|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nhiều tiền cũng khổ: Các ông lớn công nghệ Mỹ loay hoay tìm cách tiêu khối tiền mặt khổng lồ

14:07 | 15/04/2024
Chia sẻ
Apple, Amazon, Microsoft, Alphabet và Meta có tổng cộng hơn 570 tỷ USD tiền mặt cùng các khoản đầu tư ngắn và dài hạn. Việc sử dụng núi tiền này một cách hiệu quả là điều khó khăn bởi các thương vụ lớn sẽ mời gọi sự chú ý của các nhà quản lý.

(Ảnh minh họa: Shutterstock). 

Nhiều tiền cũng khổ

Đối với các gã khổng lồ công nghệ Mỹ, có quá nhiều tiền lại là một rắc rối. 

Các công ty công nghệ lớn nhất thế giới cũng là những doanh nghiệp giàu có nhất. Apple, Amazon, Microsft, Alphabet (công ty mẹ của Google) và Meta (công ty mẹ Facebook) tổng cộng có hơn 570 tỷ USD tiền mặt cùng các khoản đầu tư ngắn và dài hạn.

Con số trên cao hơn gấp đôi khối tiền mặt mà 5 công ty phi tài chính tiếp theo trong chỉ số S&P 500 sở hữu, theo dữ liệu từ S&P Global Market Intelligence.

Tại sao Big Tech lại dư dả như vậy? Thông thường, họ sẽ bán ra những sản phẩm và dịch vụ được sử dụng rộng rãi mà không cần đến chi phí cố định khổng lồ như những ngành công nghiệp khác.

Năm ngoái, Apple, Microsoft và Alphabet đều tạo ra hơn 100 tỷ USD tiền mặt từ hoạt động kinh doanh. Trong cùng kỳ, ông lớn ngành dầu khí Exxon Mobil tạo ra hơn 55 tỷ USD từ hoạt động kinh doanh.

 

Các Big Tech có quá nhiều vốn để sử dụng. Và việc dùng chúng một cách hiệu quả càng trở nên khó khăn hơn trong bối cảnh chính phủ nhiều nước như Mỹ quyết tâm ngăn cản họ mở rộng quy mô hơn nữa.

Amazon, Adobe và Intel đều đã phải từ bỏ một số thương vụ mua lại vào năm ngoái vì sự phản đối của các nhà quản lý, tờ Wall Street Journal (WSJ) cho hay.

Các thương vụ được thông qua cũng tốn nhiều thời gian và chi phí hơn để vận động hành lang. Microsoft mất gần hai năm để hoàn tất việc mua lại Activision Blizzard. Trong khi đó, thương vụ sáp nhập và mua lại lớn khác của công ty này - LinkedIn vào năm 2016 - chỉ cần chưa đến 6 tháng.

Ít lựa chọn 

Tuy nhiên, một số công ty công nghệ có vẻ đang rất nóng lòng được tiêu tiền. Google được cho là đang cân nhắc mua HubSpot, nhà cung cấp phần mềm được sử dụng để tiếp thị qua email và các chức năng liên quan đến quảng cáo khác.

Giá của thương vụ này nhiều khả năng sẽ lên đến hơn 40 tỷ USD - cao hơn 30% giá trị thị trường của HubSpot trước khi Reuters đưa tin về ý định của Google vào ngày 4/4. Trong khi đó, thương vụ lớn nhất từ trước đến nay của Google là mua lại Motorola Mobility bằng 12,5 tỷ USD hồi năm 2012.

Ý định của Google có vẻ khá điên rồ, đặc biệt là trong bối cảnh chính phủ Mỹ lo ngại gã khổng lồ công nghệ này đã chiếm ưu thế quá lớn trên thị trường quảng cáo. Doanh thu từ hoạt động quảng cáo của Google đạt 238 tỷ USD vào năm 2023.

Nhưng Google cũng là công ty có nhiều hỏa lực nhất - ngay cả khi so sánh với các ông lớn công nghệ khác. Cuối quý I, Google có gần 98 tỷ USD tiền mặt trong bảng cân đối kế toán sau khi trừ đi nợ. Con số này cao gấp đôi lượng tiền mặt ròng của Meta và cao hơn nhiều so với số dư tiền mặt ròng của Apple là 64,5 tỷ USD.

 

Nếu Google đúng là có kế hoạch mua lại HubSpot thì chắc hẳn quá trình đó sẽ không hề dễ dàng. Giá cổ phiếu Alphabet đã sụt gần 3% trong phiên 4/4 sau khi Reuters đăng tin.

Ông Brent Thill, nhà phân tích của Jefferies, viết trong lưu ý ngày 5/4: “Chúng tôi lo là thương vụ đang được đồn đoán của Google không phải động thái hợp lý hay cách dùng vốn tốt nhất”.

Vị chuyên gia cho biết khả năng cao là các quan chức chống độc quyền sẽ “phản đối mạnh mẽ”. Hơn nữa, phần mềm của HubSpot đang chạy trên Amazon Web Services - đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Google trong lĩnh vực điện toán đám mây.

Song, các công ty công nghệ Mỹ không có nhiều chỗ để dùng tiền. Theo FactSet, công ty mẹ của Google phải chi lần lượt 59 và 61,5 tỷ USD để mua cổ phiếu quỹ năm 2022 và 2023. Và ngay cả các chương trình mua cổ phiếu quỹ cũng đang gây ra tranh cãi.

Trong vụ kiện chống độc quyền chống lại Apple tháng trước, Bộ Tư pháp Mỹ lưu ý rằng vào năm ngoái “Táo khuyết” đã dùng 77 tỷ USD để mua lại cổ phiếu - nhiều hơn gấp đôi chi phí cho hoạt động nghiên cứu và phát triển. Bộ Tư pháp lập luận đây là bằng chứng cho thấy Apple “không có động lực để sáng tạo vì công ty đã được cách ly khỏi sự cạnh tranh”.

Apple cũng chi khoảng 15 tỷ USD mỗi năm để trả cổ tức. Nhưng nhà sản xuất iPhone từ lâu đã tránh các thương vụ lớn. Việc mua lại Beats Electronics vào năm 2014 vẫn là thương vụ mua lại lớn nhất từ trước đến giờ của Apple.

Năm 2010, nhà sáng lập Steve Jobs từng đùa về việc thổi bay 40 tỷ USD tiền mặt của công ty vào một bữa tiệc hoành tráng. Ngày nay, đây có lẽ là một trong những cách dùng vốn dư thừa ít gây tranh cãi nhất cho các doanh nghiệp.

Giang