|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhiệm vụ bất khả thi của OPEC+

08:18 | 19/08/2017
Chia sẻ

Thị trường dầu thô toàn cầu đang từng bước tái cân bằng? Người ta có thể không nghi ngờ điều này. Nhưng chắc chắn quá trình tái cân bằng cung - cầu thị trường chưa thể đạt được trong tương lai gần.

Thỏa thuận Vienna nhằm cắt giảm sản lượng dầu mỏ 1,8 triệu thùng mỗi ngày (gần 2% nguồn cung dầu toàn cầu mỗi ngày) giữa 11 quốc gia thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) với 11 nước sản xuất dầu mỏ lớn ngoài OPEC (được gọi là OPEC+) đã đạt được vào cuối năm 2016 và tiếp tục được gia hạn tới cuối quý I/2018. Trong cuộc họp kéo dài hai ngày (7-8/8) tại Abu Dhabi (UAE), các bên đã tái cam kết tuân thủ thỏa thuận giúp phục hồi giá dầu, thậm chí nhiều nước còn ủng hộ kéo dài thỏa thuận nếu cần thiết và triển khai cơ chế giám sát.

Tuy nhiên, nỗ lực kích thích giá dầu của OPEC vẫn không được đánh giá cao và kết quả có thể không như mong đợi, do không thể tạo được sức ảnh hưởng tới thị trường.

nhiem vu bat kha thi cua opec

Cắt giảm sản lượng, OPEC có thể được hưởng lợi nhờ giá dầu tăng trong sáu tháng tới, nhưng sẽ chứng kiến động lực tăng trưởng dầu đá phiến Mỹ kéo dài đến sang năm. (Nguồn: Reuters).

Niềm tin phai nhạt

Trên thực tế, những dữ liệu hiện tại đều cho thấy, rất khó để giá dầu có thể tăng mạnh trong vài tháng tới, thậm chí trong cả năm 2018. Mục tiêu giải tỏa lượng dầu tồn kho toàn cầu kỷ lục và cứu giá dầu ảm đạm vẫn còn khá xa. Trong khi đó, OPEC bắt đầu phải đối mặt với hàng loạt thách thức trong “nửa sau của chặng đường” nỗ lực duy trì thỏa thuận cắt giảm sản lượng thêm tám tháng nữa, dù dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho thấy nhu cầu dầu mỏ có thể tăng mạnh trong thời gian tới.

Cái khó của OPEC+càng thêm khó khi người ta lo ngại rằng, niềm tin về sự tái cân bằng bền vững của thị trường dầu mỏ chưa đạt được, đã manh nha bị triệt tiêu sau những dấu hiệu cho thấy mức độ tuân thủ thỏa thuận của các thành viên OPEC+ ngày càng kém đi.

Theo số liệu của IEA, trong tháng Bảy, 22 nước tham gia Thỏa thuận đã khai thác vượt khoảng 470.000 thùng/ngày so với mức sản lượng mà họ cam kết duy trì. Tỷ lệ tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của các nước OPEC tiếp tục giảm xuống còn 75% - mức thấp nhất từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, tỷ lệ tuân thủ thỏa thuận của các nước ngoài OPEC còn tệ hơn khi chỉ đạt 67%. Nếu OPEC tiếp tục giữ mức năng suất khai thác bằng với tháng Bảy, thị trường dầu thô sẽ thừa khoảng 450.000 thùng dầu vào năm tới mặc dù con số này thấp hơn so với dự báo hồi tháng trước.

Các con số tự nó đã cho thấy, dự báo về sự gia tăng nhu cầu hay những lời hứa hẹn, tái cam kết tôn trọng thỏa thuận của cả các nước trong và ngoài OPEC… cũng chẳng thể khiến người ta tin tưởng vào việc thị trường sẽ sớm cân bằng trở lại hay duy trì được trạng thái đó lâu dài.

Những mối đe dọa chính

Thỏa thuận Vienna ban đầu giúp giá dầu vượt lên mức 50 USD/thùng nhưng rồi nhanh chóng giảm xuống dưới ngưỡng cản tâm lý này. Sản lượng khai thác tăng vọt từ các mỏ dầu đá phiến của Mỹ cộng với đà hồi phục sản lượng dầu nhanh chóng ở Libya và Nigeria khiến OPEC gặp khó khăn hơn trong nỗ lực giảm lượng dầu dư thừa trên toàn cầu và đe dọa “vỡ kế hoạch”.

Không chỉ có vậy, giá dầu giảm khiến ngân sách các thành viên OPEC đều có nhu cầu cần được bù đắp. Nguồn thu ngân sách bị ảnh hưởng quá lâu trong khi giá dầu không tăng có thể làm nhiều quốc gia thành viên mất kiên nhẫn. Ecuador là nước đầu tiên vừa tuyên bố tăng sản lượng dầu để bù đắp thâm hụt ngân sách. Tuy nhiên, giới chuyên gia lo ngại rằng, nhiều nước khác có thể sẽ “ăn gian”, không còn tuân thủ chặt chẽ thỏa thuận, dù không công bố.

