Nông nghiệp công nghệ cao – thị trường đầu tư 'màu mỡ'
Vingroup, Thaco, FPT hay Hòa Phát,... là những doanh nghiệp đã chi hàng nghìn tỷ đồng cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Vingroup đã đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao với thương hiệu VinEco để trồng rau, quả sạch. |
Loay hoay với hình thức đầu tư
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang ngày càng có sự ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực kinh doanh, trong đó nông nghiệp được đánh giá là lĩnh vực có sự chuyển mình vượt trội nhất. Về quy trình sản xuất, nông nghiệp công nghệ cao có thể tự động hóa từ thu hoạch, bảo quản, vận chuyển, chế biến, ứng dụng điện toán đám mây để truy xuất nguồn gốc. Điều đó góp phần dần hình thành một nền nông nghiệp chính xác, tự động và năng suất cao.
Trước sự hấp dẫn của nông nghiệp công nghệ cao, nhiều DNNVV, đặc biệt là doanh nghiệp gia đình (DNGĐ) cũng đang “nhăm nhe” vào cuộc. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp đều loay hoay khi lựa chọn hình thức đầu tư. Nên đi trước đón đầu bằng cách mua lại một doanh nghiệp có sẵn hay phát triển tự thân?
Để trả lời câu hỏi này, các chuyên gia của chương trình CEO – Chìa khoá thành công trên VTV1 – Đài truyền hình Việt Nam đã tư vấn và đưa ra giải pháp. Đó cũng là nội dung chương trình số 50 với chủ đề: “DNGĐ – Tăng trưởng Organic hay M&A”. Chương trình phát sóng vào 10h chủ nhật ngày 15/04/2018. Anh Trần Hữu Đoàn - Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Cty Tư vấn & Giáo dục Gia Cát trong vai trò CEO.
Quan điểm trái chiều
Một DNGĐ chuyên sản xuất và kinh doanh thức ăn gia súc đã có bề dày hơn 20 năm, đã tự xây dựng được hệ thống phân phối trên cả nước. Tới nay, khi doanh nghiệp đã lớn mạnh, các thành viên HĐQT cùng đồng lòng mở rộng sản xuất kinh doanh các lĩnh vực tiệm cận như: Vắc xin, thuốc thú y,....
Tuy nhiên, khi CEO cho rằng doanh nghiệp nên mua lại một số Cty có nhu cầu mở rộng hoạt động để chiếm lĩnh thị trường, thì các cổ đông lại cho rằng, doanh nghiệp nên dựa vào nguồn lực sẵn có để từng bước mở rộng và phát triển. Để tìm ra lời giải phù hợp nhất cho doanh nghiệp của mình, CEO đã nhờ tới các chuyên gia của Chương trình.
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP.HCM, Tổng Giám đốc Cty Công Nghiệp Sài Gòn cho rằng, nếu mua lại một doanh nghiệp có sẵn, thì sự khác biệt về nhân sự, văn hóa,... sẽ là rào cản để thương vụ này đi đến thành công.
Trong khi đó, ông Johnathan Ooi, Phó Tổng Giám đốc PwC Việt Nam đưa ra 3 kich bản: Thứ nhất, với Organic, doanh nghiệp mất thời gian, nguồn lực tài chính nhiều hơn. Thứ hai, với M&A, doanh nghiệp chớp được thời cơ, nhưng gặp khó khăn về giải quyết nhân sự, thương hiệu, văn hóa doanh nghiệp. Thứ ba, doanh nghiệp có thể kết hợp giữa M&A và Organic.