|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nokia tái xuất, thách thức Samsung, Apple

07:17 | 06/12/2016
Chia sẻ
Thương hiệu điện thoại Nokia vang bóng một thời chuẩn bị trở lại bằng kế hoạch ra mắt dòng điện thoại thông minh (smartphone) và máy tính bảng , sẵn sàng thách thức các tên tuổi như Galaxy của Samsung hay iPhone của Apple.
nokia tai xuat thach thuc samsung apple
Các mẫu điện thoại cơ bản thương hiệu Nokia vẫn được người tiêu dùng yêu chuộng (Ảnh: Nokia.com)

Tái xuất smartphone thương hiệu Nokia

Theo hãng tin Reuters, hôm 1-12, Công ty thiết bị di động HMD Global (Phần Lan) ra thông cáo báo chí cho biết công ty này chính thức tiếp quản công việc kinh doanh điện thoại di động mang thương hiệu Nokia.

Theo thông cáo, trong nửa đầu năm 2017, bên cạnh việc tiếp tục duy trì mảng kinh doanh điện thoại cơ bản Nokia (chủ yếu sử dụng để nghe gọi, nhắn tin), HMD Global sẽ tái giới thiệu smartphone mang thương hiệu Nokia. Đây là tin vui đối với những ai đã “trót yêu” và trung thành với thương hiệu Nokia.

Ngoài ra, HMD Global sẽ tung ra thị trường máy tính bảng Nokia.

HMD Global cũng đã kí kết thỏa thuận hợp tác với FIH Mobile, một công ty con của tập đoàn Foxconn (Đài Loan); theo đó FIH Mobile sẽ chịu trách nhiệm sản xuất các máy tính bảng và điện thoại thương hiệu Nokia cho HMD Global.

Thông cáo báo chí của HMD Global cho biết smartphone của Nokia sẽ chạy hệ điều hành Android của Google và sẽ được thiết kế theo cách đơn giản, dễ sử dụng. HMD Global cam kết đầu tư 500 triệu đô la Mỹ trong ba năm tới để tiếp thị và bán các thiết bị mới mang thương hiệu Nokia.

Cạnh tranh trong một thị trường điện thoại động đã bão hòa sẽ không dễ dàng nhưng HMD Global tin rằng các khách hàng vẫn muốn thấy smartphone Nokia tái xuất. “Nokia là một trong những thương hiệu điện thoại có tính biểu tượng nhất và được nhận diện nhiều trên trên toàn cầu trong nhiều thập kỷ. Tái giới thiệu thương hiệu điện thoại uy tín, nổi tiếng và được nhiều người yêu chuộng này đến các khách hàng sử dụng smartphone là trách nhiệm và tham vọng chung của mọi người ở HMD Global”, ông Arto Nummela, Giám đốc điều hành của HMD Global, nói.

HMD Globlal thuộc sở hữu của quỹ đầu tư tư nhân Smart Connect LP. Tập đoàn công nghệ thông tin và truyền thông Nokia (Phần Lan) không nắm bất cứ cổ phần tại HMD Global. Tập đoàn này chỉ được hưởng tiền bản quyền thương hiệu Nokia trên mỗi chiếc điện thoại và máy tính bảng Nokia được bán ra.

Tập đoàn Nokia từng là nhà sản xuất điện thoại di động thống trị thế giới nhưng đã bị tụt lại trong cuộc đua trên thị trường smartphone. Nokia đánh rơi vị trí đầu bảng trên thị trường điện thoại di động vào tay Samsung vào năm 2012 sau khi những chiếc smartphone chạy trên hệ điều hành Symbian già cỗi của Nokia không còn được ưa chuộng. Sau đó, Nokia đã chọn hệ điều hành không phổ biến Windows Phone 7 của Microsoft để sản xuất dòng điện thoại thông minh Nokia Lumia nhưng tình hình kinh doanh vẫn bết bát. Năm 2014, Nokia bán lại mảng sản xuất và kinh doanh điện thoại cho Microsoft để tập trung nguồn lực cho mảng thiết bị mạng lưới di động. Tuy nhiên, Nokia vẫn giữ lại bản quyền thương hiệu Nokia đối với smartphone và chỉ cho phép Microsoft sử dụng thương hiệu Nokia cho các dòng điện thoại cơ bản trong trong vòng 10 năm.

