|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Những thủ đoạn lừa tài xế Grab của hành khách bất lương

12:06 | 18/04/2018
Chia sẻ
Vay khoản tiền nhỏ, mượn điện thoại, giả vờ là người quen của tài xế chỉ là 3 trong vô số chiêu trò lừa đảo mà bọn bất lương áp dụng để lừa tài xế xe ôm.

Hành khách mặc quần áo bảnh bao để giăng bẫy tài xế

Vay tiền của tài xế là chiêu trò khá phổ biến, nhưng một số tài xế vẫn mắc bẫy. Tuấn Anh, một thanh niên ở Hà Nội, là một ví dụ.

"Hôm ấy tôi chở khách đến phố Lò Đúc thì gặp một thanh niên tại đó. Anh ta yêu cầu tôi chở đến đường Hàm Tử Quan. Đến nơi, anh ta bảo tôi đổi 500.000 đồng. Tôi nói tôi không có đủ tiền nên anh ta vay 200.000 đồng. Vị khách nói anh ta vào một nhà để trả đồ rồi quay ra đề về luôn. Sau khi lấy tiền, anh ta vào ngõ rồi biến mất. Tôi hỏi người dân xung quanh thì họ nói kẻ đó đã lừa vài tài xế Grab theo cách thức tương tự. Buổi sáng hôm ấy tôi chỉ kiếm được 130.000 đồng và hắn lừa tôi 200.000 đồng", Tuấn Anh kể.

Phạm Khải, một tài xế ở Hà Nội, kể chuyện một đồng nghiệp của anh mắc lừa một vị khách mặc rất đàng hoàng.

"Đó là một nam giới có khối lượng khoảng 80 kg, chiều cao 165 cm, đeo dây mỹ ký rất to trên cổ. Anh ta vẫy xe của cậu bạn tôi chứ không đặt qua ứng dụng, yêu cầu chở từ đường Hoàng Đạo Thúy tới bệnh viện 354 ở phố Đội Cấn. Trên đường, người đàn ông nói anh ta ở trong một chung cư ở Hoàng Đạo Thúy. Tới nơi, anh ta bảo cậu bạn tôi chờ một lát. Khi quay ra, vị khách béo nói anh ta thiếu 387.000 để mua thuốc cho con nên muốn vay tài xế. Cậu bạn tôi đưa cho anh ta 400.000 đồng. Anh ta bước vào bệnh viện rồi biến mất", Khải kể.

nhung thu doan lua tai xe xe om cua hanh khach bat luong
Đa số kẻ lừa đảo vẫy tài xế Grab trên đường, chứ không đặt cuốc xe qua ứng dụng. Ảnh: Nhạc Dương

Không chỉ vay tiền, nhiều kẻ lừa đảo còn cả gan mượn cả điện thoại của tài xế. Nguyễn Tâm, một tài xế ở Hà Nôi, kể rằng vào lúc 17h30 chiều 15/4, anh nhận một cuốc xe từ ngõ 34 phố Phương Mai tới một chung cư ở phố Mai Tuấn Anh. Khách là một thanh niên mặc khá bảnh bao. Đến nơi, khách lấy hóa đơn rồi yêu cầu Tâm chở tới tòa Keangnam để anh ta lấy vài đồ đạc trên đó rồi chở anh ta về. Tới nơi, vị khách bảo Tâm xuống hầm để gửi xe rồi cùng anh ta lên công ty của anh ta lấy hàng. Nhưng đến tầng hai của tòa nhà, khách bảo Tâm chờ anh ta ở đó vì sếp của công ty không cho phép người lạ vào văn phòng, rồi hỏi mượn 500.000 đồng (để bỏ vào phòng bì biếu sếp) cùng điện thoại. Thấy anh ta đáng tin, Tâm cho anh ta mượn tiền và điện thoại.

"30 phút sau, không thấy bóng dáng khách, tôi mượn điện thoại của một nhân viên bảo vệ để gọi tới số điện thoại của tôi thì không liên lạc được. Lúc ấy tôi mới nghĩ hắn là kẻ lừa đảo. Tôi chạy khắp nơi để tìm hắn nhưng không thấy. Sau đó tôi nhờ nhân viên bảo vệ kiểm tra camera an ninh và thấy hắn bước vào thang máy", Tâm nói.

Khi Tâm tới đồn công an Mễ Trì để trình báo, một cảnh sát nói với anh rằng khá nhiều tài xế mắc lừa thủ đoạn tương tự ở tòa nhà Keangnam.

Kẻ lừa đảo có thể là người già, sản phụ, người tàn tật

Cảnh giác với người bình thường, nhưng nhiều tài xế không đề phòng người tàn tật, già hoặc có vẻ nghèo khổ.

"Hôm 30/1, một người đàn ông cụt nửa chân, lớn tuổi vẫy tôi ở đoạn Cầu Bươu (Hà Đông, Hà Nội) để về thị trấn Văn Điển. Sau khi chạy khoảng 2 km, ông ta bảo tôi dừng xe trước một hiệu thuốc để mua thuốc giảm đau, đồng thời vay tôi 120.000 đồng rồi nói tới nhà ông ta sẽ trả", Đặng Ngọc Tuấn, một tài xế Grab, kể.

