|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nợ công phình to có thể buộc Fed phải nâng bảng cân đối kế toán lên hơn 16.000 tỷ USD, giúp cổ phiếu hưởng lợi

10:37 | 04/07/2023
Chia sẻ
Theo giám đốc điều hành của một công ty quản lý quỹ, nợ công tăng cao trong những năm tới sẽ buộc Fed phải mua lại một lượng lớn trái phiếu chính phủ, khiến bảng cân đối kế toán phình to.

Trong bài viết trên tờ Financial Times, ông Michael Howell, Giám đốc điều hành của công ty quản lý quỹ Crossborder Capital, dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ phải từ bỏ kế hoạch thắt chặt định lượng (QT).

Thay vào đó, ông Howell nói ngân hàng trung ương Mỹ sẽ quay trở lại với chiến lược nới lỏng định lượng (QE). Thị trường chứng khoán sẽ được hưởng lợi trong quá trình này. 

Khi thực hiện QE, Fed sẽ mua một lượng trái phiếu chính phủ hoặc các chứng khoán nợ khác trên thị trường, làm tăng cung tiền và cung cấp thanh khoản cho các ngân hàng. 

“Bởi vậy, các nhà đầu tư nên mong đợi về một đợt bơm thanh khoản mới, thay vì lo ngại về những thách thức nghiêm trọng [tương tự như] năm ngoái. Những động lực này sẽ tốt cho cổ phiếu, nhưng kém tích cực hơn đối với các nhà đầu tư trái phiếu”, ông Howell nhận định.

Theo vị giám đốc, bất chấp những dự báo về tình trạng cạn kiệt vốn sắp tới, chu kỳ thanh khoản đã qua đáy và sẽ có xu hướng đi lên trong những năm tới. 

Cổ phiếu thường có xu hướng đi lên khi Fed QE và đi xuống khi QT.

Ông Howell lưu ý rằng vào đầu năm nay, Fed và các ngân hàng trung ương khác đã bơm thanh khoản vào hệ thống tài chính toàn cầu khi cuộc khủng hoảng ngân hàng xảy ra. “Nhưng trong những năm tới, các ngân hàng trung ương có thể sẽ phải giải cứu cả những chính phủ đang nặng nợ”, ông cảnh báo. 

Theo vị chuyên gia này, cứ 8 USD luân chuyển trên thị trường thì có khoảng 7 USD được sử dụng để đảo nợ. Trong phần tiền còn lại, một tỷ lệ ngày càng lớn đang được các chính phủ lấy ra để chi tiêu, làm gia tăng thâm hụt ngân sách quốc gia.

Ông Howell giải thích rằng nợ nần tăng lên khi các nền kinh tế phát triển phải đối mặt với áp lực mở rộng chi tiêu công để đầu tư cho quân sự và khắc phục những thay đổi trong cơ cấu nhân khẩu học. 

“Trong một thế giới nợ nần chồng chất, các ngân hàng trung ương cần sở hữu bảng cân đối kế toán lớn. Bởi vậy, hãy quên QT đi, QE đang trở lại”, ông nhận định. “Thanh khoản toàn cầu - hiện chúng tôi ước tính vào khoảng 170.000 tỷ USD - sẽ không giảm đáng kể trong tương lai gần”.  

Theo ước tính của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ, số trái phiếu Kho bạc mà Fed nắm giữ sẽ phải tăng lên 7.500 tỷ USD vào năm 2033, so với 5.000 tỷ USD hiện tại. 

Tuy nhiên, ông Howell cho rằng dự báo này là quá thấp. Ông viết: “Những con số thực tế chỉ ra rằng lượng trái phiếu Kho bạc mà Fed cần nắm giữ phải đạt ít nhất là 10.000 tỷ USD. Từ con số này, bảng cân đối kế toán trị giá 8.500 tỷ USD hiện nay sẽ phải tăng gấp đôi và thanh khoản của Fed sẽ tăng trưởng hai con số trong vòng vài năm tới”. 

Cả Nhật Bản và Trung Quốc đều đang có xu hướng giảm nắm giữ trái phiếu Kho bạc Mỹ. 

Không có nhiều lựa chọn thay thế cho QE. Theo ông Howell, các chính phủ bị ràng buộc bởi một số yêu cầu chi tiêu bắt buộc, chẳng hạn như các khoản chi cố định. Đồng thời, mức thuế hiện tại cũng không thể được đẩy lên cao hơn nữa. 

Trong khi đó, căng thẳng địa chính trị có thể sẽ làm giảm nhu cầu của Trung Quốc đối với trái phiếu từ Washington. Đồng thời, các hộ gia đình và quỹ hưu trí của Mỹ sẽ yêu cầu mức lãi suất trái phiếu cao hơn, làm trầm trọng thêm thâm hụt và vấn đề nợ nần. 

Minh Quang