|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nội chiến '2 triệu tấn than', bảo hộ sản xuất hay kinh tế thị trường?

11:12 | 19/07/2017
Chia sẻ
Cả 2 tập đoàn kinh tế khổng lồ của Nhà nước là Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản và Tập đoàn Điện lực vẫn chưa có tiếng nói chung về đề nghị giảm mua 2 triệu tấn than của EVN.

Một trong những vấn đề rất được quan tâm tại cuộc họp báo thường kỳ 6 tháng đầu năm 2017 của Bộ Công Thương (BCT) đó là câu chuyện Tập đoàn Điện lực (EVN) đề nghị giảm mua 2 triệu tấn than của Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản (Vinacomin-TKV).

Vinacomin kêu khó

Vào tháng 5/2017, EVN đã có văn bản đề nghị giảm lượng than mua của TKV xuống còn 17,92 triệu tấn tức giảm 2 triệu tấn so với kế hoạch, để mua than của 2 đơn vị ngoài Tổng công ty than Đông Bắc.

noi chien 2 trieu tan than bao ho san xuat hay kinh te thi truong

Nhận được thông tin này, ông Lê Minh Chuẩn – Chủ tịch Hội đồng Thành viên TKV cho biết, trong tổng số 9,3 triệu tấn than tồn kho hiện nay, có khoảng 7-7,5 triệu tấn là tồn kho chiến lược mang tính chất dự trữ cho nền kinh tế. Tuy nhiên, khi tồn kho vượt định mức nói trên thêm khoảng 1,5 đến 2 triệu tấn sẽ gây khó khăn cho ngành.

Theo tính toán của Chủ tịch Vinacomin, với 2 triệu tấn EVN đang không muốn mua từ tập đoàn, cộng thêm 2 triệu tấn sản xuất tăng để đảm bảo tăng trưởng GDP 6,7% năm nay theo chỉ đạo của Thủ tướng, tổng mức tồn kho của Vinacomin sẽ trên 13 triệu tấn và gây khó khăn cho TKV cân đối được về mặt tài chính.

Riêng việc EVN ngừng mua 2 triệu tấn than của Vinacomin, ông Đặng Thanh Hải – Tổng Giám đốc TKV nhận định nếu tính theo năng suất lao động bình quân của TKV năm 2016 thì có tới khoảng 4.000 lao động mất việc làm, tương đương với một mỏ than hầm lò bị đóng cửa.

TKV cho biết thêm việc cắt giảm sản lượng sẽ gây thiệt hại cho Tập đoàn vì đã ký nhiều hợp đồng với các đối tác để thực hiện kế hoạch từ đầu năm 2017 như: hợp đồng thuê máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, hợp đồng vận chuyển, hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng mua sắm vật tư,…

Trong năm 2017, TKV dự kiến sản xuất 35,5 triệu tấn than, tiêu thụ 36 triệu tấn tăng 1 triệu tấn so với tiêu thụ năm 2016; trong đó, tiêu thụ trong nước đạt trên 34 triệu tấn và xuất khẩu 2 triệu tấn than. Kế hoạch là như vậy, nhưng riêng việc EVN giảm mua đến 2 triệu tấn than khiến TKV đã khó khăn trong việc xử lý than tồn kho; mà kế hoạch xuất khẩu 2 triệu tấn than hiện nay thì TKV cũng chỉ mới xuất khẩu được 719.000 tấn trong 6 tháng đầu năm nay.

Hơn nữa, theo báo cáo kết quả phát triển công nghiệp 6 tháng đầu năm gần đây, BCT nhận định ngành khai khoáng sẽ tiếp tục còn gặp khó. Đơn cử như khai thác dầu khí sẽ gặp khó do mùa gió chướng; ngành than gặp khó do nhu cầu thị trường còn thấp, xuất khẩu gặp khó do giá thành cao…

Không chỉ có Vinacomin mà cả Công ty TNHH MTV 397 – Tổng công ty Đông Bắc (Bộ Quốc Phòng) cũng gặp khó trong tồn kho than. Hiện nay cả 2 doanh nghiệp này vẫn tồn dư đến 10,2 triệu tấn than. Điều này không những gây ảnh hưởng tới tình hình tài chính các doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng tới đời sống của khoảng 10 vạn công nhân mỏ.

