|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ổ bánh mì giá 2,3 triệu đồng bán trong nhà hàng vừa đạt sao Michelin

14:24 | 07/06/2023
Chia sẻ
Đây là nhà hàng duy nhất tại TP HCM nhận sao Michelin trong đợt này.

Tối 6/6, Michelin Guide đã công bố danh sách những nhà hàng Việt đạt sao Michelin, đó là 4 nhà hàng tại Hà Nội và TP HCM, gồm: Anan Saigon, Gia, Hibana by Koki và Tầm Vị.

Trong đó, Anan Saigon là nhà hàng Việt Nam duy nhất được vinh danh tại giải thưởng Asia’s 50 Best Restaurants (50 nhà hàng tốt nhất châu Á) năm 2022 vừa công bố hồi tháng 4/2023.

Tô phở, bánh mì có giá 100 USD

Anan Saigon được thành lập bởi đầu bếp Peter Cuong Franklin, từ tháng 4/2017 tại TP HCM. Peter Cuong Franklin lớn lên ở Mỹ, được đào tạo tại Le Cordon Bleu (Bangkok). Ông đã làm việc trong các nhà bếp danh tiếng trên khắp thế giới và mở nhà hàng của riêng mình ở Hong Kong và sau đó chuyển về Việt Nam với dự án kinh doanh Anan Saigon. 

 Peter Cuong Franklin. (Ảnh: Zing News).

Tại Anan Saigon, các món ăn đều có giá khá cao so với mặt bằng chung. Đơn cử, thực đơn nếm thử Saigon Tasting Menu với 10 món có giá 68 USD/người và Chef's Tasting Menu với 12 món có giá khoảng hơn 100 USD/người.

Riêng Phở chỉ bán lúc 18h có giá 100 USD tức khoảng 2,3 triệu đồng. Hay trước đó nhà hàng này cũng khiến giới phê bình phải ngạc nhiên khi bán chiếc bánh mì với cùng giá 100 USD.

“Thật khó để nói đầu bếp Peter Cuong Franklin là một gã điên hay thiên tài”, trang Vice hồi năm 2017 nhận xét. 

 Mức giá đồ ăn tạiAnan Saigon. (Nguồn: Ảnh chụp màn hình).

Cũng dễ hiểu khi mọi người cho là điên rồ với mức giá đó bởi thu nhập trung bình của người dân TP HCM thời điểm ấy là 200 USD/tháng. Trong khi bánh mì lại là món ăn đường phố nổi tiếng ở Việt Nam, người ta có thể dễ dàng mua nó với giá chưa tới 1 USD.

Để so sánh, một chiếc bánh mì có giá bằng nửa thu nhập một tháng, nếu áp dụng ở Manhattan thì nó sẽ có giá 5.500 USD (nơi có mức lương trung bình 11.000 USD/tháng). Một con số quả là điên rồ.

Song, Anan Saigon vẫn thu hút được thực khách.

“Thực tế, chúng tôi có thể bán nó cho những khách hàng tại Sài Gòn. Và sau đó, chúng tôi cũng thu hút khách hàng tại những nơi khác ghé thăm”, đầu bếp nói. “Người ta thực sự tò mò muốn thử chiếc bánh mì này”.

 Chiếc bánh mì giá 100 USD. (Ảnh:Michelin).

Đầu bếp Peter Cuong Franklin cho biết ông bắt đầu với sốt mayonnaise có nấm bên trong và phết một lớp lên cả hai mặt của bánh mì rồi đặt lên vỉ nướng. 

"Bạn có thể ăn nó như một món ăn độc lập và nó rất ngon. Sau đó, chúng tôi thêm một lớp pa-tê. Chúng tôi đang sử dụng pa-tê của một người Pháp sản xuất trên Đà Lạt. Tôi phết nó trên cả hai mặt của chiếc bánh”, ông nói.

Ngoài ra, chiếc bánh mì này còn có thêm thịt lợn được chế biến theo phương pháp nấu sous-vide, về cơ bản là nấu chậm trong một túi kín chân không ở nhiệt độ chính xác, trong sáu giờ. Ngoài ra, nó còn có thêm 4 miếng gan ngỗng, mỗi miếng 40 gram được áp chảo cho đến khi chín.

“Chiếc bánh mì 100 USD là một ví dụ điển hình cho nỗ lực thay đổi và nâng tầm ẩm thực của tôi. Chiếc bánh mì có sự cân bằng hoàn hảo giữa độ ngon của thịt lợn cùng với các loại thảo mộc tươi và ớt cay, tất cả được bọc trong một chiếc bánh mì giòn, nhẹ và ấm. 

Bằng sự chăm chỉ và khéo léo, người Việt Nam có thể làm món bánh mì thơm ngon này với giá khoảng 20.000 đồng (khoảng 1 USD). Bánh mì truyền thống đã có ảnh hưởng mạnh mẽ của Pháp với thịt nướng và bánh baguette, vì vậy chúng tôi đã tạo ra một sản phẩm trị giá 100 USD bằng cách làm cho bánh mì trở nên Pháp hơn nữa bằng cách thêm gan ngỗng áp chảo và nấm cục đen vào bánh mì”, ông Peter Cuong Franklin chia sẻ.

“Món ăn cao cấp có thể chỉ là tô bún chả ngoài đường”

Anan Saigon nằm bên cạnh khu chợ cũ Tôn Thất Đạm (TP HCM). Chia sẻ về vị trí đặt nhà hàng, ông Peter Cuong Franklin cho biết: “Nhiều người nghĩ tôi mất trí bởi họ cho rằng tôi mở nhà hàng cao cấp tại khu chợ truyền thống thì sẽ không ai đến, vì nó không an toàn và còn bẩn nữa.

Và đúng là chúng tôi không có nhiều khách vào thời gian đầu. Phải mất khoảng 6 tháng để mọi người hiểu thêm về món ăn của chúng tôi và những gì chúng tôi đang làm. Và từ đó nhiều người bắt đầu đến nhà hàng hơn”.

“Nếu bạn muốn trở thành người thay đổi cuộc chơi, bạn phải sẵn sàng chấp nhận rủi ro và đôi khi chịu đòn”, ông nói thêm.

Ông Peter Cuong Franklin cho rằng khái niệm nhà hàng cao cấp đã thay đổi rất nhiều, không chỉ dừng lại ở những chiếc khăn trải bàn đẹp, những người phục vụ với đồng phục chuẩn chỉnh. 

“Món ăn cao cấp có thể chỉ đơn giản là tô bún chả ngoài đường, miễn là nó được nấu ngon với sự cẩn thận và chú tâm nhất định”, người đầu bếp này chia sẻ.

Chí Dũng

Xu hướng tín dụng các ngân hàng đang thay đổi: Tăng bán buôn hay mở rộng bán lẻ?
Trong bối cảnh nhu cầu tín dụng yếu, các ngân hàng đang tìm mọi cách thay đổi để phát triển quy mô cho vay của mình. Nhiều nhà băng chọn tập trung đẩy mạnh bán buôn trong khi một số lại muốn phát triển những mảng không phải thế mạnh của mình.