Nông sản hữu cơ, mạnh ai nấy làm
Loạn chứng nhận
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT), tính đến nay diện tích canh tác, nuôi trồng hữu cơ trên cả nước mới đạt hơn 76.000 héc ta, tập trung tại một số địa phương như Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Lâm Đồng…
Sản phẩm hữu cơ được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, tuy nhiên nông nghiệp hữu cơ còn nhỏ lẻ, tự phát, chưa có quy hoạch. Điều đáng nói, hiện nước ta vẫn chưa có hệ thống các tiêu chuẩn quốc gia, các tổ chức chứng nhận và khung pháp lý đồng bộ cho sản xuất, chứng nhận và giám sát chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ nên lòng tin của người tiêu dùng chưa được đảm bảo.
Thế nên mới có chuyện vào giữa năm 2016, Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam (VOA) đã ra Quyết định 48/QĐ-HHNNHCVN công nhận sản phẩm lúa của Công ty TNHH MTV Nông sản hữu cơ Quế Lâm vụ 2016 với quy mô 10 héc ta tại tỉnh Thừa Thiên Huế là lúa sản xuất theo “hướng hữu cơ” và đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Sự việc đã làm dấy lên lo ngại về việc tự phong cho sản phẩm hữu cơ
Thực tế, trên thị trường tràn ngập các sản phẩm nông nghiệp được giới thiệu, quảng bá và dán tem là hữu cơ như rau, thịt, gạo, sữa... Tuy nhiên, không phải sản phẩm nào cũng được chứng nhận mà có những sản phẩm do cơ sở “tự phong”, tự công bố khiến cho người tiêu dùng băn khoăn, lo lắng.
Hiện nay, trong nước có hai mô hình sản xuất sản phẩm hữu cơ là mô hình doanh nghiệp tư nhân và nhóm hộ nông dân. Doanh nghiệp tư nhân chủ yếu áp dụng các tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế (EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản) để sản xuất các sản phẩm phục vụ xuất khẩu và một phần tiêu thụ tại các thành phố lớn trong nước. Các nhóm hộ nông dân chủ yếu sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn của Hệ thống đảm bảo sự tham gia (PGS) và tiêu thụ tại thị trường nội địa. Các nhóm hộ này sản xuất dựa trên cơ sở tự nguyện, không có đơn đặt hàng tiêu thụ trước, chưa đăng ký để được chứng nhận bởi các tổ chức được chỉ định hay tổ chức chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế, do đó thị trường tiêu thụ sản phẩm còn nhiều bấp bênh, giá thấp do chưa nhận được sự tin cậy của người tiêu dùng trong nước.
Ông Trần Mạnh Chiến, Giám đốc chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm, cho hay chi phí để các tổ chức nước ngoài cấp chứng nhận sản phẩm hữu cơ mỗi năm tính ra khoảng 4.000 đến 5.000 đô la Mỹ. Trong khi đó, sản xuất trong nước còn rất manh mún, nếu chỉ mời tổ chức nước ngoài về chứng nhận cho khoảng 1 héc ta rau thì giá thành sẽ đội lên rất cao, sản phẩm kém cạnh tranh. Nhưng nếu áp dụng hệ thống PGS, hệ thống bảo đảm dựa vào sự tham gia của các tổ chức và con người có liên quan trực tiếp vào chuỗi cung cấp hữu cơ, thì sản phẩm lại không có giá trị pháp lý.
Hết thời tự phong
Thực tế, năm 2015, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã ban hành TCVN11041:2015 hướng dẫn sản xuất, chế biến, ghi nhãn và tiếp thị thực phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ, áp dụng cho sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi. Tuy nhiên, đến nay chưa hình thành hệ thống các tổ chức chứng nhận sự phù hợp của Việt Nam và chưa được các tổ chức quốc tế thừa nhận.
Theo đó, để phát triển nông nghiệp hữu cơ, theo Bộ NNPTNT, cần hoàn thiện hệ thống chính sách tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất, chế biến, chứng nhận chất lượng, thanh tra, giám sát liên quan đến nông nghiệp hữu cơ; giúp người tiêu dùng an tâm khi sử dụng các sản phẩm đã có chứng nhận và đạt tiêu chuẩn.
Tại Hội thảo đầu tuần này tại Hà Nội, ông Stephan Kunz, Phó giám đốc KIAG, cho hay nhu cầu thế giới đối với sản phẩm nông nghiệp hữu cơ rất lớn và đây là cơ hội cho nông sản hữu cơ Việt Nam. Tuy nhiên, để phát triển nông nghiệp hữu cơ, phải có hệ thống văn bản pháp lý canh tác hữu cơ và phải gắn với quá trình thực thi pháp luật. Đồng thời, hệ thống này phải phù hợp với trình độ hiểu biết của nông dân để họ có thể áp dụng được và phải phù hợp với các tiêu chuẩn hữu cơ tại các nước mà Việt Nam muốn xuất khẩu như châu Âu, Trung Quốc, Mỹ… Ngoài ra, phải đảm bảo lồng ghép mô hình PGS mà nông dân đang áp dụng vào văn bản pháp lý để sản phẩm sản xuất ra có thể vừa phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Đồng tình với quan điểm này, ông Võ Minh Khải, Tổng giám đốc Công ty Viễn Phú, công ty có sản phẩm đạt chứng nhận hữu cơ theo quy định của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (United State Department of Agriculture - USDA) do tổ chức Control Union cấp, cho biết nếu sản xuất nông sản hữu cơ hướng tới xuất khẩu thì điều quan trọng nhất, chứng nhận đó phải được sự chấp nhận lẫn nhau giữa các quốc gia. Nếu chúng ta tự xây dựng rồi tự chứng nhận sản phẩm hữu cơ nhưng không được các nước chấp nhận thì cũng không giải quyết được vấn đề gì. Đồng thời, hệ thống này phải rút kinh nghiệm từ chứng nhận VietGap để làm sao tạo được lòng tin thực sự cho người tiêu dùng.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) Nguyễn Nam Hải tại hội thảo trên cho hay, thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ phối hợp với Bộ NNPTNT để hoàn thiện tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ theo hướng dễ tiếp cận hơn với người sử dụng.
Theo đó, tiêu chuẩn này sẽ trước tiên phải được chấp nhận trong Cộng đồng kinh tế chung ASEAN và sau đó phải được các nước trên thế giới như Mỹ, EU, Nhật Bản, Úc chấp nhận. Khi đã xây dựng được tiêu chuẩn quốc gia về nông nghiệp hữu cơ thì phải làm sao thông tin được các tiêu chuẩn đó tới khách hàng bằng việc áp dụng mã vạch truy suất nguồn gốc và hệ thống này cũng phải dựa trên cơ sở dữ liệu quốc gia chứ không thể mỗi doanh nghiệp một cơ sở dữ liệu riêng.