|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

NHNN chủ động giải quyết áp lực lạm phát bằng cách hút ròng trên kênh thị trường mở

15:48 | 04/03/2023
Chia sẻ
Mirae Asset cho rằng động thái hút vốn trên kênh nghiệp vụ thị trường mở (OMO) cho thấy NHNN đang chủ động giải quyết áp lực lạm phát.

Trong báo cáo vĩ mô vừa công bố, CTCP Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam nhận định Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể sẽ duy trì quan điểm thận trọng về tỷ giá, đặc biệt trong nửa đầu năm 2023.

"NHNN trước đây đã nêu rõ quan điểm chính sách tiền tệ Việt Nam là chủ động đón đầu trong bối cảnh toàn cầu có nhiều sự bất định. Vì vậy, chúng tôi không kỳ vọng sẽ có bất kỳ cú sốc nào trong việc điều hành tỷ giá của NHNN trong năm 2023", các chuyên gia tại đây cho hay.

NHNN đã mua lại một lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối trong 2 tháng đầu năm 2023. Mirae Asset dự báo dự trữ ngoại hối đã quay về trên mức 90 tỷ USD (tương đương trên ba tháng nhập khẩu).

Theo khối phân tích, NHNN đang điều hành chính sách tiền tệ một cách hiệu quả, chủ động giải quyết áp lực lạm phát gia tăng gần đây. Đáng chú ý, ngay sau Tết Nguyên đán, NHNN đã chủ động giải quyết áp lực lạm phát bằng cách hút ròng trên kênh thị trường mở (OMO) sau một thời gian mua ròng ngoại tệ cho dự trữ ngoại hối.   

Mirae Asset cho rằng động thái hút vốn trên kênh nghiệp vụ thị trường mở (OMO) cho thấy NHNN đang chủ động giải quyết áp lực lạm phát. Đáng chú ý, việc phát hành tín phiếu kỳ hạn trên 91 ngày cho thấy NHNN muốn hút tiền đồng về trong thời gian dài hơn. Ngoài ra, lãi suất tín phiếu trúng thầu cũng tăng từ 5–5,6%/năm lên 6%/năm, cho thấy sự quyết liệt của NHNN trong hoạt động hấp thụ thanh khoản.

 

 

 

Khối phân tích vẫn duy trì kỳ vọng lạm phát năm 2023 xấp xỉ 4,5%, tương ứng với kỳ vọng tăng trưởng tín dụng 13- 15%. Theo NHNN, tăng trưởng tín dụng ước đạt 14,2% vào năm 2022 và dự báo đạt khoảng 14–15% vào năm 2023.

Mới đây, NHNN đã chính thức giao mức hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2023 ban đầu cho các ngân hàng với mức trung bình là 9–13,5%.

Theo các chuyên gia tại đây, năm 2022, xung đột Ukraine – Nga và các biện pháp “Zero-Covid” nghiêm ngặt của Trung Quốc đã gây ra lạm phát chi phí đẩy. Bước sang năm 2023, dự báo tác động của yếu tố chi phí đẩy sẽ giảm dần và thay thế bằng yếu tố nội tại(áp lực giữa lương và giá).  

Anh Đào