|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nông sản phải là hàng hóa

12:19 | 26/07/2017
Chia sẻ
Cách đây hơn 30 năm, công cuộc đổi mới đất nước được đưa ra và ngay lúc đó đã giải quyết đúng vấn đề bức bách của nền kinh tế khi xác định đường hướng phát triển “kinh tế hàng hóa”. Thế nhưng 30 năm sau, những vấn đề của nền kinh tế thị trường vẫn chưa được giải quyết một cách căn cơ.
nong san phai la hang hoa
Khi nào nông sản chưa có đường lưu thông thì nông sản vẫn là... nông sản, thay vì phải là hàng hóa. Ảnh: TL

Tháng trước, trong lúc Hội nghị Trung ương 5 tiếp tục bàn thảo về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường thì bên ngoài hội trường, lời kêu gọi giải cứu đàn heo vang lên sau bao nhiêu cuộc giải cứu nông sản khác. Điều nghịch lý là trong khi giá heo hơi của nông dân giảm sâu thì giá thịt heo tại các quầy hàng ở chợ và siêu thị vẫn bình ổn một cách lạ thường. Nội dung trả lời chất vấn Quốc hội của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lúc bấy giờ chung quy vẫn là sự gia tăng quá nhanh đàn heo trong khi người tiêu dùng ngày càng có nhiều nguồn thực phẩm thay thế. Hay nói cách khác, đó là về kinh tế dự báo, về khâu chế biến hay chuỗi giá trị. Còn về vấn đề căn bản nhất của thể chế và chính sách trong nền kinh tế thị trường thì tiếp tục bị bỏ quên, đó là về thị trường.

Cho đến giờ này, tất cả các lý thuyết kinh tế học hiện đại đều khẳng định kinh tế thị trường không đơn giản là một thị trường. Nhưng kinh tế thị trường không thể là kinh tế thị trường khi điều kiện tiên quyết, giản đơn nhất là thị trường vẫn chưa định hình. Bao nhiêu năm qua, nông sản “được mùa mất giá, mất mùa trúng giá” là do nông sản chưa có một thị trường thật sự. Nói cách khác, không thể bỏ qua chuyện năng suất nhưng đừng quên chuyện lưu thông - phân phối, hay cụ thể hơn là thu mua và tiêu thụ. Đến khi nào nông sản chưa có đường lưu thông thì nông sản vẫn là... nông sản, thay vì phải là hàng hoá. Điều đó có nghĩa cho dù đã có hơn 30 năm trải nghiệm đi nữa thì việc làm sao để có được thị trường cho nông sản vẫn phải là vấn đề mấu chốt của kinh tế nông nghiệp. Nói như chuyên gia kinh tế Trần Ngọc Thơ (TBKTSG, số 28-2017), khi kinh tế thị trường chỉ là nền kinh tế thị trường lưỡng lự thì nền kinh tế đó sẽ tiếp tục phát sinh nhiều hệ luỵ.

Chúng ta đã từ con số không đến có thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, thậm chí là thị trường quyền chọn, thì chúng ta phải có thị trường đúng nghĩa cho nông sản. Nhà nước với vai trò người hoạch định chính sách, tạo dựng thể chế, phải là người xắn tay làm việc này trước hết. Có thể không đủ lý lẽ để bắt Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nhận lấy trách nhiệm, nhưng dẫu là bộ, ngành nào khác, thậm chí là Chính phủ, thì đó vẫn là việc phải làm nếu như chúng ta không muốn nông sản tiếp tục là... nông sản, sau hàng loạt cuộc giải cứu.

Trương Trọng Hiểu

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.