Nhà đầu tư rời bỏ thị trường Trung Quốc đổ dồn sang các nước Đông Nam Á
Theo báo cáo này, JLL cho rằng ngành công nghiệp Đông Nam Á đang chiếm ưu thế trước mức chi phí gia tăng tại Trung Quốc. Nhiều nhà sản suất đang có xu hướng dịch chuyển sang những thị trường rẻ hơn do nền kinh tế Trung Quốc đi lên trong chuỗi giá trị.
Cụ thể, JLL nhận định các quốc gia Đông Nam Á đang chiếm ưu thế trong việc thu hút các nhà sản xuất rời bỏ thị trường Trung Quốc. Có nhiều nguyên nhân khiến Đông Nam Á trở thành điểm sáng hút đầu tư, JLL điểm ra một số yếu tố như chi phí thấp, tiêu dùng trong nước gia tăng và cơ sở hạ tầng đang được cải thiện.
Theo JLL, điều này sẽ giúp hoạt động đầu tư bất động sản công nghiệp tại các nước Đông Nam Á gia tăng đáng kể, với hiệu suất đầu tư tại một số thị trường được kỳ vọng vượt trên 10%.
Việt Nam là thị trường hàng đầu các nhà đầu tư hướng tới
“Những thị trường hàng đầu để đầu tư vào bất động sản công nghiệp là Indonesia và Việt Nam”, theo Bà Regina Lim, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Thị trường vốn, Đông Nam Á, JLL.
Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường vốn của JLL cũng nhận định “Ngành sản xuất tại Indonesia được kỳ vọng tăng 6% đến 7% hàng năm đến năm 2021, tính từ mức 5% năm 2016, nhờ vào sự ổn định tiền tệ và những thay đổi về chính sách kinh tế. Trong khi đó, thế mạnh của Việt Nam là có lực lượng lao động trẻ với tay nghề cao dồi dào, chi phí tương đối thấp, và nền chính trị ổn định.”
Những thị trường hàng đầu để đầu tư vào bất động sản công nghiệp là Indonesia và Việt Nam, JLL nhận định |
Theo báo cáo, sự tăng trưởng của ngành sản xuất ở Đông Nam Á là nhờ vào mức chi phí tại Trung Quốc gia tăng. Trong năm năm qua, Trung Quốc đã cơ cấu lại nền kinh tế đối với tiêu dùng trong nước, dịch vụ và thúc đẩy giá trị xuất khẩu. Cùng với chi phí lao động và giá đất tăng, ngành xuất khẩu tại Trung Quốc chậm lại do các công ty di dời cơ sở sản xuất của họ sang các thị trường có chi phí thấp hơn như Indonesia và Việt Nam. Kết quả là xuất khẩu tại Indonesia tăng từ 5% đến 6% hàng năm và tại Việt Nam tăng 16% hàng năm giai đoạn 2011-2016, so với mức tăng 6% tại Trung Quốc.
Bà Lim cho biết: “Ngay cả khi những thị trường này đang bùng nổ ngành sản xuất, họ vẫn còn một số vấn đề trong trung hạn cần được cải cách. Khả năng thúc đẩy chuỗi giá trị tại Đông Nam Á sẽ phụ thuộc vào mức độ gia tăng chi phí của Trung Quốc. Cũng như mức tăng trưởng tiêu dùng trong nước, chất lượng giáo dục, cơ sở hạ tầng sẵn có và những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tại những thị trường này.”
Đối với chất lượng giáo dục và kỹ năng tay nghề, trong khi Việt Nam đang có những bước tiến thì Thái Lan, Malaysia và Indonesia lại đi chậm hơn. Mặc dù Đông Nam Á có nguồn lao động trẻ trình độ cao dồi dào đang hỗ trợ cho quá trình công nghiệp hóa, nhưng nó vẫn cần phải bắt kịp với Trung Quốc.
Các chính sách nhằm cải thiện chất lượng nhân lực và kỹ năng tay nghề có thể giúp đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa ở các nước này, theo báo cáo JLL.
Mặc dù cơ sở hạ tầng tại Trung Quốc là một lợi thế, nhưng cơ sở hạ tầng kết nối khu vực Đông Nam Á sẽ được cải thiện, với nhiều công ty nước ngoài cam kết hỗ trợ việc xây dựng các nhà máy phát điện và các tuyến vận tải nối các thành phố với nhau. Sáng kiến ‘Một vành đai một con đường’ (One Belt One Road) và nền kinh tế hội nhập sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại trong và ngoài nước ở các nước ASEAN và Trung Quốc.
Hơn nữa, dữ liệu từ JLL cho thấy chỉ số minh bạch bất động sản toàn cầu trên khắp Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam và Indonesia, đã được cải thiện trong suốt 12 năm vừa qua, tạo cho các nhà đầu tư quốc tế tự tin hơn khi đầu tư vào các thị trường này.
Bà Lim nhận định: “Đông Nam Á có tiềm năng trở thành trung tâm công nghiệp hàng đầu trong khu vực, nhưng các nền kinh tế tại đây đang da dạng hóa ở nhiều giai đoạn phát triển khác nhau. Các nhà đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp cần có sự hiểu biết sâu sắc về bối cảnh thị trường khi lập kế hoạch hoạt động và đầu tư công nghiệp của mình.”