Song khi vị khách bước ra, Tuấn sửng sốt khi thấy ông ta mua xi lanh và nước cất. Người đàn ông bảo Tuấn chở tới một chỗ kín ở gần Bệnh viện K rồi bước vào đó. Lúc này Tuấn mới hiểu ông ta vào đó để chích ma túy. Biết không thể đòi tiền ông ta, Tuấn lặng lẽ phóng đi.

"Vài hôm sau, vô tình chở khách qua Hà Đông, tôi lại thấy ông già cụt chân lừa một tài xế Grab khác", Tuấn kể.

Vũ Xuân Học, một tài xế Grab sống ở đường Cộng Hòa, TP Hồ Chí Minh, thừa nhận anh hiếm khi đề phòng phụ nữ lừa đảo. Một lần, nhận yêu cầu của một phụ nữ vừa sinh con, anh tới địa chỉ của khách để đưa cô ta tới chợ. Sau khi vào chợ khoảng 15 phút, người phụ nữ quay ra với một túi rau và một túi trái cây rồi treo vào móc trên xe của Học. Tưởng khách sẽ về luôn, Học định quay đầu xe thì cô ta hỏi vay 300.000 đồng để mua thêm thực phẩm.

"Do cô ta đã treo hai túi đồ trên xe, và cũng không nghi ngờ phụ nữ mới sinh con nên tôi đáp ứng yêu cầu của cô ta. Chừng 30 phút sau, không thấy cô ta quay ra, tôi đã chột dạ, nhưng vẫn hy vọng cô ta không phải là người xấu. Chờ thêm 15 phút nữa, tôi chạy vào chợ để tìm nhưng không thấy cô ta đâu nữa", Học nói.

nhung thu doan lua tai xe xe om cua hanh khach bat luong
Đối tượng lừa đảo tài xế Grab có thể là những hành khách mặc trang phục sang trọng, nhưng đôi khi họ cũng là thai phụ, người già, người tàn tật. Ảnh: Nhạc Dương

Bùi Quang Hòa, một sinh viên chạy Grab, cũng gặp tình huống tương tự, nhưng người lừa anh là một phụ nữ mang thai.

"Cô ta thuê tôi chở từ phố Lê Thanh Nghị sang đường Trường Chinh để mua hàng. Khi tới một ngõ ở đường Trường Chinh, cô ta nhờ tôi cầm túi xách để cô ta vào nhà bên trong ngõ. Sau đó cô ta quay ra, nói rằng thiếu 200.000 đồng nên bảo tôi cho vay, rồi về nhà cô ta sẽ trả. Vì tôi đang cầm túi xách của khách nên tôi không nghĩ cô ta sẽ lừa. Khoảng 20 phút sau, không thấy nữ hành khách quay ra, tôi vào ngõ tìm thì cô ta đã biến mất. Khi lục túi xách, tôi chỉ thấy một cuốn sách cũ và chút vải vụn", Hòa kể.

Lợi dụng tài xế để lừa người khác

Một số kẻ lừa đảo còn tạo ra kịch bản lắt léo để tài xế xe ôm trở thành một phần trong cái bẫy của chúng. Phan Minh Hoàng, một tài xế hay tìm khách ở bến xe Mỹ Đình, Hà Nội, từng gặp một sự việc hy hữu khi đứng ở đường Nguyễn Hoàng (gần bến xe Mỹ Đình). Một người đàn ông yêu cầu anh chở tới khu chung cư Mon City tại đường Hàm Nghi để lấy máy điều hòa. Trong quá trình di chuyển, vị khách chỉ vào một ngôi nhà và nói đó là nhà của anh ta.

"Người đàn ông đó nói với tôi: Lát nữa em dẫn người chở máy điều hòa tới nhà này giúp anh nhé", Hoàng kể.

Khi Hoàng và khách tới Mon City, anh thấy một người đàn ông chở hai máy điều hòa. Vị hành khách yêu cầu người đàn ông đặt một máy điều hòa ngay tại đó, rồi chở máy còn lại theo Hoàng tới ngôi nhà kia.

"Lúc đến ngôi nhà, chúng tôi mới biết đó không phải là nhà của vị hành khách kia. Quay trở lại Mon City, chúng tôi không thấy anh ta và máy điều hòa nữa. Lúc ấy ông chở điều hòa mới bảo là gã đó đặt mua hai máy điều hòa nhưng chưa trả tiền, cũng không đặt cọc. Ông lão chở máy điều hòa gọi điện thoại cho chủ cửa hàng bán máy điều hòa, đồng thời nhờ tôi làm chứng rằng ông bị lừa. Khoảng 10 phút sau, chủ cửa hàng lái một xe 7 chỗ tới và khóa luôn xe tôi lại. Lúc ấy tôi chỉ lo họ sẽ đánh tôi vì nghĩ tôi là đồng phạm với kẻ lừa đảo. May mắn thay, chủ cửa hàng tin lời tôi nên đã cho tôi 50.000 đồng để bù đắp cho thời gian mà tôi chờ đợi", Hoàng nói.

Nhạc Dương