Nông sản Việt xuất khẩu đối mặt nhiều rào cản
|
Theo ông Herb Cochran - cố vấn Phòng Thương mại Mỹ tại VN (Amcham), 15% thực phẩm tiêu dùng của Mỹ được nhập khẩu từ hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ. Số ca ngộ độc thực phẩm tại nước này hàng năm cũng khá lớn khi có tới 48 triệu người Mỹ (chiếm tỉ lệ 1/6) bị ngộ độc hàng năm, 128.000 người phải nhập viện và 3.000 người chết.
Để hạn chế rủi ro với người tiêu dùng, Mỹ đã đưa ra Luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm (ATTP) (FSMA) hoàn toàn mới, trong đó có những yêu cầu bắt buộc để phòng ngừa các nguy cơ từ thực phẩm không an toàn, các tiêu chí sản xuất an toàn bắt buộc để doanh nghiệp (DN) phải tuân thủ.
Chuyên gia Amcham tại Việt Nam cũng cho rằng, mặc dù những cảnh báo về dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản, thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ ít hơn nhiều so với trước kia. Tuy nhiên, gần đây nhiều cảnh báo của Bộ Thương mại Mỹ, cơ quan kiểm dịch thực phẩm Mỹ vẫn nêu hàng Việt Nam có nhiều nguy hại về sinh vật.
Đại diện phía Bộ KHCN cho rằng: “Các tiêu chí Global Gap, DN đáp ứng đã khó khăn rồi, hiện Mỹ mới thông qua một bộ Luật hiện đại hóa an toàn vệ sinh thực phẩm hoàn toàn mới, với rất nhiều tiêu chí về: bao bì, đóng gói, truy suất, kiểm dịch, lấy mẫu, giám định liên tục, ngặt nghèo... đối với hàng nhập từ thị trường bị cảnh báo. Điều này khiến cánh cửa hàng Việt sang Mỹ ngày càng eo hẹp, khắt khe".
Đồng quan điểm, bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội DN hàng VN chất lượng cao cho biết, các DN, cơ sở sản xuất nông sản Việt Nam thời gian qua mới chỉ quan tâm đến tiêu chuẩn Việt Nam, rất ít DN đáp ứng và coi Chứng nhận sạch toàn cầu Global Gap để làm tiêu chí xuất khẩu ra các thị trường quốc tế. Hiện EU và Mỹ đều có những luật vệ sinh an toàn thực phẩm cao hơn so với tiêu chuẩn của Global Gap, chính vì vậy việc không tuân thủ theo các quy chuẩn quốc tế, hàng nông sản, thực phẩm Việt rất khó có thể vào các thị trường cực kỳ tiềm năng là Mỹ, EU.
Trả lời câu hỏi các DN VN nên làm gì bây giờ, ông Herb Cochran cho biết: “Thời gian để tuân thủ các quy định mới là ngay bây giờ. Đối với DN VN, việc không tuân thủ quy định về ATTP là hàng rào lớn nhất cho các DN VN xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào Mỹ. Phía Amcham cam kết sẽ hỗ trợ Bộ NNPTNT để tiếp tục xuất khẩu thủy hải sản, đặc biệt là mặt hàng cá da trơn không bị gián đoạn”.
Để giúp các DN sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng đủ tiêu chí xuất khẩu trong quá trình hội nhập, bà Vũ Kim Hạnh cho rằng, các DN phải thay đổi quan niệm và cách thức tổ chức sản xuất chuỗi cung ứng của mình; trong đó, mỗi khâu đều có một tiêu chuẩn phòng ngừa rủi ro. Bên cạnh đó, giải pháp cần triển khai là từ người nông dân đến DN chế biến đều phải tuân thủ quy trình sản xuất nghiêm ngặt.
Bà Hạnh cho biết, Hội DN hàng VN chất lượng cao cũng đã lập ra một bộ tiêu chí mới “Hàng VN chất lượng cao chuẩn hội nhập”, đồng thời kiến nghị, các cơ quan quản lý của nhà nước phải nhanh chóng nghiên cứu quy định mới để có thể đáp ứng các tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu, hướng dẫn cụ thể cho DN.