|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Những startup bên trong các tập đoàn

08:18 | 13/06/2018
Chia sẻ
Những nhà quản trị khôn ngoan đang tìm nhiều phương cách mới để mang sự sáng tạo và tốc độ vào hệ sinh thái doanh nghiệp truyền thống.

Phillip Honovich trải qua ngày làm việc giống như bất cứ nhân viên nào ở một công ty startup. Anh thử nghiệm phần mềm, bận rộn với khách hàng và hợp tác cùng nhóm đồng nghiệp gồm chín thành viên tại một văn phòng thuộc khu khởi nghiệp công nghệ ở New York.

Nhưng Phillip lại không làm việc cho một công ty khởi nghiệp. Anh là một trong 10.000 nhân viên của MasterCard. Hãng này đã tuyển dụng chàng trai 25 tuổi, từng có ý định làm việc cho một doanh nghiệp trẻ hoặc mở công ty riêng sau khi tốt nghiệp đại học.

Nhóm của anh có nhiệm vụ xây dựng một ứng dụng gọi là ShopThis – cho phép mọi người mua sản phẩm trực tiếp từ một tạp chí kỹ thuật số mà không phải rời khỏi trang. Và đây chỉ là một trong số hàng chục công ty “mini” hoạt động bên trong văn phòng ba tầng của MasterCard Labs. “Cảm giác khi làm việc ở đây không khác gì tại một công ty startup”, Phillip Honovich nói.

Mang sự sáng tạo và tốc độ vào môi trường doanh nghiệp truyền thống

Ngày nay, không chỉ có các công ty khởi nghiệp nhỏ, năng động mới tạo ra những ý tưởng mới. Các công ty lớn, lâu đời hơn vẫn có thể và buộc phải ưu tiên đổi mới sáng tạo để duy trì khả năng cạnh tranh.

Ngày càng có nhiều công ty lớn từ GE, IBM, Toyota cho đến Coca-Cola, Pizza Hut… học theo mô hình của các công ty khởi nghiệp – họ đưa những phòng nghiên cứu thí nghiệm và các bộ phận khác vào công ty để thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo.

nhung startup ben trong cac tap doan
Tổng số chương trình vườn ươm khởi nghiệp bên trong các doanh nghiệp lớn của Mỹ đã lên đến con số 700, theo viện nghiên cứu chính sách Brookings Institution.

Những nhà quản trị khôn ngoan đang tìm nhiều phương cách mới để mang sự sáng tạo và tốc độ vào hệ sinh thái doanh nghiệp truyền thống.

Theo thông tin của Công ty tư vấn New Markets Advisors, hơn phân nửa các công ty Fortune 500 hiện sở hữu một dạng chương trình vườn ươm tăng tốc nào đó trong ít nhất một ngành kinh doanh của công ty. Và tổng số chương trình vườn ươm khởi nghiệp bên trong các doanh nghiệp lớn của Mỹ đã lên đến con số 700, theo viện nghiên cứu chính sách Brookings Institution.

Ngoài ra, các tổ chức lớn cũng có thể tối đa hóa tiềm năng sáng tạo bằng cách hợp tác với những công ty khởi nghiệp cơ động hơn, có thể thử nghiệm một cách hiệu quả và dám thất bại trong những môi trường bất ổn, không giống như các tập đoàn lớn thường ngại rủi ro. Chẳng hạn, các ngân hàng lớn có thể hợp tác với những công ty fintech để phát triển và thử nghiệm sản phẩm với khách hàng.

Những tập đoàn lớn cũng có nhiều cách khác để đón nhận sự đổi mới sáng tạo như tiến hành các dự án thử nghiệm ý tưởng, tổ chức các sự kiện “crowdsourcing” (hình thức giao công việc cho một cộng đồng hoặc một nhóm người) và xây dựng những nhóm đổi mới sáng tạo bên trong công ty.

GE đã tuyển 500 chuyên gia để huấn luyện các quản trị viên đón nhận những khái niệm như chấp nhận mạo hiểm và học từ thất bại. Tập đoàn thức ăn nhẹ Mondelez thì gửi các giám đốc thương hiệu của họ vào làm việc trong các công ty startup đối tác để học cách “vận hành kiểu startup”.

Thu hút các nhà khởi nghiệp tiềm năng

Ngoài lý do muốn trở nên cơ động hơn, các doanh nghiệp lớn cũng muốn khám phá và “quyến rũ” những nhà khởi nghiệp mới. Theo tác giả, nhà tương lai học James Canton, nhiều người trẻ tài năng thuộc thế hệ 8X-9X ngày nay thích làm việc cho một công ty khởi nghiệp hơn là một tập đoàn truyền thống.

“Các công ty lớn có khuynh hướng thuê người quản lý (manager) chứ không thuê người khám phá (explorer)”, David Butler, Phó chủ tịch phụ trách đổi mới sáng tạo của Coca-Cola nói. “Bạn bảo họ hãy làm cái này và tiếp tục làm cái kia, chứ không phải là khám phá ra cách làm mới. Trong khi các công ty đang trong giai đoạn đầu phát triển thì chỉ tuyển những người chuyên khám phá”.

Từng là một nhà khởi nghiệp và đồng tác giả của quyển “Designed to Grow: How Coca-Cola Learned to Combine Scale & Agility” (Bằng cách nào Coca-Cola đã học cách kết hợp quy mô và sự cơ động), David Butler là đầu tàu của Coca-Cola trong nỗ lực huấn luyện các nhà quản lý của họ thành người khám phá.

Họ tạo ra những kế hoạch kinh doanh gói gọn trong một trang thay cho mấy bài thuyết trình PowerPoint dài lê thê. Họ phát triển những mô hình sản phẩm tối giản một cách nhanh chóng, không tốn kém để thử nghiệm những giả định của mình.

Thương hiệu nước giải khát này cũng hợp tác với các nhà khởi nghiệp bên ngoài công ty để phát triển ý tưởng có thể giúp giải quyết những vấn đề, thách thức mà Coca-Cola gặp phải.

Chẳng hạn Wonolo là một ứng dụng kiểu Uber dành cho nhân sự tạm thời – những người có thể nhanh chóng bổ sung hàng cho các điểm bán lẻ đang hết hàng. Với một thương hiệu như Coca-Cola, việc hết hàng và cung cấp chậm trễ là một thách thức có thể gây thiệt hại lớn.

Theo Garry Lyons, người đứng đầu về sáng tạo đổi mới của MasterCard, khi hợp tác với những doanh nghiệp lớn, các nhà khởi nghiệp có cơ hội thành công lớn hơn, ít chịu rủi ro về mặt tài chính và cá nhân hơn.

Các công ty như MasterCard có thể cung cấp cơ sở hạ tầng, nhân lực, tài chính và sự bảo chứng thương hiệu để mở ra những cánh cửa. “Đó còn là động lực được làm điều gì đó thú vị, đồng thời có thể tiếp cận đến uy tín thương hiệu và mạng lưới của chúng tôi. Nó cũng giống như doanh nghiệp riêng của họ bên trong những bức tường của chúng tôi”.