|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nhiều kẽ hở khiến tổng mức đầu tư BOT có thể bị đẩy “vống” lên

07:40 | 25/08/2017
Chia sẻ
Lãi suất ngân hàng, lợi nhuận nhà đầu tư, dự phòng trượt giá là những yếu tố chính giúp các nhà đầu tư nâng chi phí sản thực hiện dự án BOT so với thực tế. Thậm chí theo Chánh thanh tra Bộ Kế hoạch và đầu tư, tổng hợp những con số đấy vào thì những phần không phải làm nhưng vẫn đưa vào tổng mức đầu tư chiếm khoảng 40%.
nhieu ke ho khien tong muc dau tu bot co the bi day vong len

Ông Trần Kỳ Sơn, Chánh thanh tra Bộ Kế hoạch và đầu tư. Ảnh: VietNamNet.

Bộ Kế hoạch và đầu tư đã từng tiến hành thanh tra tại 17 dự án BOT đường bộ theo hình thức đầu tư hợp tác công tư (PPP), phương thức đầu tư: xây dựng, kinh doanh, chuyển giao (BOT).

Khi kết luận thanh tra được công bố đã hé lộ việc nhiều dự án BOT khai vống suất đầu tư gấp nhiều lần so với suất đầu tư trên thực tế, đồng thời có nhiều vi phạm trong thanh quyết toán gói thầu và dự án...

Tại buổi toạ đàm “BOT: Làm sao để minh bạch và đồng thuận?” do Vietnamnet tổ chức chiều 24/8, trả lời câu hỏi qua thanh tra 17 dự án nói trên thì trên thực tế giá thành 1km đường BOT ở Việt Nam là bao nhiêu, ông Trần Kỳ Sơn - Chánh thanh tra Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết:

Hiện nay Chính phủ cũng giao cho Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Xây dựng cùng chủ trì với nhau để xây dựng một cái giá thành 1km đường cao tốc để sắp tới áp dụng cho đường cao tốc Bắc – Nam.

Tuy nhiên theo ông Sơn, việc này quả thực là khó, bởi mỗi một địa hình, mỗi một cấu tạo địa chất, mỗi một khu vực cung cấp vật liệu nó ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành.

“Tiêu chuẩn kỹ thuật thì giống nhau, nhưng cái nguồn cung vật liệu, điều kiện khí hậu, vật liệu thi công, tất cả nó khác nhau thì rất là khó”, ông Sơn nói.

Tuy nhiên, ông Sơn cho biết công tác thanh tra vừa rồi thì có nổi lên một vấn đề là qua kiểm tra các dự án thì tổng mức đầu tư được giảm rất nhiều. Lý do giảm là do chúng ta tính toán, khảo sát khối lượng, đơn giá định mức chưa đúng, các chi phí đưa vào áp dụng chưa đúng.

“Có một số chi phí quyết định đến giá thành rất lớn mà chi phí này được đưa ra ngay từ đầu để đưa vào các hợp đồng ký kết với nhau và xác định thời gian thu phí. Đó là lãi suất vay ngân hàng.

Chúng ta chỉ cần thêm bớt 1% hoặc 2% lãi suất của dự án thì nó ra một con số rất lớn, với nguồn vốn vay khổng lồ như vậy, mỗi dự án là 2.000 tỷ, 3.000 tỷ mà chúng ta nhân cả với chiều dài dự án như thế thì rõ ràng con số lãi suất lên rất lớn”, ông Sơn cho biết.

Thứ hai, theo ông Sơn là lợi nhuận của nhà đầu tư. Trước năm 2015, chúng ta chưa có quy định cụ thể nào về lợi nhuận nhà đầu tư. Lợi nhuận đó được phép xác định theo các doanh nghiệp cùng ngành nghề một cách tương đối. Cho nên khi áp dụng thì cơ quan quản lý Nhà nước cũng lúng túng, nhà đầu tư cũng tìm mọi cách để đẩy lên.

“Lợi nhuận tính ở trên cơ sở, hay mức độ nào thì mỗi người có cách tính khác nhau. Có người tính là lợi nhuận 14% trên tổng mức đầu tư của dự án, nó ra một con số quá khủng khiếp, vài trăm tỷ, gần 1.000 tỷ một dự án.

