Nhiều khó khăn cho các dự án ODA Nhật Bản
|
Tại buổi họp báo hôm 20-4 ở Hà Nội, ông Yasuo cho rằng, có hàng loạt vấn đề vẫn còn tồn tại làm ảnh hưởng tới các dự án ODA do Nhật Bản cho vay vốn. Chẳng hạn, sự chậm trễ trong các quyết định của chính phủ hay giải phóng mặt bằng chậm, trong năm tài khóa 2016, Nghị định số 16 được ban hành đã làm cho các thủ tục ODA trở nên phức tạp hơn, phát sinh vấn đề chậm thanh toán nợ do việc siết chặt quản lý nợ công.
“Trong năm tài khóa 2017, các vấn đề tương tự dự kiến sẽ còn tiếp diễn…”, ông nói.
Về thủ tục phê duyệt bị kéo dài, ông dẫn chứng dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội. Chỉ riêng việc xem xét lại tổng mức đầu tư đã mất tới 4 năm.
Giải phóng mặt bằng, theo ông, là vấn đề gây khó không chỉ với dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội mà còn nhiều dự án khác nữa.
Bên cạnh đó, theo quy định từ JICA, các yêu cầu hợp tác của Việt Nam với JICA cần được gửi vào tháng 8 hàng năm. Tuy nhiên, ông thừa nhận, với Việt Nam “việc chậm trễ đã thành thường lệ.”
Theo ông, hiện nhiều dự án bị phân bổ thiếu tiền đối ứng với tổng số tiền lên tới khoảng 10 tỉ yen.
Về tương lai, ông cho rằng, từ năm nay trở đi, Chính phủ Việt Nam thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc chủ trương hạn chế các khoản vay nợ công. Điều này sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến các dự án vốn vay ODA.
Ông khẳng định, JICA tôn trọng chủ trương của Chính phủ Việt Nam, JICA vẫn tiếp tục đối thoại với Chính phủ Việt Nam để giúp Chính phủ Việt Nam nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc sử dụng hiệu quả và cân bằng các khoản vốn đầu tư phát triển, trong đó có nguồn vốn vay ODA Nhật Bản, để tạo đà phát triển cho tương lai thì việc đầu tư công, xây dựng hạ tầng cơ sở là hết sức cần thiết.
Trong thời gian tới, JICA tiếp tục thúc đẩy các dự án đang thực hiện tại Việt Nam.
Đường cao tốc Bắc Nam (đoạn Đà Nẵng - Quảng Ngãi), một trong những dự án trọng điểm của Chính phủ, lần đầu tiên được xây dựng tại miền Trung, phân đoạn từ Đà Nẵng - Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) do JICA hỗ trợ với độ dài gần 65km dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng trong tháng 6.
Sau khi được hoàn thành, Cảng Lạch Huyện sẽ trở thành cảng nước sâu quốc tế đầu tiên ở miền Bắc, đồng thời JICA vẫn đang tiếp tục hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng giao thông tại khu vực này. Cây cầu vượt biển nối khu công nghiệp Đình Vũ và cảng Lạch Huyện với chiều dài 5,4 km dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng tháng 9 năm nay.
Đối với dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến 1 và tuyến 2, hiện tại đang tạm dừng nhưng ông Yasuo khẳng định, JICA mong muốn sớm tái khởi động các dự án này. “Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực thảo luận với Chính phủ Việt Nam để lên kế hoạch đấu thầu trong năm nay”, ông nói.
Bên cạnh đó, JICA hợp tác với một số Bộ như Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính để thực hiện các khảo sát liên quan đến các chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô. Từ tháng 1 năm 2018, trước sự thay đổi lớn về việc miễn thuế nhập khẩu hoàn toàn đối với ô tô nguyên chiếc từ các nước trong khu vực ASEAN, JICA sẽ tiếp tục đề xuất những chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô cho Chính phủ Việt Nam.
Vào tháng 4-2017, JICA bắt đầu thực hiện xây dựng “Mục tiêu trung hạn”, “Kế hoạch trung hạn” (từ năm 2017 đến năm 2021). Trong đó, Việt Nam là quốc gia có nhiều các dự án quy mô lớn nhất của JICA. Để hiện thực hóa được các mục tiêu cũng như kế hoạch trung hạn trên, JICA sẽ tiến hành tập trung triển khai các dự án tại Việt Nam.