Ai cũng khó, ai sẽ giúp ai?

Không chỉ có ngành than khó mà ngành điện cũng tăng trưởng thấp. Báo cáo kết quả phát triển công nghiệp 6 tháng đầu năm của BCT cho thấy chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành 6 tháng tăng 6,2% nhưng vẫn thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2016 là 1 điểm % (cùng kỳ năm 2016 là 7,2%) nguyên nhân chủ yếu là do ngành khai khoáng sụt giảm và ngành điện tăng thấp.

Được biết vào cuối năm 2016, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có cam kết năm 2017 thu mua 23 triệu tấn than trong nước. Cụ thể, EVN sẽ cần khoảng 26 triệu tấn than, trong đó sẽ có hơn 23 triệu tấn là than nội địa, còn lại là nhập khẩu.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Khắc Thọ - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Năng lượng (BCT) năm 2017 EVN dự kiến sẽ phải nhập khẩu khoảng 4 triệu tấn than cho sản xuất điện và sẽ tăng dần lên khoảng 70 triệu tấn vào năm 2030.

Đối với EVN, than cũng là nguyên liệu đầu vào quan trọng trong việc sản xuất điện cho nên giá than cũng ảnh hưởng nhiều tới giá điện từ đó ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của EVN.

Do vậy, với việc tăng trưởng thấp hơn dự tính cộng với việc giá than của TKV cung cấp tăng cao, EVN đã chính thức đề nghị giảm mua 2 triệu tấn than của TKV xuống còn 17,92 triệu tấn để mua than của 2 đơn vị ngoài Tổng công ty than Đông Bắc.

Ngoài ra, EVN cũng nằm trong quy hoạch của ngành điện, theo đó ngành điện đang điều chỉnh giảm bớt nguồn nhiệt điện than và tăng tỷ lệ các nguồn năng lượng sạch và năng lượng tái tạo (như điện gió, mặt trời…); đồng thời Bộ Công thương và các cấp có thẩm quyền cũng cho phép nhiều doanh nghiệp được phép trực tiếp nhập khẩu than để tăng cường tính cạnh tranh lành mạnh, tuân thủ quy luật của thị trường hàng hóa.

Không chỉ có EVN, ngay cả Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) cũng muốn giảm lượng than mua của TKV, đẩy mạnh nhập khẩu than nước ngoài. Cũng giống như TKV, khi dự báo của Bộ Công Thương cho ngành dầu khí cũng sẽ tiếp tục gặp khó khăn do mùa gió chướng.

Trong số các nhà máy nhiệt điện than do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư, các nhà máy sử dụng than trong nước là Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Vũng Áng 1 và Thái Bình 2, ba nhà máy sử dụng nhiên liệu than nhập khẩu lớn là NMNĐ Long Phú 1 (công suất 1.200MW), Sông Hậu 1 (công suất 1.200MW) và Long Phú 3 (công suất 1.800MW). Ba nhà máy nhiệt điện có tổng nhu cầu sử dụng than khoảng 12 triệu tấn/năm.

Cũng vào cuối năm 2016, PVN và PV Power đã thống nhất các nội dung và tiến tới ký kết hợp đồng nguyên tắc cung cấp than nhập khẩu cho các nhà máy sử dụng than nhập khẩu của PVN.

Đại diện của đơn vị này cũng cho biết, PV Power đã tìm hiểu, hoàn thành đàm phán với 7 đối tác cung cấp than quốc tế và các chủ mỏ than để ký hợp đồng khung, cung cấp khoảng 15 triệu tấn than/năm. Ngay cả việc cung cấp than cho NMNĐ Vũng Áng 1, PV Power Coal cũng đã ký MOU với Công ty Siberian Anthracite (SA) về hợp tác cung ứng than anthracite nhập khẩu từ Nga.

Chính phủ muốn tuân thủ quy luật thị trường hay bảo hộ sản xuất?

