'Nói BOT không ảnh hưởng đến người nghèo là không hiểu bản chất vấn đề'
Tài xế trả tiền lẻ phản đối trạm thu phí BOT bất hợp lý. Ảnh: Zing |
Thời gian vừa qua, vụ việc tài xế dùng tiền lẻ để phản đối trạm thu phí BOT không còn là vấn đề cục bộ, mang tính địa phương mà trở thành vấn đề nóng của toàn xã hội. Nguyên nhân chủ yếu là do các tài xế không đồng ý với giá vé quá cao của các trạm BOT và cho rằng, một số trạm BOT đặt sai vị trí.
Ngày 7.9, phát biểu tại một buổi tọa đàm khoa học, ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho rằng, phí BOT không ảnh hưởng đến người nghèo.
"Người dân nghèo dùng xe máy thì đã được miễn phí qua trạm BOT, vì vậy không bị ảnh hưởng gì(?!)" - ông Kiên nói.
Phát biểu này ngay lập tức vấp phải làn sóng chỉ trích, phản đối của người dân cũng như các chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực giao thông.
Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội - cho biết: “Nói BOT không ảnh hưởng đến người nghèo là không thỏa đáng, không hiểu bản chất vấn đề. Bởi BOT hiện đang ảnh hưởng theo kiểu dây chuyền đối với nhiều người kể cả giàu hay nghèo".
Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội. |
Theo ông Liên, việc đầu tư BOT là chủ trương đúng. Khi đó, người dân được đi trên những con đường chất lượng tốt, tốc độ nhanh, đỡ tốn xăng dầu, không khí trong sạch.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, hoạt động BOT không minh bạch, làm méo mó chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người, kể cả người nghèo lẫn người giàu.
"BOT chúng ta đã nói quá nhiều nhưng bây giờ vẫn phải làm hội thảo, phải tham gia ý kiến với Chính phủ. Phát biểu BOT không ảnh hưởng đến người nghèo không khác gì nói tăng thuế VAT không gây tác động đến người nghèo của Bộ Tài chính. Mọi người nghèo hay giàu đều phải chi cho những nhu cầu và hàng hóa thiết yếu hàng ngày" - ông Bùi Danh Liên phân tích.
Ông Liên dẫn bằng chứng là việc các trạm BOT chủ yếu được đặt ở cao tốc nên không thể đi xe máy, bên cạnh đó xe máy cũng chỉ là phương tiện đi lại trong phạm vi gần, không thể đi xa.
Chính vì vậy người dân giàu hay nghèo muốn đi xa phải đi ôtô, dù ôtô cá nhân hay ôtô khách đều phải trả phí BOT.
"BOT tác động lên toàn xã hội, làm tăng chi phí vận tải, kéo theo tăng chi phí hàng hóa. Đây là tác động dây chuyền", ông Liên khẳng định.
Trước đó, trao đổi với Báo Lao Động, TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, cho biết dự án BOT số 1 vay vốn của Ngân hàng Thế giới để xây dựng, người dân đã đóng chi phí xăng dầu, đường bộ, nên việc thu phí ở tuyến quốc lộ này không hợp lý.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/