Nhập khẩu rau quả về Việt Nam tăng mạnh
Hiện nay, Thái Lan bỏ xa Trung Quốc để trở thành nhà cung cấp rau quả nhiều nhất cho thị trường Việt Nam. Giá trị nhập rau quả từ Thái Lan 7 tháng đầu năm đạt gần 163 triệu USD, chiếm 38,7% trong tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả của cả nước, tăng trên 70% so với cùng kỳ. Trong khi đó giá trị nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc đạt 102,52 triệu USD, chiếm 24,4%, tăng gần 30%. Ngoài ra, Việt Nam cũng nhập khẩu rau quả nhiều từ Hoa Kỳ (41,2 triệu USD), Australia (24,6 triệu USD), Myanmar (18,5 triệu USD), New Zealand (13,8 triệu USD), Nam Phi (7,6 triệu USD).
Đáng chú ý là rau quả nhập khẩu từ thị trường Australia và Ấn Độ nhập về Việt Nam tăng vọt, với mức tăng tương ứng 212% và 141% về kim ngạch so với cùng kỳ.
Trong số rất nhiều chủng loại rau quả nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc vào Việt Nam, thì lượng xoài tí hon (còn gọi là xoài mút) được nhập về khá nhiều. Riêng tại chợ đầu mối Thủ Đức - TP.HCM trong ngày 3/8/2016 có khoảng 200 tấn và ngày 4/8/2016 có 150 tấn xoài mút Trung Quốc nhập về chợ. Giá bán loại xoài này dao động 18.000-20.000 đồng/kg. Mặt hàng này đã có mặt tại chợ từ đầu tháng 7 đến nay. Những năm trước xoài mút cũng về chợ nhưng ít, năm nay mới rộ lên.
Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết tính từ đầu tháng 2 đến ngày 1/8/2016, có 4.800 tấn xoài nhập từ Trung Quốc qua cửa khẩu Tân Thanh. Giá xoài này rất rẻ, giá khai báo hải quan là 160 USD/tấn, quy đổi theo tỉ giá mỗi kg xoài nhập từ TQ chỉ 3.600 đồng/kg. Trong khi đó, tại các chợ lẻ và trên nhiều tuyến đường ở TP.HCM, xoài mút đang bán rầm rộ với giá 30.000-35.000 đồng/kg. Trước đó, các cơ quan chức năng xác nhận xoài tí hon bán trên thị trường không phải xoài giả, ruột không phải làm bằng nylon vì trong mỗi hột xoài đều có một lớp màng bảo vệ hột.
Cũng trong 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu rau quả ước đạt trên 1,35 tỷ USD, tăng 40,5% so với cùng kỳ. Bảy tháng đầu năm ngành rau quả xuất siêu hơn 932,2 triệu USD.
Hiện nhiều thị trường đã mở cửa với rau quả Việt. Bên cạnh đó, xuất khẩu trái cây vào các thị trường khó tính tăng khá mạnh trong nửa đầu năm nay do tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, chất lượng hàng hóa ổn định cũng như nhu cầu tiêu thụ tăng lên khi thị trường được mở rộng.