|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhu cầu nhập khẩu tôm của Trung Quốc tiếp tục tăng

14:35 | 14/09/2016
Chia sẻ
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến 15/8/2016, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 263,7 triệu USD, tăng 35,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trung Quốc hiện đang được coi là thị trường thay thế tiềm năng trong bối cảnh xuất khẩu tôm sang các thị trường truyền thống của Việt Nam sụt giảm.

Xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc bắt đầu hồi phục trong quý IV/2015 sau khi giảm liên tiếp trong 3 quý đầu năm 2015 và duy trì được đà tăng cho đến tháng 8/2016.

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ tôm sú lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 70%. Ngày 15/12/2015, lệnh cấm nhập khẩu tôm sú sống vào Trung Quốc chính thức được dỡ bỏ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng xuất khẩu mặt hàng này.

Năm 2015, tỷ trọng tôm sú xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc gấp đôi so với tôm chân trắng. Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu tôm sống, tươi, đông lạnh từ Việt Nam, chiếm khoảng 95% tổng xuất khẩu tôm sang thị trường này.

6 tháng đầu năm nay, tỷ trọng tôm sú Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc gấp 1,6 lần so với tôm chân trắng.

VASEP cũng dẫn số liệu của ITC cho biết, năm 2015, nhập khẩu tôm của Trung Quốc đạt 102.843 tấn, trị giá 754,5 triệu USD, tăng 31,7% khối lượng và 36% giá trị.

Ecuador là nhà cung cấp tôm lớn nhất cho Trung Quốc, chiếm 25% tổng giá trị nhập khẩu tôm của Trung Quốc. Trong khi đó, Việt Nam đứng thứ 10, chiếm 1,4%. Trung Quốc hiện có xu hướng tăng nhập khẩu tôm để đáp ứng nhu cầu chế biến và tiêu thụ trong nước.

Ecuador là đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam trên thị trường Trung Quốc. Năm 2015, Ecuador xuất khẩu 50% sản lượng tôm sang Trung Quốc. Dự kiến năm 2016, Trung Quốc tiếp tục là thị trường quan trọng của các nhà xuất khẩu tôm Ecuador.

Với dân số lớn, nhu cầu tiêu thụ thủy sản cao, đặc biệt sản phẩm có chất lượng cao của người dân Trung Quốc những năm gần đây, xuất khẩu thủy sản, nhất là tôm, sang thị trường này có nhiều cơ hội tăng trưởng. Nhu cầu nhập khẩu tôm nguyên liệu cho chế biến và tái xuất của Trung Quốc đang có xu hướng tăng do sản lượng tôm nuôi nội địa dự báo giảm.

Tuy vậy, theo VASEP, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc được nhận định là đang vấp phải một số khó khăn như Trung Quốc chưa có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh về xuất nhập khẩu thủy sản, rủi ro trong thanh toán và thị trường không ổn định về cả lượng nhập khẩu và giá.

Bên cạnh đó, Trung Quốc còn tăng rào cản kỹ thuật với một số mặt hàng thủy sản của Việt Nam. Các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đang gặp một số khó khăn như thông tin mạng quản lý phía Trung Quốc yêu cầu, muốn xuất khẩu vào nước này thì nhà máy chế biến phải có code vào Trung Quốc và nhà xuất khẩu phải nằm trong danh sách được nước này phê chuẩn.

Mạnh Đức

Đánh thuế BĐS: Kiểm soát đầu cơ hay tạo thêm gánh nặng?
Nếu chỉ áp dụng mỗi biện pháp đánh thuế thì sẽ khó ngăn chặn hiệu quả việc thao túng giá bất động sản mà ngược lại còn có tác dụng tiêu cực nếu chính sách tiền tệ và tài khóa đi theo xu hướng ngược lại là hỗ trợ tăng trưởng.