Tháng 5-2016, Microsoft thông báo bán lại mảng kinh doanh điện thoại cơ bản Nokia cho HMD Global và FIH Mobile với giá 350 triệu đô la. Sau đó, HMD Global cũng kí được thỏa thuận với tập đoàn Nokia cho phép HMD Global sử dụng thương hiệu Nokia cho smartphone và máy tính bảng trong vòng 10 năm.

Lợi thế thương hiệu và kinh nghiệm quản lý

Dù Microsoft đầu tư rất ít để quảng bá thương hiệu Nokia trong những năm gần đây, thương hiệu này vẫn được người tiêu dùng chú ý nhờ ghi được dấu ấn ở dòng điện thoại cơ bản với các chức năng tối thiểu như nghe gọi và nhắn tin được bán chủ yếu ở châu Á và Đông Âu.

“Đối với một công ty mới như HMD Global, việc sở hữu một thương hiệu có uy tín có thể cung cấp cho nó cánh cửa thâm nhập ngay lập tức vào thị trường smartphone”, nhà phân tích điện thoại di động Ben Wood ở Công ty nghiên cứu thị trường CSS Insight, nhận định.

Wood cảnh báo các công ty sản xuất smartphone với thương hiệu yếu hơn không nên xem nhẹ thách thức mới đến từ các mẫu smartphone mang thương hiệu Nokia sắp được tung ra thị trường. Wood ghi nhận lợi thế của HMD Global là thương hiệu Nokia và kinh nghiệm của đội ngũ quản lý.

Hầu hết các lãnh đạo của HMD Global đều đã từng làm việc ở Nokia.

Ông Arto Nummela, Giám đốc điều hành của HMD Global, là một cựu lãnh đạo lâu năm ở tập đoàn Nokia. Ông gia nhập Nokia từ năm 1994 và phụ trách mảng kinh doanh và phát triển sản phẩm của Nokia. Florian Seiche, Chủ tịch của HMD Global, trước đây từng làm việc cho Siemens, HTC và Nokia. Giám đốc tiếp thị của HMD Global Pekka Rantala là “cựu binh” của Nokia và là cựu giám đốc điều hành của Công ty Rovio, nhà sản xuất game di động Angry Birds đình đám.

Trò chuyện với Reuters, ông Nummela không giấu diếm tham vọng khi nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi muốn trở thành một trong những đấu thủ cạnh tranh hàng đầu trên thị trường kinh doanh smartphone”. Chủ tịch của HMD Global nói: “Chúng tôi sẽ không bỏ qua bất cứ thị trường nào trong dài hạn”. Ông cho biết HMD Global đã thiết lập văn phòng ở 40 địa điểm trên khắp thế giới.

Apple, Samsung và hàng chục nhà sản xuất smartphone khác đang cạnh tranh khốc liệt nhưng HMD Global vẫn tin tưởng thương hiệu Nokia vẫn còn sức hấp đối với người tiêu dùng. “Người tiêu dùng có thể đang sử dụng các dòng smartphone khác nhau nhưng liệu họ có thực sự yêu chuộng và trung thành với các thương hiệu này hay không?”, ông Nummela nói trong cuộc trả lời phỏng vấn của Reuters.

Các điện thoại thương hiệu Nokia vẫn chiếm 1/10 tổng số lượng điện thoại cơ bản được tiêu thụ trên toàn cầu mỗi năm. Tuy nhiên, doanh số điện thoại cơ bản của Nokia đã sụt giảm mạnh đến 40% trong năm 2015. Giới phân tích nhận định HMD cần phải đảo ngược xu hướng này trong khi phải nỗ lực thâm nhập trở lại thị trường smartphone vốn đang chứng kiến cuộc cạnh tranh gay gắt.

Chánh Tài

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.