|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Những người rời công sở đi 'buôn coin'

22:42 | 18/03/2018
Chia sẻ
"Chốt một lệnh lời lỗ vài trăm triệu thì đầu óc đâu nữa mà đi làm", đó là tâm lý chung của những người nghỉ việc sau khi đổ tiền tỷ đầu tư tiền mã hóa, hay còn gọi là "trade coin".

Ngồi ở quán cà phê, đưa tay vuốt màn hình smartphone theo dõi biến động giá, chốt lời, tái đầu tư... đó là một ngày "lao động tự do" của Thế Dinh, 26 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM, kể từ lúc anh nghỉ làm văn phòng.

Một cú lời bằng lương cả năm

Trước khi bước chân vào lĩnh vực tiền số, Dinh từng là lập trình viên cho công ty công nghệ lớn tại Việt Nam. Tuy có mức lương trên 1.000 USD mỗi tháng, nhưng sự bất mãn trong công việc khiến Dinh tìm tới nguồn thu nhập khác. Anh từ lâu đã mong thoát khỏi công việc hiện tại.

"Trước khi nghỉ việc vài tháng cũng là lúc cryptocurrency (tiền số) phát triển mạnh mẽ nên tôi quyết định tìm hiểu. Ban đầu tôi chỉ trông chờ nó đem lại khoảng thu nhập bị động, nhưng càng đầu tư tôi lại càng không thể rút ", Dinh chia sẻ.

"Tôi gặp nhiều lời ngăn cản từ vợ con và gia đình. Tương lai của tiền số thật sự không ai biết được, le lói, mong manh. Trong một cuộc họp quan trọng của công ty, tôi phải 'chốt lời' tiền số trên smartphone. Trong 10 phút ngắn ngủi, quyết định sai lầm khiến tôi mất 200 triệu đồng. Quá cay cú, tôi quyết định thôi việc, dành nhiều thời gian hơn để học hỏi cách trở thành trader (người giao dịch)", Thế Dinh kể.

nhung nguoi roi cong so di buon coin
Người giao dihcj tiền số (trader) có thể làm việc ở mọi nơi, mọi lúc.

Theo Dinh, công việc của một trader có thể bắt đầu bất cứ thời gian nào mà họ muốn và bất cứ ở đâu. Họ có thể thực hiện giao dịch từ sáng đến tối, ở nhà, ở quán cà phê. Lệnh mua bán được chốt thông qua ứng dụng trên di động.

Chính yếu tố không gò bó không gian khiến nhiều người sẵn chán nản với công việc hiện tại có "động lực" đưa ra quyết định thôi việc trở thành trader.

Bên cạnh đó, khi đã bỏ quá nhiều vốn liếng, lời lỗ tính bằng chục triệu, trăm triệu thì họ không thể tập trung mà hoàn thành công việc hiện tại nữa. "Một lệnh trade bằng cả năm làm việc thì tâm trí đâu mà làm nữa", Dinh nói.

May mắn chiếm 40%

Để trở thành một trader tiền số, nhà đầu tư bắt buộc phải có kiến thức phân tích kỹ thuật nếu không muốn gặp phải những thất bại cơ bản. "Trước lúc nghỉ việc tôi có khoảng thời gian dài tham gia và học hỏi kinh nghiệm kỹ thuật trong phân tích crypto", Dinh nói thêm.

Ngoài nắm vững những kỹ thuật phân tích biểu đồ, tìm được nguồn tin nhanh, chính xác cũng là yếu tố quan trọng quyết định thành bại của một giao dịch.

P.Hiển, ngụ quận 2, TP.HCM, từng là chủ một doanh nghiệp xuất nhập khẩu với thu nhập hàng tháng 200 triệu đồng, cũng đã bỏ công việc để trở thành trader. "Mỗi tháng tôi chi từ 0,1 - 0,2 bitcoin để mua những tín hiệu về các đồng coin trên mạng. Phần lớn được bán trong các nhóm Telegram", Hiển chia sẻ.

Nắm trong tay kỹ thuật và nguồn tin tốt, thế nhưng những thông tin này không phải lúc nào cũng chính xác. "Chúng có một lượng sai số nhất định về thời gian và mức lợi nhuận. Vì vậy ngoài các yếu tố chủ quan thì may mắn chiếm khoảng 40% khả năng thành bại", anh Hiển nói thêm.

Bí quyết sống còn: Nhanh và lì đòn

Phạm Xuân, một cô gái đôi mươi trong khoảng thời gian nghỉ công việc cũ, nhận thấy thị trường tiền số hấp dẫn đã quyết định tham gia. "Khó khăn của một trader nữ là tâm lý không vững được như nam giới. Đôi lúc hành động khá cảm tính khiến tôi thường xuyên mắc phải những sai lầm trong giao dịch. Đặc biệt là không nhanh tay chốt lệnh được như phái nam. Vì vậy mất khá lâu mới có thể làm quen với công việc này", Xuân chia sẻ.

"Tham gia trader khoảng một năm khiến tôi dần xem nhẹ đồng tiền. Khi lời nhiều, tôi tiêu nhiều vì nghĩ làm ra tiền quá dễ. Khi lỗ, tôi cùng tiêu nhiều vì nghĩ không đáng gì với phần tiền mình đã mất", Xuân nói.

nhung nguoi roi cong so di buon coin
"Vật bất ly thân" của một trader chuyên nghiệp chính là chiếc điện thoại. Nó thậm chí được gắn lên xe máy để có thể "trade mọi lúc mọi nơi"

Khi được hỏi "nỗi sợ lớn nhất của một trader là gì?", cả ba nhân vật trên đều có chung câu trả lời: sợ mất hết tất cả, không còn vốn.

"Vì mất rồi cũng sẽ có lại, quan trọng là đừng mất hết. Vì vậy tôi không bao giờ đầu tư hết tiền vào một dự án", Hiển nói.

Ranh giới giữa được và mất trong lĩnh vực mới mẻ này khá mong manh. Ngay cả những trader có niềm tin mãnh liệt nhất vào tiền số cũng không thể đoán được họ sẽ còn tiếp tục kiếm tiền được bao lâu.

"Cá nhân tôi chắc trade thêm vài ba năm nữa rồi kiếm cái gì đó ổn định để làm. Mặc dù tôi tin tiền số sẽ là một cuộc cách mạng mới trong tiền tệ, giúp con người thanh toán dễ dàng hơn nhưng tôi không biết khi nào điều đó mới trở thành sự thật", anh Hiển nhận định mơ hồ về tương lai của tiền số.

"Bất kỳ lĩnh vực nào cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Những người mới tham gia nên tìm hiểu thật kỹ trước khi bắt đầu. Luôn luôn chuẩn bị tâm lý mất trắng hàng trăm triệu đồng mới có thể tham gia giao địch tiền số được", Thế Dinh nói.

Tại Việt Nam, nhiều người đầu tư tiền số thường đổ tiền vào những sàn lớn như Binance, Bitfinex hoặc nhỏ hơn như Remitano. Cùng với đó, họ cũng đầu tư vào những dự án gây quỹ dưới hình thức ICO. Tuy nhiên, cả hai hình thức đầu tư này đều có rủi ro.

Đầu 2018, sàn Coincheck ở Nhật Bản bị hacker cuỗm lượng tiền số trị giá hơn 500 triệu USD. Trong khi đó, số lượng dự án ma sau khi ICO thành công đã "bỏ của chạy lấy người" là không thể đếm xuể.