Có nhà đầu tư được kiểm soát chặt chẽ hơn thì được tính trên vốn của chủ sở hữu. Chủ sở hữu góp vào 15% thì được lợi nhuận 14% nhân với con số đấy hoặc 12% trên con số đấy thì giá lại rất giảm. Cách đó mới là đúng, còn có rất nhiều dự án tính sai”, ông Sơn nói.

Một vấn đề nữa được Chánh thanh tra Bộ Kế hoạch và đầu tư đề cập đó là việc kiểm soát chi phí dự phòng. Theo quy định pháp luật có hai loại chi phí.

Loại thứ nhất là khối lượng phát sinh. Trước đây, ở các dự án BOT cho phép dành ra 5% để dự phòng khối lượng, bây giờ con số được nâng lên là 10% dự phòng. Như vậy, sai số trên tổng mức đầu tư phải dành ra tới 10%.

Loại thứ hai là dự phòng trượt giá. Tỷ lệ trượt giá sẽ được tính theo số liệu 3 năm liền kề để đưa ra chỉ số giá xây dựng bình quân hằng năm.

"Đây mới là câu chuyện nhức nhối hiện nay. Không hiểu cách tính như thế nào, chỉ số giá xây dựng luôn cao hơn so với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mà Tổng cục Thống kê cung cấp. Cho nên nhân với chiều dài quãng đường toàn dự án. Dự phòng trượt giá chiếm 20 – 30% dự án", ông Trần Kỳ Sơn phân tích.

"Tổng hợp những con số đấy vào thì những phần không phải làm nhưng vẫn đưa vào tổng mức đầu tư chiếm khoảng 40%", ông Sơn đánh giá.

Ông Sơn chia sẻ, đối với vấn đề lãi suất ngân hàng, đoàn thanh tra kiểm tra lại, kiểm soát các chứng từ, hợp đồng, khế ước vay có thể tính toán ra con số chuẩn xác giúp xác định lại chi phí. Nhưng chỉ số trượt giá thực sự làm khó cơ quan thanh tra. Chỉ số trượt giá mỗi tỉnh đều ban hành một kiểu, không biết đâu mà lần trong khi con chỉ số chung của Tổng cục thống kê không ai sử dụng.

"Các nhà đầu tư hay lợi dụng vấn đề này nhất. Cuối cùng, nhà đầu tư báo phát sinh, đòi chỉnh tuyến mở rộng thêm cái nọ kia, thay đổi vật liệu này… tìm mọi cách để sử dụng hết dự phòng. Khi đó con số đầu tư sẽ tăng lên, sai lệch hẳn tổng mức đầu tư", vị Chánh thanh tra chỉ rõ.

Ông Sơn cho biết, qua kết quả thanh tra kiểm tra của chúng tôi giảm trừ rất nhiều các khâu trên. Còn các quy định về đơn giá, định mức, khối lượng cũng có nhưng không nhiều lắm".

Bên cạnh đó, ông Trần Kỳ Sơn cũng thừa nhận, cả ba yếu tố xác định giá phí dịch vụ đường BOT là giá thành xây dựng, lưu lượng xe và thời gian thu phí đều chưa được đánh giá rõ ràng, minh bạch.

nhieu ke ho khien tong muc dau tu bot co the bi day vong len Hé lộ về lợi nhuận của nhà đầu tư BOT

Toàn quốc hiện có 88 trạm thu phí BOT, trong đó 70 trạm đang thu. Với việc huy động vốn tư nhân làm dự án, ...

nhieu ke ho khien tong muc dau tu bot co the bi day vong len Thứ trưởng Bộ Kế hoạch: 'Tôi cảnh báo rủi ro BOT nhưng không ai làm theo'

"Với PPP và cụ thể là BOT , Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) là đơn vị chủ trì ra chính sách nhưng chúng ...

nhieu ke ho khien tong muc dau tu bot co the bi day vong len ‘Rủi ro tham nhũng trong BOT là lớn nhất’

“Nếu BOT được triển khai tốt, chặt chẽ sẽ đem lại lợi ích cho mọi quốc gia. ngược lại, nếu nới lỏng sẽ nảy sinh ...

N.Mạnh