Phân tích về tình hình này, Greg Priddy - Giám đốc Tài nguyên thiên nhiên và Năng lượng toàn cầu thuộc Eurasia Group cho rằng: “các thành viên OPEC đang nhận thấy nếu giảm tiếp sản lượng, họ sẽ được hưởng lợi trong ngắn hạn nhờ giá dầu tăng trong sáu tháng tới. Nhưng họ sẽ chứng kiến động lực tăng trưởng sản lượng dầu đá phiến của Mỹ - nước không tham gia vào thỏa thuận kéo dài đến sang năm, khiến thị phần bị mất thêm và cuối cùng giá dầu sẽ vẫn đi xuống để cân bằng cung - cầu”.

Việc giá dầu tăng nhẹ trong những tháng gần đây đã thúc đẩy tăng trưởng trong ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ. Trong một báo cáo mới đây của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng dầu đá phiến của nước này có thể tăng thêm 117.000 thùng/ngày trong tháng Chín lên 6,149 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu đá phiến của Mỹ đã tăng đều ở tất cả các tháng từ đầu năm nay. Báo cáo cũng cho biết số giếng đã khoan nhưng chưa hoàn thành tăng thêm 208 giếng trong tháng Bảy so với tháng trước lên 7.059 giếng.

Giới quan chức dầu khí OPEC gọi khối lượng dầu gia tăng của Mỹ như “con voi trong cửa hàng đồ sứ”. Tuy nhiên, việc lôi kéo Mỹ vào thỏa thuận của OPEC+ đã không được xem xét và sẽ không được xem xét. Bởi vậy, “mối đe dọa chính” đối với thỏa thuận của OPEC và thị trường dầu mỏ thế giới không chỉ đến từ chính các thành viên OPEC+, mà còn từ Mỹ.

Khi thỏa thuận hết hạn

Đối với những người trong cuộc như Bộ trưởng Năng lượng Nga Aleksandr Novak, ông trấn an thị trường rằng, nhờ có thoả thuận của OPEC+ mà 350 triệu thùng dầu đã không bị đưa ra thị trường. Trữ lượng cũng giảm 90 triệu thùng. Giá dầu trong nửa đầu năm 2017 đã tăng khoảng 1/3 so với nửa đầu năm 2016. Đó cũng là niềm tin để Bộ trưởng Năng lượng Arab Saudi Khalid al-Falih tin tưởng vào mục tiêu của thỏa thuận OPEC+ và kỳ vọng thị trường sẽ khởi sắc, nhu cầu tăng và giá dầu sẽ ổn định ở mức cao hơn trong quý III/2017. Ông Khalid cho rằng, nhu cầu trong giai đoạn tháng 8-9 sẽ tăng lên khoảng 1,5 triệu thùng/ngày, so với mức 1 triệu thùng/ngày trong quý I vừa qua, với đóng góp nhu cầu của các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ.

Nhưng đến lúc này dù thỏa thuận Vienna chưa hết hạn, nhiều nhà đầu tư đã tỏ ra khá mất niềm tin, thậm chí nghi ngờ khả năng thị trường có thể tái cân bằng trở lại. Giám đốc đầu tư của Quỹ Kleinwort Hambros - Mouhammed Choukeir cho rằng, nỗ lực của OPEC có thể sẽ chẳng đi đến đâu, bởi “giá dầu có cuộc sống riêng của nó”. OPEC dù đã cố gắng hết sức để giữ cho giá dầu cao hơn nhưng sự vận động của thị trường sẽ không để cho các thành viên OPEC+ có thể tuân thủ lâu dài Thỏa thuận Vienna hay ngăn cản các nhà sản xuất đá phiến Mỹ ngừng "bù đắp” mọi thứ OPEC đang để ngỏ.

Trong khi đó, theo ước tính của IEA, ngay cả khi nếu trữ lượng dầu thô toàn cầu giảm 500 triệu thùng/ngày từ nay đến cuối tháng 3/2018 - thời điểm thỏa thuận cắt giảm hết hạn, trữ lượng dầu thô vẫn cao hơn 60 triệu thùng so với mức trung bình 5 năm qua. Nói cách khác, mục tiêu tái cân bằng thị trường dầu thô khó đạt được trong năm tới.

Giá dầu hiện đã lại giảm mạnh về mức thấp nhất trong ba tuần qua do lo ngại về sản lượng tại các nước OPEC và Mỹ tăng trở lại. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây đã hạ mức dự báo giá dầu thế giới năm 2017 và năm 2018 xuống khoảng 3 USD so với hiện nay.

nhiem vu bat kha thi cua opec Mỹ bán 14 triệu thùng dầu dự trữ khẩn cấp quốc gia vào cuối tháng 8

Bộ Năng lượng Mỹ sẽ bán 14 triệu thùng dầu từ quỹ dự trữ khẩn cấp quốc gia để tài trợ nghiên cứu y tế và ...

nhiem vu bat kha thi cua opec OPEC: Nhu cầu dầu toàn cầu tăng trong năm 2018

Hôm thứ Năm (10/8), Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) nâng dự báo nhu cầu về dầu thô trong năm 2018 vì ...

nhiem vu bat kha thi cua opec Barclays: dầu có thể điều chỉnh giảm trong quý 3

Barclays cho biết giá dầu có thể điều chỉnh giảm trong quý 3, khi các yếu tố đã hỗ trợ giá trong tháng 7 gồm ...

Minh Anh