Lý do quan trọng khiến EVN giảm mua 2 triệu tấn than xuất phát từ giá bán than thành phẩm cao của TKV. Về vấn đề này, TKV cũng đã có giải thích vấn đề giá than trong nước tăng, ông Hải cho biết nguyên nhân chủ yếu là do khai thác ngày càng xuống sâu và xa hơn làm tăng cung độ vận chuyển, tỷ trọng than hầm lò thay đổi từ 44% năm 2011 lên tới 60% năm 2016 và dự kiến còn tăng, trong khi áp lực mỏ ngày một lớn; cùng với đó là suất đầu tư tăng làm tăng chi phí khấu hao và lãi vay, chính sách thuế và phí tăng nhanh tạo sức ép lên giá thành than của ngành.

Đối với vụ việc này, quan điểm chung của Bộ Công Thương là vừa đảm bảo các nguyên tắc về thị trường, đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh, vừa phải đảm bảo đúng định hướng, chiến lược phát triển ngành năng lượng quan trọng của đất nước, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ EVN và TKV phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và theo đúng cơ chế thị trường, quan trọng là giá than phải cạnh tranh theo thị trường.

Với EVN, giá than cao sẽ đẩy giá điện tăng thì rõ ràng sẽ kéo theo giá cả của các sản phẩm khác, chi tiêu của người dân cũng tăng…Tương tự như vậy, không chỉ ngành điện mà các doanh nghiệp sản xuất phân bón cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi giá than, chỉ tính riêng 4 nhà máy sản xuất phân bón (đây là 4 trong 12 Dự án tồn đọng đang xử lý) thì riêng chi phí than nguyên liệu đầu vào để sản xuất phân bón đã chiếm từ 56 đến 60% trên tổng giá thành sản phẩm.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải lại nhấn mạnh song song với tuân thủ quy luật thị trường, 2 bên cần phải đảm bảo ưu tiên cho việc sản xuất trong nước. Điều này không đơn thuần chỉ là vấn đề kinh doanh giữa 2 công ty mà nó còn liên quan đến đời sống của 113.000 công nhân lao động.

Với TKV, ở đây không chỉ đơn thuần là việc sản xuất kinh doanh mà còn là đời sống của 113.000 người lao động và gia đình, người thân của họ. Đó cũng là một điều quan trọng, đáng được lưu tâm.

Do vậy, Bộ Công Thương cùng các Bộ, ngành và các cơ quan chức năng luôn phải dựa trên tinh thần cố gắng hài hòa giữa các nguyên tắc thị trường, lợi ích người lao động và hoạt động hiệu quả của TKV, EVN nói riêng và doanh nghiệp nói chung.

Về các giải pháp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng yêu cầu TKV cần rà soát lại 30 văn phòng, chi nhánh đại diện, 47 công ty thành viên bởi chi phí hành chính cho bộ máy hiện rất lớn; chủ động phối hợp với các địa phương chống khai thác, vận chuyển, kinh doanh than lậu; quan tâm hơn nữa tới đời sống của 50.000 thợ mỏ trên cả nước.

Để tháo gỡ khó khăn trước mắt cho TKV, Bộ Tài chính đề xuất Bộ Công Thương điều chỉnh kế hoạch xuất khẩu than giai đoạn 2017 - 2020 từ 2 triệu tấn/năm lên 3 - 4 triệu tấn/năm.

Trong khi đó, mức thuế nhập khẩu đang áp dụng với một số mặt hàng than ở mức 0%, trong khi cam kết của Việt Nam với WTO sắc thuế này được thu tối đa 5%. Vì vậy, trong ngắn hạn, để giảm lượng than tồn kho của TKV, tháo gỡ khó khăn cho ngành than, Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét tăng thuế nhập khẩu than từ 0% lên 3% hoặc 5%

Đồng thời để giúp cho các doanh nghiệp cắt giảm được chi phí, phát triển thị trường, cạnh tranh có hiệu quả với các sản phẩm nhập khẩu cũng như đẩy mạnh được xuất khẩu, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, trong thời gian đến cuối năm, Bộ sẽ đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thông qua các chính sách về thuế, phí...

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lưu ý: “Chúng ta thực hiện theo kinh tế thị trường nhưng cũng phải đảm bảo sản xuất trong nước, có trách nhiệm bảo vệ một tập đoàn lớn có truyền thống lâu đời như Vinacomin, nếu không sẽ ảnh hưởng đến 4.000 lao động tập đoàn”.

Huy Lê