Nhà nước thoái vốn gần 40.000 tỷ đồng, ACV muốn chuyển sàn niêm yết
ACV trả cổ tức 6% bằng tiền mặt, Bộ GTVT sắp thu về hơn 1.240 tỷ đồng | |
Thu phí sân bay sai 551 tỉ, ACV khẳng định vẫn thu tiếp | |
Thanh tra Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam: Vén rèm vi phạm |
Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), ông Lại Xuân Thanh đã xác nhận với báo chí việc người đại diện phần vốn Nhà nước tại đơn vị này, đã trình Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) phương án bán vốn Nhà nước.
Theo đề xuất này, Nhà nước sẽ thoái 20% vốn điều lệ hiện tại của ACV, tương đương 435,4 triệu cổ phần (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần). Với giá giao dịch bình quân ngày 5/12/2017 khoảng 90.000 đồng/cổ phần, giá trị vốn mà Nhà nước có thể thu về từ đợt thoái vốn đầu tiên sau khi ACV chính thức trở thành công ty cổ phần có thể lên tới 39.186 tỷ đồng.
Đấu giá công khai phần vốn Nhà nước
Nếu thực hiện thành công, phần vốn Nhà nước tại ACV sẽ giảm còn 75,4% vốn điều lệ. Hiện cổ đông Nhà nước (đại diện là Bộ GTVT) sở hữu 2.076.943.011 cổ phần (tương đương 95,4% vốn điều lệ). Các cổ đông khác nắm 100.230.225 cổ phần (tương đương 4,6% vốn điều lệ).
Sau khi cổ phần hóa, tài sản khu bay được giao cho Nhà nước và ACV thuê lại để vận hành. Ảnh: V.D |
Trước đó, tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8 của Thủ tướng phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020, tỷ lệ vốn Nhà nước tại ACV sẽ giảm 20%, xuống mức 75,4% trong năm 2018, và giảm xuống 65% vào năm 2020.
Lãnh đạo ACV đề xuất thực hiện đấu giá công khai phần vốn Nhà nước theo quy định để đảm bảo công khai, minh bạch, đảm bảo lợi ích cao nhất của Nhà nước. Tùy tình hình thị trường, việc bán vốn có thể thực hiện một đợt hoặc nhiều đợt tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE).
Phía ACV không đưa ra thông tin liên quan đến việc đàm phán bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược (Tập đoàn Aeroport de Paris), nhưng xác nhận đợt thoái vốn này sẽ mở rộng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia. ACV dự kiến tổ chức các đợt roadshow trong nước và quốc tế tại các trung tâm tài chính lớn.
Theo đó, ACV sẽ ưu tiên bán cổ phần cho các nhà đầu tư tài chính. Dự kiến sau khi được Bộ GTVT chấp thuận, phương án sẽ trình Thủ tướng xem xét phê duyệt.
Tuy nhiên, thông tin từ Công ty chứng khoán TP.HCM (HSC) mới đây cho rằng quá trình đàm phán diễn ra trong thời gian dài với Aéroports de Paris, để bán cổ phần chiến lược xem như kết thúc vào cuối tháng 9, đã không đi đến được một thỏa thuận nào.
Theo HSC, nguyên nhân chính dẫn đến thất bại trong việc hợp tác trên nằm ở vấn đề mức giá. Trong khi Aéroports de Paris muốn mua giá thấp thì ACV lại không thể hạ giá.
Nhà nước đã đặt ra thời hạn để bán 20% cổ phần ACV là năm 2018. Sau đó sẽ bán tiếp 10,4% cổ phần vào năm 2020.
Trong trường hợp được Bộ GTVT đồng ý, trong quý I/2018 sẽ lựa chọn, ký hợp đồng thuê tư vấn bán cổ phần, tư vấn xác định giá khởi điểm. Đến khoảng quý III, quý IV/2018 sẽ tổ chức đấu giá công khai và thực hiện giao dịch.
Sau khi IPO 77,8 triệu cổ phần vào cuối năm 2015, ACV đang độc quyền kinh doanh, quản lý vận hành 6 cảng hàng không quốc tế và 16 cảng quốc nội, với 65% doanh thu đến từ các cửa hàng miễn thuế tại sân bay.
Muốn chuyển sàn để tạo thanh khoản cho cổ phiếu
Trước khi thực hiện đợt thoái vốn này, ông Thanh thông tin ACV sẽ chuyển sàn từ UPCoM sang HOSE, nhằm tạo thanh khoản lớn hơn cho trên 2 tỷ cổ phiếu. Đây cũng là cách để các nhà đầu tư đánh giá rõ tiềm năng của ACV trong tương lai.
Theo kế hoạch của ACV, sau khi cổ phần hóa, tài sản khu bay được giao lại cho Nhà nước và ACV thuê để vận hành.
Về nội dung đàm phán hiện tại, ACV sẽ nhận toàn bộ thu nhập từ tài sản khu bay và nộp phí thuê cho Nhà nước, đồng thời trả phí sửa chữa. ACV đề xuất mức phí thuê hàng năm là 270 tỷ đồng, cộng với 727 tỷ đồng dự phòng sửa chữa dài hạn.
Tuy nhiên, từ thời điểm ACV chuyển thành công ty cổ phần đến nay, phương án quản lý, khai thác và đầu tư các tài sản khu bay vẫn chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ngoài ra công tác quyết toán vốn nhà nước tại ACV hiện vẫn bị treo, do chưa thể kết thúc được việc bán cổ phần cho đối tác chiến lược và chưa quyết toán xong thuế.
Theo đánh giá của HSC, việc đàm phán có lẽ hoàn tất trong năm nay. Sau khi hoàn tất đàm phán, ACV sẽ đủ điều kiện niêm yết trên HOSE.
Sau 1 năm niêm yết, cổ phiếu của ACV đã tăng gấp 4 lần, khối lượng giao dịch có quy mô lớn nhất tại UPCoM. Thị giá của cổ phần ACV được đánh giá sẽ còn tăng cao hơn nữa nhờ kết quả kinh doanh khá ấn tượng.
Cụ thể, lũy kế 9 tháng năm 2017, ACV ghi nhận 10.323 tỷ đồng doanh thu thuần, tương đương 77% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 2.960 tỷ đồng.
Năm 2017, ACV đặt kế hoạch tổng doanh thu mục tiêu là 13.293 tỷ đồng (tăng 25%), lợi nhuận trước thuế 3.669 tỷ đồng (tăng 7%). Các chỉ tiêu này không bao gồm hoạt động của khu bay.
Ngoài ra, kế hoạch đặt ra chưa tính đến ảnh hưởng của chênh lệch tỷ giá, do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ, chủ yếu là khoản vay ODA bằng yên Nhật.