩy doanh thu, ví dụ như đẩy mạnh truyền thông trên các kênh Facebook, Zalo, Youtube... Đồng thời, khi triển khai hệ thống bán hàng online tốt thì hệ thống cửa hàng offline cũng phải sẵn sàng đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách hàng.

Nói về cách thức truyền thông - quảng cáo sản phẩm trên mạng, ông Nguyễn Tiến Huy chia sẻ thêm, trên môi trường kỹ thuật số (mạng xã hội, trang web, diễn đàn mạng...) ngày càng có nhiều thông tin nên người tiêu dùng trở nên kén chọn hơn. Do đó, khi triển khai các chương trình tiếp thị, doanh nghiệp cần nhớ làm nội dung càng ngắn càng tốt, và nên chú trọng nhiều tới hình thức video vì đây là thứ được quan tâm hơn so với các mẩu quảng cáo dưới hình thức hình ảnh hoặc có nhiều chữ.

Theo ghi nhận từ các chuỗi bán lẻ như FPT Shop, Thế Giới Di Động..., hoạt động truyền thông trên trang web bán hàng, có những lúc dù không đem về các đơn hàng trực tuyến nhưng đã giúp cho doanh nghiệp có thêm lượng khách hàng ghé thăm các cửa hàng, mua sắm sản phẩm... Với các công nghệ giao tiếp kỹ thuật số hiện nay, mô hình O2O sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động bán hàng trên cả hai “mặt trận” online và offline.

o2o tang suc manh ban le Thị trường thương mại điện tử thế giới bước vào 'thời kỳ trăng mật'

Trong bối cảnh người tiêu dùng mất dần hứng thú với việc mua sắm tại các cửa hàng truyền thống, thị trường thương mại điện ...

o2o tang suc manh ban le Cuộc chiến bán lẻ vẫn đầy kịch tính

Walmart, một trong những nhà bán lẻ hàng đầu thế giới, vừa công bố mức tăng trưởng 63% của doanh số bán hàng trực tuyến ...

o2o tang suc manh ban le Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt đạt kỷ lục 5 năm

Niềm tin của người tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong Q2/2017 – điều này đã giúp Việt Nam trở thành quốc gia ...

Chí Thịnh