Những hàng hóa ít lợi nhuận nhất trong nửa đầu năm 2017
Đâu là những hàng hóa ít lợi nhuận nhất trong nửa đầu năm 2017? (Ảnh minh họa) |
Tổng doanh thu từ các giao dịch hợp đồng hàng hóa của 12 ngân hàng hàng đầu thế giới, như Goldman Sachs hay JPMorgan Chase & Co, giảm tới 41% còn 1,3 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm nay, Bloomberg trích số liệu của công ty phân tích dữ liệu Coalition Development cho biết.
Điển hình là Goldman Sachs, với doanh thu từ mảng hàng hóa chỉ đạt khoảng 95 triệu USD trong quý I, ghi nhận quý tồi tệ nhất trong gần hai thập kỷ qua. Goldman Sachs vốn ngân hàng lớn nhất thế giới về doanh thu từ mảng kinh doanh hàng hóa trong năm 2016.
Trong khi Goldman Sachs vẫn cố bám trụ với mảng hàng hóa thì nhiều ngân hàng đối thủ như JPMorgan, Morgan Stanley và các ngân hàng châu Âu như Deutsche Bank và Barclays đều đã rút khỏi mảng này.
Theo Coalition, mảng hàng hóa của các ngân hàng này kém lợi nhuận chủ yếu do giá năng lượng, như điện và khí đốt, giảm.
Cũng theo Bloomberg, Chỉ số Hàng hóa Bloomberg, một chỉ số cho biết lợi nhuận của giới đầu tư từ 22 nguyên vật liệu thô, không biến động nhiều trong năm nay. Trong đó, đường, khí đốt tự nhiên và dầu thô là ba trong số những mặt hàng tạo ra ít lợi nhuận nhất.
“Chúng tôi nhận thấy hiện không có nhiều biến động trong việc định giá hàng hóa. Trong bối cảnh này, các ngân hàng gặp nhiều khó khăn để có thể tạo ra lợi nhuận từ mảng đầu tư vào hàng hóa. Thực sự rất khó để lợi nhuận từ mảng này có thể phục hồi từ mức hiện tại,” ông George Kuznetsov, Giám đốc nghiên cứu tại Coalition nói.
Doanh thu từ mảng hàng hóa của các ngân hàng liên tục giảm trong vài năm gần đây do quy định quản lý ngày càng bị thắt chặt, biến động giá thấp, thương mại độc quyền bị hạn chế và các khách hàng (là các quỹ đầu tư mạo hiểm) giảm đầu tư.
Ngoài các ngân hàng đã nêu trên, nghiên cứu của Coalition cũng bao gồm một số ngân hàng khác như Societe Generale, UBS và HSBC. Tuy nhiên, Coalition không tính tới các ngân hàng của Australia, Canada và các nền kinh tế mới nổi vì sự hiện diện của họ trong mảng hàng hóa là rất lớn.