Những dự án 'chết' ngay ở cửa ngõ trung tâm Sài Gòn
Hai "hàng xóm" cùng chôn chân ngay mặt tiền đường Điện Biên Phủ, khúc gần nút giao thông Ngã 4 Hàng Xanh, Bình Thạnh - Ảnh: Danh Phú. |
Gần đây, hàng loạt những dự án tọa lạc ở nhiều vị trí thuộc hàng hiếm có khó tìm ngay trung tâm Sài Gòn bị “bêu tên điểm mặt” do làm xấu bộ mặt thành phố.
Lãnh đạo TP.HCM vừa qua cũng đã chính thức họp bàn để tìm ra lời giải cho sự chậm trễ thi công ở ba dự án lớn gồm Saigon One Tower, SJC Tower và Lavenue Crown.
Chánh văn phòng UBND TP.HCM ông Võ Văn Hoan cho biết, các dự án nói trên từ khi được cấp phép đã lâm vào tình trạng ngưng trệ làm xấu xí bộ mặt của TP.HCM. Tuy nhiên, lãnh đạo Thành phố cho biết hiện các đơn vị chức năng của Thành phố đang tích cực để triển khai nhanh, sẵn sàng cho việc triển khai cũng như hoàn thiện các dự án.
Ngoài các dự án thuộc hàng hot trên thì rải rác khắp các quận huyện tại TP.HCM vẫn còn hàng loạt dự án khác ở trong tình trạng không biết ngày nào “về đích”.
Dưới đây là một số dự án mặc dù không sở hữu những vị trí hàng đầu nhưng cũng khá đắc địa nhưng nhiều năm qua vẫn đứng “chết” chưa thấy lối thoát.
Cặp “hàng xóm” cùng chết
Nếu ai di chuyển trên đường Điện Biên Phủ hướng ra ngã tư Hàng Xanh sẽ dễ dàng bắt gặp hai toàn cao ốc văn phòng đứng trơ bộ khung xám xịt.
Một là dự án cao ốc văn phòng và căn hộ cao cấp DB Tower toạ lạc tại số 141-143-145 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh.
DB Tower do Công ty TNHH Thương mại & Đầu tư Cận Viễn Đông làm chủ đầu tư có quy mô xây dựng 3 tầng hầm và 22 tầng cao. Theo thiết kế trước đây chủ đầu tư công bố, dự án có 3 tầng hầm dành cho bãi đậu xe, từ tầng trệt đến tầng 14 là khu vực văn phòng cho thuê, tầng 15 đến tầng 22 là khu căn hộ gồm 76 căn.
Công trình được khởi công xây dựng từ năm 2010 đến giữa năm 2012 đã đổ xong phần sàn thô và dừng thi công cho đến nay.
Hai ông "hàng xóm" cùng chôn vốn nhiều năm nay - Ảnh: Danh Phú. |
Nằm ngay sát bên DB Tower là một dự án cao ốc khác mang tên V_Ikon do Công ty TNHH Việt Thuận Thành đầu tư. Dự án nằm trên hai mặt tiền đường là Điện Biên Phủ và Phan Chu Trinh nối dài.
Tòa nhà có quy mô xây dựng gồm 4 tầng hầm và 26 tầng cao, diện tích văn phòng cho thuê khoảng 11.000 m2. Dự án được thiết kế độc đáo với hình tượng chữ V cao 125,8m, tượng trưng cho tên của chủ đầu tư là Việt Thuận Thành.
Mặc dù đã bắt đầu lắp kính từ giữa năm 2013 nhưng đến nay công trình vẫn chưa thể hoàn thiện để đưa vào sử dụng do khát vốn.
Hoàn thiện nhưng vắng bóng người
Cách hai dự án trên khoảng vài cây số, bên phía kia cầu Sài Gòn cũng có một dự án khác nằm trong danh sách đen trên thị trường bất động sản, đó là dự án PetroVietnam Landmark.
Khác với các dự án trên, dự án này có hoàn cảnh éo le khi đã hoàn thiện xong nhưng lại không có người lai vãng do lùm xùm pháp lý.
PetroLandmark là tổ hợp khu chung cư cao cấp, trung tâm thương mại, văn phòng tọa lạc tại phường An Phú, quận 2, TP.HCM do Công ty Cổ phần Bất động sản và Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC Land) làm chủ đầu tư.
Dự án được xây dựng với 4 block căn hộ cao từ 17 – 21 tầng cung ứng khoảng 418 căn hộ. Giá bán khởi điểm ban đầu tại dự án khoảng 23,8 triệu/m2, nhưng sau đó hạ xuống còn 15,5 triệu/m2. Theo hợp đồng, đến tháng 12/2011, chủ đầu tư phải bàn giao xong nhà cho khách hàng.
Tuy nhiên, khi dự án đã xây dựng được khoảng 80% thì bỗng dưng ngừng thi công và trùm mền liên tiếp trong nhiều năm do chủ đầu tư ngập trong nợ. Và từ đây hành trình đòi nhà của hàng trăm khách hàng cũng bắt đầu.
Dự án dù đã hoàn thiện nhưng cư dân không thể dọn về ở - Ảnh: Danh Phú. |
Mới đây, ngày 24/2/2017, TAND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 52/2017/QĐ-MTTPS mở thủ tục phá sản đối với PVCLand, chủ đầu tư dự án. Quyết định này dựa trên yêu cầu của người mua căn hộ bởi chủ đầu tư mất khả năng trả nợ.
Đây được xem là trường hợp hi hữu của thị trường địa ốc khi chính khách hàng mua căn hộ tại dự án yêu cầu toà án mở thủ tục phá sản đối với chủ đầu tư vì khách hàng đã thanh toán tiền (có trường hợp đã đóng hơn 100% giá trị căn hộ) nhưng nhà thì không giao mà tiền thì cũng không được trả lại.
Hiện dự án đã được sơn phết hoàn thiện nhưng hoàn toàn vắng bóng người, xung quanh đó là hàng loạt dự án lớn nhỏ cùng khu Đông liên tiếp mọc lên, chào đón cư dân về sinh sống.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), tính riêng TP.HCM hiện có khoảng 500 dự án ngừng triển khai.
Trong kiến nghị mới gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, HoREA cho rằng nợ xấu có liên quan mật thiết đến thị trường bất động sản và các ngành có liên quan đến bất động sản. Nợ xấu cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến có nhiều dự án bất động sản "trùm mền", dở dang.
Hiệp hội cho biết đã nhiều lần đề nghị sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản để cho phép chuyển nhượng dự án để giải quyết tình trạng nhiều dự án bất động sản bị ngừng triển khai và coi việc chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng một phần dự án là hoạt động kinh doanh bình thường giữa các nhà đầu tư với nhau.